Chuyên gia nêu ý kiến về vụ chuỗi cửa hàng Món Huế đóng cửa

Theo các nguồn thông tin trên báo chí, chuỗi cửa hàng Món Huế - Phở Ông Hùng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa trong khi còn nợ hàng chục tỷ đồng của các nhà cung cấp.

Trong những ngày qua, dư luận xôn xao việc hàng loạt cửa hàng mang nhãn hiệu Món Huế và Phở Ông Hùng tại 2 thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa.

Nhiều nhà cung cấp thực phẩm cho chuỗi cửa hàng Món Huế đang lo lắng về khả năng liệu có được chủ chuỗi cửa hàng thanh toán giá trị hàng hóa đã cung cấp.

Còn những người lao động tại đây cũng đối mặt với việc phải xoay xở tìm kiếm công việc mới vì mất việc làm.

Nhanh chóng vào cuộc

Theo các nguồn thông tin trên báo chí, chuỗi cửa hàng Món Huế - Phở Ông Hùng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa trong khi còn nợ hàng chục tỷ đồng của các nhà cung cấp.

Cơ quan thuế cũng đã nhanh chóng vào cuộc phong tỏa tài khoản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà hàng Món Huế và đưa ra hướng thu hồi nợ thuế.

Quan sát diễn biến vụ việc, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho biết, theo Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/10, cơ quan thuế đã phong tỏa tài khoản Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà hàng Món Huế (Công ty Món Huế) và cho ngưng phát hành hóa đơn giá trị gia tăng của các nhà hàng Món Huế đang kinh doanh trên địa bàn quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (nơi Công ty Món Huế đặt trụ sở chính).

Đây là động thái mới nhất của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh về việc rà soát toàn diện nghĩa vụ thuế của công ty này. Kết quả rà soát sẽ được các chi cục báo cáo về Cục Thuế trong thời gian sớm nhất.

Căn cứ vào Thông tư số 215/2013/TT-BTC hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 87/2018/TT-BTC), cơ quan thuế sẽ ban hành quyết định cưỡng chế trong các trường hợp sau ngày thứ 90 kể từ ngày: số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế hết thời hạn nộp thuế; hết thời hạn cho phép nộp dần tiền thuế nợ theo quy định của pháp luật.

Hiện tại, theo Chi cục Thuế quận 3, Công ty Món Huế đang nợ hơn 25 triệu đồng, số nợ thuế này mới phát sinh gần đây, chưa đến thời hạn thực hiện biện pháp cưỡng chế trên.

Tuy nhiên, hiện nay công ty đã đóng cửa, không còn hoạt động; những cửa hàng của chuỗi Món Huế đã đóng cửa. Tại một số nhà hàng, công ty này rời đi mà vẫn để lại toàn bộ bàn ghế, nồi, chén đĩa...

Cộng thêm việc các nhà đầu tư của Công ty Món Huế đã làm đơn khởi kiện ông Huy Nhật (chủ tịch Công ty Huy Việt Nam - ông chủ chuỗi nhà hàng Món Huế) lên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài.

Thống kê sơ bộ đến ngày 24/10 khoản nợ tại Thành phố Hồ Chí Minh của Món Huế với gần 50 nhà cung cấp khoảng hơn 30 tỷ đồng.

[Xử lý các vi phạm về thuế của Asanzo và Nhà hàng Món Huế]

"Đây mới chỉ là con số sơ bộ, chắc chắn sẽ tăng trong tương lai," Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu quan điểm và nhận định, hành động phong tỏa tài khoản Công ty Món Huế của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn hợp lý.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với trách nhiệm là cơ quan quản lý thu ngân sách nhà nước, việc phong tỏa tài khoản ngân hàng nhằm bảo vệ tài sản cho cổ đông và các chủ nợ là hành động hoàn toàn đúng pháp luật và cần thiết. 

Động thái này nhằm ngăn chặn các khả năng tẩu tán tài sản của một số cá nhân, tổ chức điều hành. Mục đích ngăn chặn là phục vụ không chỉ cho việc thu hồi nợ thuế mà còn bảo vệ cho những người liên quan khác. 

Khi người có trách nhiệm của công ty đảm bảo cam kết trách nhiệm nợ hoặc khi có quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước thì các lệnh ngăn chặn sẽ được xóa bỏ ngay lập tức để giúp doanh nghiệp đi vào hoạt động bình thường.

Theo vị chuyên gia này, quy định pháp luật khi công ty bị giải thể, phá sản thì thuế là khoản ưu tiên thanh toán theo trình tự xử lý tài sản doanh nghiệp phá sản. 

Hơn nữa, tài sản đảm bảo thanh toán ngoài giá trị tài sản còn lại khi phá sản còn bao gồm trách nhiệm của người đại diện pháp luật và các cổ đông góp vốn theo phần giá trị góp vốn của họ. Do đó, khả năng thất thoát thuế sẽ khó xảy ra, ngoại trừ trường hợp đơn vị phá sản bị âm vốn chủ sở hữu quá lớn. Ông Nghĩa cho rằng, vấn đề này phải có hồ sơ cụ thể mới có thể thông tin cụ thể.

Có góc nhìn khá tương đồng, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, khi phát hiện và có phản ánh doanh nghiệp có thể phá sản và chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì việc phong tỏa tài khoản để thu hồi thuế là điều đương nhiên. Đây là động thái rất cần thiết để tránh việc chủ thể kinh doanh tẩu tán tài sản.

Nhanh chóng chứng minh thiệt hại

Theo Chủ tịch Công ty Luật SBLaw Nguyễn Thanh Hà, tính đến thời điểm hiện tại thì vụ việc Công ty Món Huế có thể được xem là vụ vỡ nợ lớn nhất trong ngành bán lẻ thực phẩm và đồ uống, tính từ 10 năm trở lại đây. 

Bởi, lĩnh vực này từng chứng kiến các chuỗi cửa hàng thực phẩm, cà phê, trà sữa, … nở rộ rồi âm thầm thu hẹp bớt quy mô hoặc đóng cửa, rời thị trường ngày càng nhiều nhưng chưa có vụ việc nào lớn đến như vậy. Thông qua các con số, tài liệu thống kê cho thấy chuỗi nhà hàng Món Huế đã ghi nhận khoản nợ lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Sự việc của Công ty Món Huế diễn ra quá nhanh làm cho các doanh nghiệp cung cấp đều bất ngờ, hoang mang, chỉ biết đến trụ sở chính của Công ty đòi nợ nhưng trụ sở đã đóng cửa từ lâu, nhân viên cũng đã nghỉ việc hết. Trang web của công ty này hiện cũng không hoạt động.

Vị luật sư đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp cung cấp nên viết đơn tố cáo công ty có hành vi lừa đảo, chờ đợi đến khi cơ quan có chức năng đưa ra xem xét nguy cơ phá sản để thanh lý tài sản, nhằm trả lại phần nào thiệt hại cho các nhà cung cấp. 

Các doanh nghiệp cung ứng cần nhanh chóng lập hồ sơ, đưa ra các bằng chứng chứng minh thiệt hại mà mình đang gánh chịu để cơ quan chức năng thu thập thông tin, tiến hành giải quyết vụ việc.

Để có thể chủ động hơn, không để đến khi doanh nghiệp phá sản, đóng cửa đột ngột, vị chuyên gia luật cho rằng, cơ quan thuế, doanh nghiệp cung ứng nên chủ động hơn trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty đối tác nếu thấy có bất ổn.

Doanh nghiệp cung ứng nên chủ động trong việc thanh toán tiền hàng, không nên để nợ quá nhiều trong thời gian dài; khi lập hợp đồng cung ứng nên đưa ra các điều khoản bồi thường, phạt vi phạm, bảo đảm quyền lợi của mình trong trường hợp công ty đối tác phá sản.

Vị luật sư này trích dẫn: "Căn cứ Điều 54 Luật Phá sản 2014 thì thứ tự phân chia tài sản của doanh nghiệp sau khi bị tuyên bố phá sản là: Chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. Sau đó là đến nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ."

Theo đó, các doanh nghiệp cần giữ lại các bằng chứng chứng minh khoản nợ của doanh nghiệp phá sản với công ty của mình hoặc khi kí hợp đồng với khoản tiền lớn nên có tài sản đảm bảo để bảo vệ phần nào quyền và lợi ích của mình.

Cơ quan thuế phải tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra việc đóng thuế của công ty; áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp cần thiết khi thấy có dấu hiệu của việc trốn thuế, phá sản của doanh nghiệp. 

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, để hạn chế việc doanh nghiệp nợ tiền nhà cung cấp đột ngột đóng cửa, chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong khi còn những khoản nợ lớn chưa thanh toán thì cơ quan quản lý cùng với các nhà cung cấp phải theo dõi thường xuyên hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, đối với những nhà cung cấp để theo dõi một cách tổng thể như thế rất khó vì điều này còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có cung cấp cho các nhà cung cấp số liệu cụ thể hay không.

Nhưng đối với các cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan thuế thì căn cứ vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo định kỳ để có thể biết được tình trạng của doanh nghiệp, từ đó nắm được những vấn đề cần tháo gỡ.

Tức là ngoài việc quản lý thì cơ quan này có thể giúp cho doanh nghiệp nhìn thấy điểm yếu để doanh nghiệp có biện pháp thay đổi. Nếu cần thiết, doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan quản lý giãn nợ thuế, tạo điều kiện thuận lợi để vượt qua khó khăn, từ đó có thể giảm thiểu được tình trạng doanh nghiệp đột ngột phá sản.

"Việc này đòi hỏi cán bộ thuế không chỉ theo dõi thu thuế mà còn là người cùng doanh nghiệp giám sát hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp đó," ông Thịnh nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục