Nhìn trên địa đồ Tổ quốc, xã Tà Mít như hạt đỗ chấm phá nơi lưng chừng Tây Bắc. Thế nhưng, bất ngờ thay, cái xã tột cùng khó, tột cùng khổ của cả nước ấy lại đang mang trong mình những câu chuyện khó tin.
Tính tại thời điểm chúng tôi có mặt, theo thống kê chưa đầy đủ của Phó chủ tịch xã Hoàng Văn Sơn, thì cứ trung bình hai đến ba hộ dân ở đây lại sở hữu một chiếc xe máy.
Đói ăn ba tháng vẫn quyết mua xe
Trong những ngày có mặt ở bản Phiêng Giềng, trung tâm hành chính của xã Tà Mít, chúng tôi đã rất bất ngờ về mức độ phổ biến của chiếc xe máy với người dân.
Sớm sớm, từ những ngả đường rải đầy đá hộc, đồng bào Thái, Dao và đặc biệt là La Ha… ầm ầm cưỡi xe phi ra. Tiếng động cơ gầm rú, vang động cả một khoảng rừng già.
Suốt dọc con đường liên bản, xe máy đủ chủng loại dựng la liệt. Đến cả học sinh cấp hai của trường Trung học cơ sở Tà Mít gần đó cũng đã được “cưỡi Win” đến lớp.
Lý giải về sự lạ này, Phó chủ tịch xã Hoàng Văn Sơn cho biết: Hầu hết xe của các bản đều mới được mua trong vòng hơn một năm trở lại đây theo hình thức trả sau. Dân Tà Mít chỉ việc mang hộ khẩu ra huyện photo rồi đến các đại lý lớn là được mang xe về.
Toàn bộ chi phí sẽ thanh toán khi các hộ nhận được tiền đền bù tái định cư từ công trình thủy điện Bản Chát. Gần như tháng nào cũng có người dân rủ nhau ra huyện “cắm” [mua xe theo cách gọi của người dân địa phương- PV] một chiếc xe về để… đi chơi theo hình thức ấy.
Có những bản rất xa mà nếu muốn tới phải vượt hẳn dòng Nậm Mu rộng cả chục mét như Pắc Muôn, Sài Lương nhưng những gã vùng cao mê “xế” vẫn cứ liều lĩnh “cắm” và khiêng xe vào cho kỳ được. Họ dùng thuyền độc mộc chở xe, bắc cầu nứa cho xe đi, thậm chí hồn nhiên để xe lại ngay phía bờ cát bên này dòng Nậm Mu rồi chèo thuyền về nhà cách đó chừng dăm cây số.
Có xe rồi, nhưng người dân xã Tà Mít lại càng lo thêm. Như trường hợp của Lò Văn Thầu, 30 tuổi ở bản Pắc Pu. Thầu “cắm” xe từ tháng 8/2009 sau một trận nhậu say. Ngất ngưởng mang xe về được đến nhà nhưng lại chẳng còn tiền mua xăng (giá xăng ở bản là 22.000 đồng/lít), Thầu bực bội ném xe chỏng chơ một góc. Mặc dù mới là giữa tháng Tư nhưng cả bốn miệng ăn nhà Thầu giờ chỉ còn trông chờ vào hai tạ thóc.
Điều đáng nói là, dù chỉ là xe Win sản xuất tại Trung Quốc, giá thị trường vào khoảng 4-5 triệu đồng, nhưng khi “cắm”, Thầu bị ép giá tới… 17 triệu đồng/xe. Trong khi đó, toàn bộ giấy tờ xe của Thầu vẫn nằm lại ở đại lý để làm tin.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, gia đình Lò Văn Dúc cũng chỉ còn bốn tạ gạo trong bồ. Không năm nào, Dúc không phải vào rừng hái măng ăn chống đói bốn tháng giáp hạt. “Nhưng thấy anh em nó có xe chạy, mình cũng phải có chứ.” Nghĩ thế, Dúc liền “cắm” lại chiếc xe “Wave Tàu” của người em vừa cắm ba tháng trước đó với giá 19 triệu đồng.
Thậm chí, khi vượt sông vào bản Pắc Muôn, bản được mệnh danh là “vương quốc cắm xe lòng hồ”, chúng tôi còn được nghe câu chuyện về Lò Văn Dình, nhà 5 miệng ăn, cũng đói lả mỗi khi lũ về nhưng vẫn “sở hữu” tới cả một đôi xe Win sáng bóng.
Theo thống kê của Phó chủ tịch xã Hoàng Văn Sơn, hiện Pắc Muôn đang nằm trong tốp đầu phong trào mua xe… chịu của toàn xã với 70/100 hộ đã có “động cơ thay sức người”. Lần lượt xếp sau là các bản Tà Mít (35/50), Pắc Pu (20/64). Riêng bản trung tâm Phiêng Giường, số hộ chưa có xe “cắm” chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Chính quyền cũng bó tay?!
Với một xã nằm trong diện nghèo đói nhất nhì của tỉnh, chuyện người dân nhao nhao đi sắm xe cũng khiến cho chính quyền xã, huyện hết sức đau đầu.
Ông Sơn cho biết, điều đáng ngại nhất không phải là mức giá cao bất thường của các loại xe mà nằm ở sự nhập nhằng trong hợp đồng mua bán. Đa phần những người dân tham gia “cắm” xe của Tà Mít trình độ học vấn rất hạn chế, thậm chí nhiều người không hề biết chữ. Người ta đưa ra hợp đồng thế nào thì họ ký hoặc điểm chỉ như thế.
Như trường hợp của Hoàng Văn Đón, mặc dù mua xe với giá gần 20 triệu nhưng Đón lại cầm ngược cả giấy mua bán xe khi đọc. Đón cũng không hề biết đến hai quy định đã được đại lý “ngoắc” thêm vào hợp đồng như: nếu quá thời hạn trả tiền lần một, Đón phải chịu lãi suất 1,5%/tháng; lần hai, lãi suất đã lên tới 3%/tháng.
Thêm vào đó, hiện phương án đền bù và di dân cho các bản của xã Tà Mít vẫn còn đang được các bên liên quan bàn thảo. Ngay cả ông Sơn cũng chưa rõ, bản nào phải chuyển đi, bản nào được ở lại nên số tiền các hộ dân sẽ nhận được cũng hết sức mù mờ.
“Chính quyền xã đã nhiều lần vào cuộc, nhắc nhở người dân nhưng do nhận thức của họ quá kém nên chính quyền cũng đành bất lực,” ông Sơn thừa nhận.
Nhận thức kém, hy vọng quá nhiều vào tiền hỗ trợ di dời là nguồn cơn đẻ ra những câu chuyện lạ đời có lẽ chỉ có ở Tà Mít. Không chỉ “bóp miệng” nuôi xe, nơi đây, cứ dăm bữa nửa tháng lại có gã phi cả người cả xe xuống đáy vực. Xe tan nát dưới lòng hồ, còn người thì dở sống dở chết.
Ngay hôm chúng tôi có mặt ở Phiêng Giềng, một vụ tai nạn hy hữu cũng đã xảy ra khi Lò Văn Vang “đáp” thẳng xe từ trên dốc xuống, toàn bộ khung và giảm xóc đều long rời ra ngoài.
Chúng tôi rùng mình nhớ lại cung đường đầy đá hộc và suối ngầm mình đã đi qua mà ngán ngẩm.
Về vấn đề này, ông Phạm Đức Minh, Phó Chủ tịch huyện Tân Uyên cũng tỏ ra hết sức bức xúc. Ông Minh cho biết, vào thời điểm cuối năm 2008, huyện đã có công văn nghiêm cấm các đại lý bán xe cho những hộ gia đình nằm trong diện tái định cư theo hình thức trả sau. Tuy nhiên, hiện tượng “cắm xe lòng hồ” vẫn ngấm ngầm diễn ra. Có cửa hàng xe máy đã cho dân nợ đến cả tỷ đồng.
“Sắp tới, huyện sẽ mời lãnh đạo xã ra họp để thống kê lại lượng xe thực tế trong dân và sẽ yêu cầu các chủ cửa hàng trả lại đúng giá trị các loại xe này,” ông Minh khẳng định.
Có lẽ, để xảy ra tình trạng trên thì một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền huyện và xã. Cách thức giải quyết của chính quyền ra sao để tạo nên nhận thức mới cho những “người cùng khổ” Tà Mít, không chỉ là chuyện mua bán xe đúng giá, không chỉ là chuyện xe nhiều hơn gạo, mà trên hết là những nhận thức mới về xây dựng một cuộc sống ổn định ấm no, mới là vấn đề được người dân cả huyện quan tâm tột cùng.
Tính tại thời điểm chúng tôi có mặt, theo thống kê chưa đầy đủ của Phó chủ tịch xã Hoàng Văn Sơn, thì cứ trung bình hai đến ba hộ dân ở đây lại sở hữu một chiếc xe máy.
Đói ăn ba tháng vẫn quyết mua xe
Trong những ngày có mặt ở bản Phiêng Giềng, trung tâm hành chính của xã Tà Mít, chúng tôi đã rất bất ngờ về mức độ phổ biến của chiếc xe máy với người dân.
Sớm sớm, từ những ngả đường rải đầy đá hộc, đồng bào Thái, Dao và đặc biệt là La Ha… ầm ầm cưỡi xe phi ra. Tiếng động cơ gầm rú, vang động cả một khoảng rừng già.
Suốt dọc con đường liên bản, xe máy đủ chủng loại dựng la liệt. Đến cả học sinh cấp hai của trường Trung học cơ sở Tà Mít gần đó cũng đã được “cưỡi Win” đến lớp.
Lý giải về sự lạ này, Phó chủ tịch xã Hoàng Văn Sơn cho biết: Hầu hết xe của các bản đều mới được mua trong vòng hơn một năm trở lại đây theo hình thức trả sau. Dân Tà Mít chỉ việc mang hộ khẩu ra huyện photo rồi đến các đại lý lớn là được mang xe về.
Toàn bộ chi phí sẽ thanh toán khi các hộ nhận được tiền đền bù tái định cư từ công trình thủy điện Bản Chát. Gần như tháng nào cũng có người dân rủ nhau ra huyện “cắm” [mua xe theo cách gọi của người dân địa phương- PV] một chiếc xe về để… đi chơi theo hình thức ấy.
Có những bản rất xa mà nếu muốn tới phải vượt hẳn dòng Nậm Mu rộng cả chục mét như Pắc Muôn, Sài Lương nhưng những gã vùng cao mê “xế” vẫn cứ liều lĩnh “cắm” và khiêng xe vào cho kỳ được. Họ dùng thuyền độc mộc chở xe, bắc cầu nứa cho xe đi, thậm chí hồn nhiên để xe lại ngay phía bờ cát bên này dòng Nậm Mu rồi chèo thuyền về nhà cách đó chừng dăm cây số.
Có xe rồi, nhưng người dân xã Tà Mít lại càng lo thêm. Như trường hợp của Lò Văn Thầu, 30 tuổi ở bản Pắc Pu. Thầu “cắm” xe từ tháng 8/2009 sau một trận nhậu say. Ngất ngưởng mang xe về được đến nhà nhưng lại chẳng còn tiền mua xăng (giá xăng ở bản là 22.000 đồng/lít), Thầu bực bội ném xe chỏng chơ một góc. Mặc dù mới là giữa tháng Tư nhưng cả bốn miệng ăn nhà Thầu giờ chỉ còn trông chờ vào hai tạ thóc.
Điều đáng nói là, dù chỉ là xe Win sản xuất tại Trung Quốc, giá thị trường vào khoảng 4-5 triệu đồng, nhưng khi “cắm”, Thầu bị ép giá tới… 17 triệu đồng/xe. Trong khi đó, toàn bộ giấy tờ xe của Thầu vẫn nằm lại ở đại lý để làm tin.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, gia đình Lò Văn Dúc cũng chỉ còn bốn tạ gạo trong bồ. Không năm nào, Dúc không phải vào rừng hái măng ăn chống đói bốn tháng giáp hạt. “Nhưng thấy anh em nó có xe chạy, mình cũng phải có chứ.” Nghĩ thế, Dúc liền “cắm” lại chiếc xe “Wave Tàu” của người em vừa cắm ba tháng trước đó với giá 19 triệu đồng.
Thậm chí, khi vượt sông vào bản Pắc Muôn, bản được mệnh danh là “vương quốc cắm xe lòng hồ”, chúng tôi còn được nghe câu chuyện về Lò Văn Dình, nhà 5 miệng ăn, cũng đói lả mỗi khi lũ về nhưng vẫn “sở hữu” tới cả một đôi xe Win sáng bóng.
Theo thống kê của Phó chủ tịch xã Hoàng Văn Sơn, hiện Pắc Muôn đang nằm trong tốp đầu phong trào mua xe… chịu của toàn xã với 70/100 hộ đã có “động cơ thay sức người”. Lần lượt xếp sau là các bản Tà Mít (35/50), Pắc Pu (20/64). Riêng bản trung tâm Phiêng Giường, số hộ chưa có xe “cắm” chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Chính quyền cũng bó tay?!
Với một xã nằm trong diện nghèo đói nhất nhì của tỉnh, chuyện người dân nhao nhao đi sắm xe cũng khiến cho chính quyền xã, huyện hết sức đau đầu.
Ông Sơn cho biết, điều đáng ngại nhất không phải là mức giá cao bất thường của các loại xe mà nằm ở sự nhập nhằng trong hợp đồng mua bán. Đa phần những người dân tham gia “cắm” xe của Tà Mít trình độ học vấn rất hạn chế, thậm chí nhiều người không hề biết chữ. Người ta đưa ra hợp đồng thế nào thì họ ký hoặc điểm chỉ như thế.
Như trường hợp của Hoàng Văn Đón, mặc dù mua xe với giá gần 20 triệu nhưng Đón lại cầm ngược cả giấy mua bán xe khi đọc. Đón cũng không hề biết đến hai quy định đã được đại lý “ngoắc” thêm vào hợp đồng như: nếu quá thời hạn trả tiền lần một, Đón phải chịu lãi suất 1,5%/tháng; lần hai, lãi suất đã lên tới 3%/tháng.
Thêm vào đó, hiện phương án đền bù và di dân cho các bản của xã Tà Mít vẫn còn đang được các bên liên quan bàn thảo. Ngay cả ông Sơn cũng chưa rõ, bản nào phải chuyển đi, bản nào được ở lại nên số tiền các hộ dân sẽ nhận được cũng hết sức mù mờ.
“Chính quyền xã đã nhiều lần vào cuộc, nhắc nhở người dân nhưng do nhận thức của họ quá kém nên chính quyền cũng đành bất lực,” ông Sơn thừa nhận.
Nhận thức kém, hy vọng quá nhiều vào tiền hỗ trợ di dời là nguồn cơn đẻ ra những câu chuyện lạ đời có lẽ chỉ có ở Tà Mít. Không chỉ “bóp miệng” nuôi xe, nơi đây, cứ dăm bữa nửa tháng lại có gã phi cả người cả xe xuống đáy vực. Xe tan nát dưới lòng hồ, còn người thì dở sống dở chết.
Ngay hôm chúng tôi có mặt ở Phiêng Giềng, một vụ tai nạn hy hữu cũng đã xảy ra khi Lò Văn Vang “đáp” thẳng xe từ trên dốc xuống, toàn bộ khung và giảm xóc đều long rời ra ngoài.
Chúng tôi rùng mình nhớ lại cung đường đầy đá hộc và suối ngầm mình đã đi qua mà ngán ngẩm.
Về vấn đề này, ông Phạm Đức Minh, Phó Chủ tịch huyện Tân Uyên cũng tỏ ra hết sức bức xúc. Ông Minh cho biết, vào thời điểm cuối năm 2008, huyện đã có công văn nghiêm cấm các đại lý bán xe cho những hộ gia đình nằm trong diện tái định cư theo hình thức trả sau. Tuy nhiên, hiện tượng “cắm xe lòng hồ” vẫn ngấm ngầm diễn ra. Có cửa hàng xe máy đã cho dân nợ đến cả tỷ đồng.
“Sắp tới, huyện sẽ mời lãnh đạo xã ra họp để thống kê lại lượng xe thực tế trong dân và sẽ yêu cầu các chủ cửa hàng trả lại đúng giá trị các loại xe này,” ông Minh khẳng định.
Có lẽ, để xảy ra tình trạng trên thì một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền huyện và xã. Cách thức giải quyết của chính quyền ra sao để tạo nên nhận thức mới cho những “người cùng khổ” Tà Mít, không chỉ là chuyện mua bán xe đúng giá, không chỉ là chuyện xe nhiều hơn gạo, mà trên hết là những nhận thức mới về xây dựng một cuộc sống ổn định ấm no, mới là vấn đề được người dân cả huyện quan tâm tột cùng.
Sơn Bách-Thông Chí (Vietnam+)