Chỉ tính đến ngày 24/11, rất nhiều hộ dân thuộc làng Kim Bảng, Minh Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình đã phải ghi nợ số tiền cả bạc triệu chỉ để có nước sạch phục vụ sinh hoạt tối thiểu.
Mặc dù đã hơn 1 tháng kể từ khi trận lũ lịch sử hồi cuối tháng 10 đi qua, nhưng người dân vùng rốn lũ vẫn đang phải oằn mình gánh những khoản phụ phí... không giống ai.
Xã Minh Hóa chỉ nằm cách thị trấn Quy Đạt chừng hơn 5km, nhưng sau cơn lũ, toàn bộ hệ thống đường dân sinh đã bị nước sông Nan ăn mòn đến độ chỉ còn trơ cốt đá. Chiếc xe cà tàng liên tục phải về số 2, hồng hộc thở để qua được những vũng lớn sâu hoắm hình thành sau lũ.
Chỉ tay vào một ngọn cây keo cao chừng 3-4m ven đường, người lái xe tên Lưu, gốc Minh Hóa bảo: “Bữa nớ, nước ngập hết trơn, cả cái cây đó cũng không còn nhìn thấy. Lũ rút, giờ dân lại phải gồng lên vì khát, nhà báo ạ.”
Vào đến trung tâm làng Kim Bảng, cảnh tượng lại càng thê lương hơn. Do làng nằm đúng đoạn nước sông Nan trở mình, cuộn xoáy nên nhiều nhà cửa bị đánh tan, chỉ còn trơ lại mấy cột trụ lớn. Thỉnh thoảng, trên đường hằn những vết chạy ngang như bị dao cứa.
Bần thần trước ngôi nhà ẩm mốc vì ngâm nước quá lâu ngày, chị Cao Thị Kim Thúy rân rấn nước mắt giãi bày: “Bây chừ, cái ăn thì nhờ Đảng và Nhà nước, chúng tôi cũng không lo. Nhưng nước sạch không biết lấy mô mà dùng.”
Nói đoạn, chị chỉ ra chiếc giếng đào vốn là nguồn nước cả gia đình 3 khẩu vẫn thường sử dụng. Những ngày cuối tháng 10, nước sông Nan dâng cao lút mái nhà, kéo vào giếng đủ thứ rác rến. Ngay sau khi lũ rút, trung tâm y tế dự phòng cùng lực lượng quân sự đã nhiều lần tiến hành khử trùng, nhưng đến nay, nhà chị vẫn không thể dùng lại nguồn nước này được.
Múc lên một gầu lớn, chị Thúy bảo rằng 1 tháng sau lũ, dù đã trong hơn nhưng nước giếng vẫn chưa hết mùi hôi. Vì vậy, người dân quanh làng không dám sử dụng để ăn uống.
Nhà ngay gần đó, anh Cao Văn Thông cũng than thở, từ đầu tháng 10 đến tận bây giờ, vợ chồng con cái anh vẫn chưa lần nào được sử dụng nước sạch một cách thoải mái.
“Nước giếng, chừ nếu có dùng, cũng chỉ có thể để giặt quần áo, rửa rau qua. Sau đó, chúng tôi vẫn buộc phải lên những xã cao hơn xin nước về rửa lại,” anh Thông cho hay.
Nước giếng khơi bốc mùi, quay sang dòng sông Nan ngay sát làng cũng không khả quan hơn là mấy. Rác và củi khô từ đầu nguồn xã Thượng Hóa vẫn ngày ngày kéo về, dạt vào ven bờ dày đặc.
Không thể tìm được nguồn nước nào đảm bảo vệ sinh, rất nhiều người dân Minh Hóa đã buộc phải chọn cách “mua chịu” nước sạch được các thương lái đưa từ thị trấn Quy Đạt vào.
“Ngay sau lũ, biết dân không có nước sạch dùng, có người đã đánh xe chở những thùng nước tinh khiết vào tận xã để bán cho chúng tôi với giá 12.000 đồng/thùng,” anh Thông cho biết.
Tuy nhiên, trong trận lũ lịch sử vừa qua, hầu hết gia sản của người Minh Hóa đều đã bị cuốn theo dòng sông Nan. Nhà cửa tan hoang, ruộng vườn sụt lún. Có hộ như gia đình anh Cao Tiến Dũng thậm chí còn không có nổi cả ngôi nhà để trú mưa sau lũ.
Người Minh Hóa không còn tiền, nhưng nước không thể không uống. Họ bàn nhau, xin cánh tiểu thương cho ghi sổ nợ. Để phục vụ cho nhu cầu ăn uống tối thiểu, một gia đình 3 khẩu như nhà chị Thúy, anh Thông, mỗi tuần cũng đã phải “ghi” đến hơn trăm nghìn tiền nước.
“Tính đến ni, tôi đã nợ đại lý ngoài thị trấn gần 700.000 đồng cho khoản này rồi nhà báo ạ,” anh Thông cưới méo mó bảo.
Nhưng cũng theo anh Thống, mức tiền anh đã ghi không thấm vào đâu so với những gia đình đông con khác. Như gia đình anh Dũng, số nợ đã lên tới gần 800.000 đồng, hay như chị Cao Thị Hoa, khoản tiền ghi nước cũng ngót nghét bạc triệu.
Nước sinh hoạt đắt đỏ, thế mới có chuyện, người Minh Hóa giờ quý nước còn hơn cả… gạo. Những bình nước được người lớn cất kín trong nhà, chỉ khi thật cần mới dùng đến. Thấy chúng tôi thắc mắc, chị Cao Thị Hoa thật thà: “Gạo thì cứu trợ cũng đủ ăn vài tháng, chứ nước giờ phải đi mua chịu, không quý mần răng được.”
Chị cho biết thêm, nếu nguồn nước giếng không sớm trở lại sạch hơn, chắc gia đình chị sẽ phải trở thành con nợ lớn vì nước.
Đau xót hơn, những khoản nợ bạc triệu ấy sẽ được trừ dần khi vụ mùa đầu tiên mà những nông dân lam lũ vùng rốn lũ thu hoạch sau cơn “đại hồng thủy” này. Nước mắt rơm rớm, chị Hoa không giấu nổi nỗi buồn bảo, cứ như thế này, chắc dân phải còng lưng nuôi nợ… nước cả năm mới dứt./.
Mặc dù đã hơn 1 tháng kể từ khi trận lũ lịch sử hồi cuối tháng 10 đi qua, nhưng người dân vùng rốn lũ vẫn đang phải oằn mình gánh những khoản phụ phí... không giống ai.
Xã Minh Hóa chỉ nằm cách thị trấn Quy Đạt chừng hơn 5km, nhưng sau cơn lũ, toàn bộ hệ thống đường dân sinh đã bị nước sông Nan ăn mòn đến độ chỉ còn trơ cốt đá. Chiếc xe cà tàng liên tục phải về số 2, hồng hộc thở để qua được những vũng lớn sâu hoắm hình thành sau lũ.
Chỉ tay vào một ngọn cây keo cao chừng 3-4m ven đường, người lái xe tên Lưu, gốc Minh Hóa bảo: “Bữa nớ, nước ngập hết trơn, cả cái cây đó cũng không còn nhìn thấy. Lũ rút, giờ dân lại phải gồng lên vì khát, nhà báo ạ.”
Vào đến trung tâm làng Kim Bảng, cảnh tượng lại càng thê lương hơn. Do làng nằm đúng đoạn nước sông Nan trở mình, cuộn xoáy nên nhiều nhà cửa bị đánh tan, chỉ còn trơ lại mấy cột trụ lớn. Thỉnh thoảng, trên đường hằn những vết chạy ngang như bị dao cứa.
Bần thần trước ngôi nhà ẩm mốc vì ngâm nước quá lâu ngày, chị Cao Thị Kim Thúy rân rấn nước mắt giãi bày: “Bây chừ, cái ăn thì nhờ Đảng và Nhà nước, chúng tôi cũng không lo. Nhưng nước sạch không biết lấy mô mà dùng.”
Nói đoạn, chị chỉ ra chiếc giếng đào vốn là nguồn nước cả gia đình 3 khẩu vẫn thường sử dụng. Những ngày cuối tháng 10, nước sông Nan dâng cao lút mái nhà, kéo vào giếng đủ thứ rác rến. Ngay sau khi lũ rút, trung tâm y tế dự phòng cùng lực lượng quân sự đã nhiều lần tiến hành khử trùng, nhưng đến nay, nhà chị vẫn không thể dùng lại nguồn nước này được.
Múc lên một gầu lớn, chị Thúy bảo rằng 1 tháng sau lũ, dù đã trong hơn nhưng nước giếng vẫn chưa hết mùi hôi. Vì vậy, người dân quanh làng không dám sử dụng để ăn uống.
Nhà ngay gần đó, anh Cao Văn Thông cũng than thở, từ đầu tháng 10 đến tận bây giờ, vợ chồng con cái anh vẫn chưa lần nào được sử dụng nước sạch một cách thoải mái.
“Nước giếng, chừ nếu có dùng, cũng chỉ có thể để giặt quần áo, rửa rau qua. Sau đó, chúng tôi vẫn buộc phải lên những xã cao hơn xin nước về rửa lại,” anh Thông cho hay.
Nước giếng khơi bốc mùi, quay sang dòng sông Nan ngay sát làng cũng không khả quan hơn là mấy. Rác và củi khô từ đầu nguồn xã Thượng Hóa vẫn ngày ngày kéo về, dạt vào ven bờ dày đặc.
Không thể tìm được nguồn nước nào đảm bảo vệ sinh, rất nhiều người dân Minh Hóa đã buộc phải chọn cách “mua chịu” nước sạch được các thương lái đưa từ thị trấn Quy Đạt vào.
“Ngay sau lũ, biết dân không có nước sạch dùng, có người đã đánh xe chở những thùng nước tinh khiết vào tận xã để bán cho chúng tôi với giá 12.000 đồng/thùng,” anh Thông cho biết.
Tuy nhiên, trong trận lũ lịch sử vừa qua, hầu hết gia sản của người Minh Hóa đều đã bị cuốn theo dòng sông Nan. Nhà cửa tan hoang, ruộng vườn sụt lún. Có hộ như gia đình anh Cao Tiến Dũng thậm chí còn không có nổi cả ngôi nhà để trú mưa sau lũ.
Người Minh Hóa không còn tiền, nhưng nước không thể không uống. Họ bàn nhau, xin cánh tiểu thương cho ghi sổ nợ. Để phục vụ cho nhu cầu ăn uống tối thiểu, một gia đình 3 khẩu như nhà chị Thúy, anh Thông, mỗi tuần cũng đã phải “ghi” đến hơn trăm nghìn tiền nước.
“Tính đến ni, tôi đã nợ đại lý ngoài thị trấn gần 700.000 đồng cho khoản này rồi nhà báo ạ,” anh Thông cưới méo mó bảo.
Nhưng cũng theo anh Thống, mức tiền anh đã ghi không thấm vào đâu so với những gia đình đông con khác. Như gia đình anh Dũng, số nợ đã lên tới gần 800.000 đồng, hay như chị Cao Thị Hoa, khoản tiền ghi nước cũng ngót nghét bạc triệu.
Nước sinh hoạt đắt đỏ, thế mới có chuyện, người Minh Hóa giờ quý nước còn hơn cả… gạo. Những bình nước được người lớn cất kín trong nhà, chỉ khi thật cần mới dùng đến. Thấy chúng tôi thắc mắc, chị Cao Thị Hoa thật thà: “Gạo thì cứu trợ cũng đủ ăn vài tháng, chứ nước giờ phải đi mua chịu, không quý mần răng được.”
Chị cho biết thêm, nếu nguồn nước giếng không sớm trở lại sạch hơn, chắc gia đình chị sẽ phải trở thành con nợ lớn vì nước.
Đau xót hơn, những khoản nợ bạc triệu ấy sẽ được trừ dần khi vụ mùa đầu tiên mà những nông dân lam lũ vùng rốn lũ thu hoạch sau cơn “đại hồng thủy” này. Nước mắt rơm rớm, chị Hoa không giấu nổi nỗi buồn bảo, cứ như thế này, chắc dân phải còng lưng nuôi nợ… nước cả năm mới dứt./.
Dũng Hùng Bách (Vietnam+)