Chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước góp phần thắt chặt quan hệ hai nước

Theo Đại sứ Hans-Peter Glanzer, chuyến thăm Áo của Chủ tịch Võ Văn Thưởng mang tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước Việt Nam-Áo.
Chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước góp phần thắt chặt quan hệ hai nước ảnh 1Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Áo, Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam Hans-Peter Glanzer đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về mối quan hệ Việt Nam-Áo và tiềm năng phát triển giữa hai nước.

- Ông đánh giá thế nào về những thành tựu đạt được trong quan hệ Việt Nam-Áo, đặc biệt khi hai nước đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022?

Đại sứ Hans-Peter Glanzer: Năm ngoái, chúng ta đã kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Áo. Theo tôi, đó là một cơ hội tuyệt vời để nhìn lại mối quan hệ song phương giữa hai nước.

Áo là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1972. Kể từ đó, quan hệ giữa hai nước đã phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, học thuật...

Quan hệ kinh tế giữa hai nước đã có những bước phát triển tích cực. Chúng ta có thể thấy, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Áo đã tăng gấp nhiều lần trong 20 năm qua. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt kỷ lục mới là 1,65 tỷ euro. Tôi phải nói rằng, đó là mức thặng dư cao có lợi cho Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi trong khu vực ASEAN và Áo là thị trường xuất khẩu quan trọng đứng thứ năm hoặc thứ bảy của Việt Nam tại châu Âu. Xu hướng này càng được củng cố bởi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, có hiệu lực từ năm 2020.

[Đưa quan hệ Việt Nam-Áo phát triển hơn nữa trên nhiều lĩnh vực]

Tôi cũng muốn đề cập tới các khoản đầu tư từ Áo vào Việt Nam. Chúng tôi có khoảng 60 doanh nghiệp Áo có công ty con tại Việt Nam. Khoảng 1/3 trong số các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.

- Chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Áo có ý nghĩa thế nào đối với quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, thưa Đại sứ?

Đại sứ Hans-Peter Glanzer: Tôi rất lấy làm mừng được thấy các chuyến thăm chính trị cấp cao, hoạt động này đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương và đã được nối lại sau đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có chuyến thăm tới Áo vào cuối tháng 9 năm ngoái. Ông Alexander Schallenberg, Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi đã tới Việt Nam vào giữa tháng 4 năm nay.

Chuyến thăm Áo của Chủ tịch Võ Văn Thưởng mang tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước. Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và giáo dục. Tôi cho rằng, những chuyến thăm như vậy luôn là cơ hội tích cực để tăng cường hợp tác và thúc đẩy hơn nữa một số dự án nhất định.

- Ông kỳ vọng quan hệ giữa Việt Nam và Áo sẽ phát triển như thế nào trong tương lai?

Đại sứ Hans-Peter Glanzer: Tôi nhận thấy có nhiều tiềm năng trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế, chắc chắn cho dư địa lớn cho nguồn đầu tư từ Áo vào Việt Nam. Kinh tế phát triển năng động, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày mở rộng tại Việt Nam khiến Việt Nam trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Áo.

Chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước góp phần thắt chặt quan hệ hai nước ảnh 2Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt kỷ lục mới là 1,65 tỷ euro. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Áo có thể hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp, hỗ trợ kinh tế xanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng công cộng, trong đó có lĩnh vực y tế. Có rất nhiều cơ hội và tiềm năng.

Ở chiều ngược lại, chúng tôi cũng nhận thấy những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tại Áo và đầu tư từ Việt Nam vào Áo. Áo nằm ở vị trí trung tâm của châu Âu. Do đó có thể trở thành bệ phóng để tiếp cận các khu vực khác tại châu lục này.

Trong bối cảnh đó, năm ngoái, Áo đã cung cấp các khoản vay ưu đãi trị giá khoảng 350 triệu Euro cho ngành Y tế, Đường sắt và các lĩnh vực khác.

Chúng tôi cũng thấy nhiều tiềm năng cho việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và học thuật, chẳng hạn như trong việc đào tạo nghề hay thúc đẩy hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Học viện Ngoại giao tại Vienna.

- Ông nhận xét thế nào về hợp tác giữa Việt Nam và Áo tại các diễn đàn quốc tế, như Liên hợp quốc, ASEM và ASEAN-EU?

Đại sứ Hans-Peter Glanzer: Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức và khủng hoảng ở cấp độ toàn cầu, đòi hỏi phải có sự hợp tác, đoàn kết cũng như một hệ thống đa phương vững mạnh hơn bao giờ hết. Vì vậy, điều quan trọng và vì lợi ích riêng của hai quốc gia chúng ta là chúng ta theo đuổi chủ nghĩa đa phương tích cực cả ở cấp độ toàn cầu và khu vực là điều quan trọng và có ý nghĩa cho lợi ích của mỗi quốc gia, dù là trong khuôn khổ Liên hợp quốc hay ở tầm khu vực như ASEAN-EU. Tôi nghĩ rằng điều này đúng với cả hai quốc gia.

Một trong những thách thức lớn mà chúng ta đang phải đối mặt là biến đổi khí hậu. Chúng tôi rất hoan nghênh mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam, đó là trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050.

Một thách thức toàn cầu khác đòi hỏi phải sự phản ứng chung cũng như hợp tác quốc tế là đại dịch COVID-19. Áo đã hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch bằng việc viện trợ vaccine.

Nền tảng cho sự hợp tác của chúng ta là sự tôn trọng và cam kết đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà cả hai nước đều ủng hộ mạnh mẽ. Đây cũng là điều quan trọng cho các tuyến thương mại an toàn, tự do và rộng mở. Tất cả chúng ta phải quan tâm đến việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn của các quốc gia cũng như Hiến chương Liên hợp quốc.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục