Cuối tuần chơi golf

Chuyện cuối tuần: Đánh golf thì có lỗi hay có tội?

Golf không có lỗi, cho dù số tiền mua 1 bộ gậy đánh golf đáng giá bằng cả ngàn khẩu phần ăn trong ngày ở vùng Sừng châu Phi

Cuộc chiến ở Libya có lẽ đã đến hồi kết sau cái chết của ông Gaddafi, song cuộc biểu tình “chiếm lấy phố Wall” ở các nước phương Tây thì vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ở nhiều nơi, người biểu tình đã mang những tấm biểu ngữ có dòng chữ “Class War” (Đấu tranh giai cấp), nhằm phản đối chính sách mà họ cho rằng chỉ có lợi cho tầng lớp giàu có, vốn chỉ chiếm 1% trong xã hội.

Những người thuộc tầng lớp 1% ấy là những ông chủ ngân hàng, ông chủ tập đoàn giàu có, sở hữu những chiếc du thuyền, biệt thự xa hoa và nhàn tản đi đánh golf trong lúc phần đông người lao động đang cực khổ tìm việc làm trong thời khủng hoảng.

Thế nên cũng chả trách, tại Venezuela, ông Tổng thống cánh tả Hugo Chavez đã liên tục đưa ra những quyết định bị giới nhà giàu phản đối, nhưng lại được lòng đa số dân chúng là quốc hữu hóa ngành khai thác vàng và đóng cửa hàng loạt sân golf trên cả nước. Theo ông Chavez thì đánh golf là thú vui xa xỉ của một bộ phận nhỏ, không có lợi ích gì đối số đông người lao động, nên cấm là đúng.

Thật ra, golf không hề có lỗi, bởi đó cũng là môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo, tính nhẫn nại, lòng quả cảm… như bao môn thể thao khác. Những ngôi sao của môn thể thao này, như Tiger Woods hay gần đây nhất là Rory McIlroy đều là thần tượng của hàng triệu người trên thế giới, là những tấm gương sáng cho sự nỗ lực vượt khó để giành lấy những vinh quang. Bởi họ không hề xuất thân từ tầng lớp quý tộc như nhiều người vẫn hay nghĩ mỗi lần nhắc đến đánh golf.

Tay golf được nhắc đến nhiều nhất thế giới hiện nay, chàng trai người Bắc Ireland Rory McIlroy thậm chí còn là một hình mẫu về sự gần gũi và giản dị khi luôn hòa mình vào đám đông mỗi lần tới sân Old Trafford cổ vũ cho Manchester United, đội bóng mà anh yêu mến, hay dành thời gian chat với người hâm mộ trên Twitter.

Golf cũng ngày càng trở nên đại chúng hơn, mà bằng chứng là từ Olympic Rio de Janeiro 2016, môn thể thao này sẽ được chính thức đưa vào hệ thống thi đấu của Thế vận hội.

Nói tóm lại, bản thân golf không có lỗi, bấp chấp việc số tiền mua một bộ gậy đánh golf đáng giá bằng cả ngàn khẩu phần ăn trong ngày cho trẻ em ở vùng Sừng châu Phi, nơi nạn đói đã cướp đi sinh mạng của cả triệu người. Chỉ có những người dùng những đồng tiền nhơ nhớp để tiêu khiển trên sân golf, nhằm chứng tỏ rằng mình cũng thuộc tầng lớp đại gia, quý tộc thì mới là có tội, thậm chí là tội rất nặng, ít nhất là khi đứng trước tòa án lương tâm.

Cũng tương tự, nếu một vị quan chức nào đó cấm các nhân viên dưới quyền không được chơi golf trong lúc lĩnh vực do họ quản lý vẫn đang gây bức xúc hàng ngày, thậm chí hàng giờ, thì tinh thần đó cũng đáng được hoan nghênh, kể cả khi quy định đó không chuẩn về mặt pháp lý.

Chẳng hạn, nếu một quan chức ngành giao thông xung phong cầm điếu cày xuống đường tham gia phân luồng vào giờ tan tầm, thay vì vác gậy đi đánh golf trong ngày cuối tuần, thì hành động ấy không chỉ là một tấm gương cho cấp dưới, mà còn tác động tới ý thức của những người tham gia giao thông.

Thế nên, dù hành vi vác điếu cày phân luồng của một thanh niên mặc quần đùi đỏ gây sốt trên mạng có là sai đi chăng nữa, thì xét ở một khía cạnh nào đó, nó cũng thể hiện ý thức vì cộng đồng.

Còn nếu vì hành vi ấy mà anh ta sẽ bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật, thì không cẩn thận sẽ dẫn tới những sự vô cảm, như chuyện xảy ra bên nước bạn, khi 18 người qua đường thấy một cháu bé bị tai nạn mà không cứu giúp do sợ bị liên lụy.

Đó cũng là lý do vì sao mà bà lão nhặt rác, lương tâm hiếm hoi còn sót lại, đã phải thốt lên rằng “Làm việc tốt khó đến thế sao,” khi xuất hiện những lời dèm pha rằng bà từ chối số tiền mà các nhà hảo tâm trao tặng để được nổi tiếng./.

 
Hoài Sa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục