Chuyên gia của lãnh đạo, cơ quan của Quốc hội đáp ứng tiêu chuẩn nào?

Nghị quyết số 15 quy định việc sử dụng chuyên gia của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chuyên gia của lãnh đạo, cơ quan của Quốc hội đáp ứng tiêu chuẩn nào? ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 15/2022/UBTVQH15 Quy định việc sử dụng chuyên gia của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết này quy định việc sử dụng chuyên gia của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (sau đây gọi tắt là “cơ quan, người có thẩm quyền”).

Chuyên gia bao gồm nguyên đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, người làm công tác quản lý, nghiên cứu, hoạt động thực tiễn ở trong nước và ngoài nước; có điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này.

Việc sử dụng chuyên gia phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, người có thẩm quyền và bảo đảm công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; Cơ quan, người có thẩm quyền tùy theo tính chất công việc được sử dụng chuyên gia làm việc theo hình thức thường xuyên hoặc theo từng nội dung công việc cụ thể vào thời gian nhất định, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; Căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu công việc và lĩnh vực cụ thể, cơ quan, người có thẩm quyền quyết định số lượng chuyên gia cần sử dụng.

Theo Nghị quyết, chuyên gia có trình độ đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực cần tham vấn; có lý lịch rõ ràng, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có sức khỏe, tâm huyết, có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức sâu rộng, có trí tuệ và uy tín trong công tác tham mưu, hoạch định chính sách, chiến lược. Có khả năng tham vấn thông thạo trong một số lĩnh vực cụ thể đã được thực tiễn khẳng định; sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chuyên gia có nhiệm vụ, quyền hạn như sau: Nghiên cứu, cung cấp thông tin, hoàn chỉnh báo cáo, bài viết, bài nói, ý kiến bình luận, nhận xét, phát biểu, các ý kiến góp ý theo nhiệm vụ và lĩnh vực được giao; Tham vấn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động xây dựng pháp luật; các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; các vấn đề được các cơ quan, người có thẩm quyền quan tâm trong hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh; giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Chuyên gia được mời tham dự các phiên họp: toàn thể Ủy ban, Thường trực Ủy ban mở rộng; phiên họp chuyên đề năm, các phiên họp khác của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội theo quyết định của cấp triệu tập hội nghị; được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; được tham dự và thể hiện quan điểm, chính kiến trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, các phiên giải trình, các đoàn công tác, khảo sát, giám sát liên quan đến ngành, lĩnh vực phân công; được trả thù lao theo quy định.

Chuyên gia có nghĩa vụ thực hiện các quy định về bảo mật thông tin và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật; Thực hiện các nhiệm vụ khác do cơ quan, người có thẩm quyền trực tiếp sử dụng giao.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày 16/2/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục