Chuyện cuối tuần: U23 Việt Nam thiếu “sát thủ”!

U23 Việt Nam dự SEA Games 26 đang thiếu một "sát thủ" đích thực. Nhưng đôi khi, đó lại là điều tốt, bởi tính tập thể sẽ được đề cao.

Tất nhiên, chuyên mục “Chuyện cuối tuần” sẽ chỉ đề cập tới thể thao và bóng đá chứ không bàn luận gì về cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ.” Sở dĩ tiêu đề có từ “sát thủ” là vì báo chí thể thao phương Tây rất thích dùng từ “killer.” Chẳng hạn như “giant-killer” để nói về những đội bóng nhỏ lập kỳ tích quật đổ đội bóng lớn, hay “serial-killer” để nói về những chân sút xuất sắc, ghi bàn hàng loạt.

Và khi chứng kiến đội U23 Việt Nam vất vả vượt qua U23 Philippines ở trận mở màn vòng bảng SEA Games 26, không ít người đã thốt lên rằng đội quân của ông Falko Goetz hiện nay đang thiếu vắng một “sát thủ” thực sự. Chả thế mà sau trận đấu, có tờ báo đã liệt kê tới 10 (!) tình huống bỏ lỡ cơ hội ghi bàn của các cầu thủ áo đỏ.

Thực ra, điều này đã được bàn đến từ rất lâu rồi. Ở Cúp bóng đá TP Hồ Chí Minh mở rộng cách đây hai tháng, các nhà chuyên môn đã đề cập tới chuyện ông Goetz hiện không có trong tay một chân sút tầm cỡ. Thậm chí, có người còn ví von rằng U23 Việt Nam thường “chấp” đối phương vị trí trung phong cắm, còn nhiệm vụ ghi bàn thì được đặt lên vai các tiền vệ.

Nhìn rộng ra, kể từ khi trở lại hội nhập với đấu trường khu vực, chưa bao giờ đội tuyển đại diện cho bóng đá Việt Nam lại thiếu vắng những “ngôi sao” thực thụ như đội U23 lần này. Thành Lương đã từng đoạt Quả bóng Vàng cách đây hai năm, Trọng Hoàng thì đã xuất hiện trên chương trình truyền hình thể thao nổi tiếng Transworld Sport, song hai cầu thủ này chưa bao giờ tạo được sức hút với giới truyền thông và người hâm mộ như trường hợp của Văn Quyến, Công Vinh hay Thanh Bình (thời trẻ) trước đây.

Mà ngoài Thành Lương hay Trọng Hoàng ra thì hầu hết các cầu thủ còn lại của đội U23 thậm chí còn chưa có được vị trí thường xuyên tại câu lạc bộ của mình khi V-League tràn ngập ngoại binh, chứ chưa nói đến chuyện trở thành gương mặt quen thuộc trên mặt báo.

Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà SEA Games là cơ hội tốt để các cầu thủ trẻ rèn giũa kinh nghiệm cũng như khẳng định bản thân. Và người ta hy vọng, từ giải đấu này thì nhiều gương mặt sẽ có những bước chuyển vượt bậc, trong thời điểm mà ở nhà, “các anh, các chú” đang bàn chuyện thành lập một giải đấu chuyên nghiệp theo đúng nghĩa.

[Toàn cảnh môn bóng đá nam tại SEA Games 26]

Người ta cũng hy vọng, khi công ty cổ phần V-League được thành lập, ngoài việc dàn xếp ổn thỏa chuyện trọng tài hay bản quyền truyền hình, thì những người có trách nhiệm cũng nên quan tâm đến chính sách bảo hộ cầu thủ trẻ. Bởi qua SEA Games 26 lần này thì tất cả mới thấy việc xây dựng lớp kế cận của bóng đá Việt Nam những nằm gần đây bị bỏ ngỏ đến thế nào, và việc trẻ hóa đội tuyển mà ông Falko Goetz thực hiện trong thời gian qua là sách lược hoàn toàn đúng đắn.

Quay trở lại với chiến dịch “tìm vàng” của U23 Việt Nam trên đất Indonesia, đúng là đội quân của ông Goetz không có ngôi sao thực thụ ở giải đấu này, nhưng trong bóng đá thì đôi khi đó có thể lại là một điều tốt, bởi tính tập thể và kỷ luật sẽ là những yếu tố được đề cao.

Mà chẳng phải, bản thân ông Falko Goetz cũng là một “ngôi sao trên băng ghế huấn luyện” đấy thôi!./.


* Chuyên mục Chuyện cuối tuần xuất hiện vào thứ Bảy hàng tuần tại mục Thể thao.

 
Hoài Sa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục