Nhích từng bước chậm chạp, các bác cựu chiến binh từ nhiều miền tổ quốc về viếng người Anh cả của mình. Mặc cho thời tiết nắng nóng, những người lính năm xưa vẫn hướng đôi mắt thành kính hướng về phía nhà tang lễ. Đôi mắt đăm đăm hướng về phía dòng người đang không ngừng nối dài, thiếu tá Nguyễn Tất Thắng nói với cô cháu gái: “Cả một đời, Đại tướng đã vì nước vì dân. Đến lúc Người ra đi, tất cả cùng hướng về đây tiễn đưa người với lòng thành kính. Đây là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.” Nói rồi, người cựu binh già lấy từ trong túi ra tấm hình tư liệu chụp cố Đại tướng về thăm chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Chợt đó, Thiếu tá Thắng lặng đi. “Từ khi nghe tin Người về với tổ tiên, tôi hẫng hụt vô cùng. Những người đồng chí của tôi ở Điện Biên, do tuổi cao sức yếu, không thể về đây đưa tiễn Người lần cuối cùng. Nhiều người gọi điện cho tôi và nói trong nước mắt. Họ cảm thấy như mất đi chính người cha, người anh trong gia đình mình. Tôi sẽ thay mặt những người đồng đội ấy của tôi kính viếng hương hồn Đại tướng,” bác Thắng xúc động chia sẻ. Hai hàng nước mắt lăn dài từ đôi mắt mờ đục của người cựu chiến binh, bác kể, những người đồng đội ở Điện Biên vẫn luôn mong chờ đến ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ để được đón Đại tướng về với vùng đất cách mạng. “Thật xót xa, điều đó đã không thể trở thành hiện thực,” vị thiếu tá này tâm sự. Có mặt ở khu vực gần Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) từ sáng sớm ngày hôm nay, Trung úy Tô Thị Thanh có mặt từ rất sớm vì muốn được gần bên Người trước khi Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình. [Người dân sẽ được viếng Đại tướng tới 6 giờ sáng mai] Những dòng ký ức chợt ùa về, bác Thanh kể, trước đây, bác từng là một bác sỹ quân y. Trong suốt sự nghiệp, bác đã 2 lần được gặp Đại tướng tại đơn vị khi ông đến thăm các thương bệnh binh.
Tiếc thương người "anh Cả." (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
“Tôi sẽ không bao giờ quên sự ân cần của Đại tướng với cấp dưới của mình. Đại tướng hỏi thăm từng người và động viên tinh thần các chiến sỹ. Không ít lần, tôi thấy đôi mắt Đại tướng ầng ậc nước khi chứng kiến cảnh các thương-bệnh binh đau đớn với bệnh tật,” vị bác sỹ quân y ngậm ngùi nói. Nghe bác Thanh kể chuyện, những người xung quanh không kìm nén được xúc động. Những tiếng nấc nghẹn nơi cổ họng như đang cố nén nỗi đau. Khi Thanh Hoa (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) hỏi tên, bác Thanh bảo: “Tên bác thì cũng giống tên cháu! Chúng ta cùng là con dân đất Việt, cùng mang một tên chung là người Việt Nam, về đây để kính viếng hương hồn Đại tướng.” Trong tâm thức của những người cựu chiến binh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một vị Tổng tư lệnh oai phong và một người Anh cả nghĩa tình. Dáng đứng trang nghiêm, bác cựu chiến binh Hoàng Văn Nam (Nghệ An) hòa mình vào dòng người vào viếng Đại tướng. Liên tục chấn chỉnh quân phục, bác bảo: “Đại tướng luôn là người trang nghiêm. Bởi vậy, vào viếng Người, chúng ta phải giữ tác phong người lính.” Nói về hành trình đến Hà Nội chờ viếng Đại tướng, bác bảo, từ hôm 5/10, khi gia đình Đại tướng mở cửa tư gia để người dân vào tưởng niệm, ngày nào tôi cũng xếp hàng vào bày tỏ tấm lòng thành kính. Ngày mai, sau khi Lễ truy điệu và đưa thi hài Đại tướng ra sân bay về với quê hương Quảng Bình xong, tôi sẽ lên đường về quê.” Với nhiều người dân Việt, trong thời gian sớm nhất có thể, họ và những người đồng đội của mình được vào thăm, thắp hương ở nơi yên nghỉ của Đại tướng ở quê hương của Người là ước vọng lớn nhất. Dòng người vẫn liên tục nối dài và những người cựu chiến binh cũng ngày một đông. Tất cả như đang cùng tựa vào nhau, nắm tay nhau để vượt qua nỗi đau./.
Nhóm PV (Vietnam+)