Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 20/10, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế "Vành đai và Con đường" (BRF) lần thứ ba từ ngày 17-20/10 theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn của báo chí về kết quả chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả chính chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ ba và đóng góp của đoàn Việt Nam tại diễn đàn lần này?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác Quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ ba đã thành công tốt đẹp, đạt các mục tiêu đề ra, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Diễn đàn được tổ chức sau hơn 4 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 với hơn 4.000 đại biểu từ hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, diễn đàn lần này có sự tham dự của hơn 20 lãnh đạo cấp cao từ các nước châu Á, châu Âu, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.
[Chủ tịch nước đề xuất hợp tác về Kinh tế Số dựa trên 3 trụ cột]
Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, diễn đàn là dịp quan trọng để các nước cùng nhau thảo luận, tìm kiếm các giải pháp và động lực tăng trưởng mới.
Nội dung thảo luận lần này đã làm nổi bật cách tiếp cận đa phương đối với các vấn đề kinh tế, thương mại, kết nối, các quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, là các chủ đề quan tâm, liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia.
Chuyến đi là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong năm 2023.
Tại diễn đàn lần này, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng về hợp tác Vành đai và Con đường, trong đó nêu quan điểm và cách tiếp cận của Việt Nam về chủ đề Kinh tế Số.
Bài phát biểu của Chủ tịch nước và sự tham gia của đoàn ta được các đại biểu đồng tình, đánh giá cao.
Bên cạnh đó, các thành viên của đoàn cũng đã tích cực đóng góp tại các phiên thảo luận chuyên ngành.
Chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn cấp cao Việt Nam đã đạt một số kết quả quan trọng, nổi bật như sau:
Thứ nhất, với việc tham dự các hoạt động của diễn đàn cũng như các hoạt động bên lề, chúng ta đã khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đại hội Đảng lần thứ XIII, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như lập trường rõ ràng về sự ủng hộ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, với những sáng kiến có lợi cho hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, chúng ta cũng đã cùng các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi về định hướng hợp tác trong những chủ đề nổi lên, được quan tâm rộng rãi như chuyển đổi số, phát triển xanh và kết nối kinh tế, qua đó góp phần xây dựng nền kinh tế thế giới, khu vực đa kết nối, mở, bao trùm, bền vững, với người dân là trung tâm.
Thứ ba, thông qua các hoạt động tại diễn đàn, các bộ, ngành của ta cũng có cơ hội để tăng cường hơn nữa hợp tác với các đối tác từ nhiều quốc gia.
Kết quả của diễn đàn lần này sẽ hỗ trợ cho việc triển khai thỏa thuận về kết nối khuôn khổ "Hai hàng lang, Một vành đai" của Việt Nam và sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, trong hai ngày tham dự diễn đàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ các nước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế.
Trong trao đổi, các đối tác đều thể hiện coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam; mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất với Việt Nam, mở rộng và làm sâu sắc thêm nội hàm hợp tác kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa và nhân dân.
- Xin Bộ trưởng đánh giá về kết quả các hoạt động song phương của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến đi Trung Quốc lần này?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong khuôn khổ chuyến công tác, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam đã lần lượt có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ; gặp gỡ cán bộ nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc; đi thăm điển hình xây dựng nông thôn mới của thành phố Bắc Kinh và tiếp lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có các hoạt động hội kiến song phương với lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam.
Các cuộc hội kiến của Chủ tịch nước lần này là sự tiếp nối của một loạt hoạt động tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước kể từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung.
Đặc biệt, chuyến thăm đã góp phần tiếp tục cụ thể hóa kết quả chuyến thăm Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022, thể hiện trên 3 phương diện sau:
Một là, duy trì xu thế đi lên và tiếp thêm động lực tích cực mới cho sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ song phương Việt Nam-Trung Quốc.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trao đổi sâu rộng về các định hướng, động lực lớn, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường tin cậy chính trị, làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới.
Trong hội kiến với Chủ tịch nước ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình gửi lời cảm ơn, thăm hỏi thân thiết tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; nhấn mạnh Trung Quốc luôn coi trọng cao độ quan hệ hữu nghị với Việt Nam, coi đây là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc; hoan nghênh và ủng hộ Việt Nam phát triển lớn mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, để hai nước có thể cùng nhau phát triển.
Các nhà lãnh đạo hai bên cũng nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy quan hệ bước vào giai đoạn phát triển mới với sự tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất, sâu sắc hơn, nền tảng dân ý vững chắc hơn và bất đồng được kiểm soát tốt hơn.
Hai là, gia tăng nhận thức chung về những phương hướng, biện pháp lớn nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư phát triển theo hướng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả; tăng cường kết nối chiến lược giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với “Vành đai và Con đường;” ưu tiên hơn nữa cho kết nối đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, góp phần bảo đảm thông suốt chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa hai nước và khu vực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định phía Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản và sản phẩm công nghiệp chế tạo của Việt Nam; khuyến khích mở rộng đầu tư chất lượng cao vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.
Ba là, tiếp tục phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố nền tảng dư luận xã hội thuận lợi cho phát triển quan hệ song phương.
Lãnh đạo cấp cao hai bên nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa các ban, bộ, ngành và các địa phương biên giới hai nước.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và nhất trí thúc đẩy sớm tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân hai nước như Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung, Liên hoan Thanh niên Việt-Trung, Gặp gỡ Hữu nghị Việt-Trung, qua đó tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, về truyền thống hữu nghị của hai Đảng, hai nước.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, kiểm soát hiệu quả và xử lý thỏa đáng bất đồng, góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực./.