Chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ tới của Bộ Tư pháp là chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật.
Chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật ảnh 1Bộ Tư pháp họp báo công tác tư pháp quý IV năm 2015. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 8/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 64 điểm cầu triển khai công tác tư pháp năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016-2020.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận công tác tư pháp cả nhiệm kỳ 2011-2015 và trong năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Bộ Tư pháp đã cùng cả hệ thống chính trị tổng kết, tham gia xây dựng trình Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013.

Hiện Bộ đang tiếp tục thực hiện vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các cấp triển khai thi hành Hiến pháp, đạt nhiều kết quả tích cực trên 3 nhóm nhiệm vụ lớn: tuyên truyền, phổ biến và rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo phù hợp tinh thần và nội dung Hiến pháp mới.

Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 38/74 bộ luật, luật do Chính phủ trình theo Kế hoạch triển khai Hiến pháp.

Việc tổ chức thành công Ngày Pháp luật trong 3 năm qua với điểm nhấn trong năm 2015 là cuộc thi viết "Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã tạo sức lan tỏa, khích lệ người dân tích cực học tập, tìm hiểu, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Công tác thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày càng hiệu quả, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tính thống nhất, đồng bộ, gắn kết hơn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ tới, các cơ quan tư pháp, pháp chế tiếp tục tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thể chế h​óa đầy đủ nội dung, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, quy định Hiến pháp năm 2013, phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định theo các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người và quyền công dân, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ tới là chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đề cao tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong toàn xã hội đã được ghi nhận tại dự thảo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ, Ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, từ việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thi hành pháp luật và cải cách tư pháp cho tới quản lý các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự, hành chính, cung cấp dịch vụ công, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp...

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình lập pháp của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến.

Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật gắn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính, góp phần bảo đảm tính khả thi, hợp lý, khắc phục tình trạng chính sách, pháp luật được ban hành nhưng khó đi vào cuộc sống, phải tạm dừng hoặc sửa đổi sau một thời gian ngắn có hiệu lực.

Ngành tập trung nguồn lực triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016, trong đó quyết liệt thực hiện tốt những quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo bước chuyển cơ bản về quy trình và chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật hình sự 2015 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật này, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành các luật, bộ luật về tố tụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua trong năm 2015.

Tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả các công cụ phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, góp phần cụ thể hóa một bước chuyển hướng chiến lược sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; Bộ Tư pháp, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chế định Thừa phát lại theo tinh thần Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội.

Ngành tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác hành chính tư pháp gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào những lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp.

Triển khai có hiệu quả Luật Hộ tịch theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, bảo đảm đồng bộ với Luật căn cước công dân, xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử làm nền tảng cho việc xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Báo cáo của Bộ Tư pháp đánh giá dấu ấn đậm nét trong năm 2015 đó là lần đầu tiên toàn Ngành đã nỗ lực tổ chức thành công 2 đợt lấy ý kiến Nhân dân, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi) với những quy định mới mang tính cải cách, tạo cơ chế hữu hiệu bảo vệ, bảo đảm thực thi quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được coi là luật về làm luật, với những đổi mới căn bản về quy trình, thủ tục và trách nhiệm xây dựng pháp luật của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, hướng đến một hệ thống pháp luật đơn giản hơn, minh bạch hơn để mọi người dễ chấp hành, thực hiện hơn và cũng để cho cơ quan, công chức nhà nước thi hành nghiêm chỉnh hơn, áp dụng pháp luật công bằng, nhất quán hơn.

Định hướng công tác tư pháp nhiệm kỳ 2016-2020, Hội nghị xác định tiếp tục phát huy vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong việc tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thể chế h​óa đầy đủ nội dung, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; các quy định của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của ​nhân dân, do ​nhân dân, vì ​nhân dân.

Ngành tích cực tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp thực hiện bước chuyển hướng chiến lược sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tổ chức thi hành hiệu quả Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, bảo đảm đồng bộ với việc triển khai các bộ luật, luật về tố tụng để đưa các chính sách mới mang tính cải cách về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường đi vào cuộc sống.

Phấn đấu giảm cơ bản và tiến tới chấm dứt tình trạng trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Triển khai thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ với việc sử dụng có hiệu quả các công cụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận, sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, coi đây là khâu đầu tiên và có vai trò quan trọng trong tổ chức thi hành pháp luật.

Tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, thực chất công tác thi hành án dân sự, hành chính; phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao; hàng năm giảm ít nhất 5% lượng án tồn đọng; khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế, nhất là đối với công tác phân loại án, công tác thống kê thi hành án dân sự. Nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, thừa phát lại, quản lý, thanh lý tài sản.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục