Có gì đặc biệt trong hai cuốn Sách Trắng mới của Trung Quốc?

Sách Trắng 2015 mới chỉ cáo buộc Mỹ can thiệp vào các vấn đề nóng ở châu Á-Thái Bình Dương, tuy nhiên, sẽ chẳng mấy bất ngờ nếu Sách Trắng 2019 làm sâu sắc thêm quan điểm của Bắc Kinh với Washington.
Có gì đặc biệt trong hai cuốn Sách Trắng mới của Trung Quốc? ảnh 1Lực lượng hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại lễ đón tàu tuần dương Varyag của Nga tham gia cuộc tập trận Joint Sea-2019 tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông ngày 29/4/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thediplomat.com/Tân Hoa xã đưa tin lần đầu tiên sau 4 năm, Bộ Quốc phòng Trung Quốc sẽ công bố Sách Trắng về toàn bộ chiến lược quốc phòng của nước này.

Theo đó, một báo cáo ngắn đăng tải trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 22/7 cho biết cuốn Sách Trắng với tiêu đề “Quốc phòng Trung Quốc trong kỷ nguyên mới” sẽ được công bố vào ngày 24/7.

Lần gần đây nhất Bắc Kinh ban hành Sách Trắng quốc phòng là vào năm 2015.

Tài liệu này gây chú ý bởi nó cho thấy điều gì sẽ thay đổi và điều gì sẽ được duy trì trong toàn bộ tư thế phòng thủ quốc gia.

[Có phải Mỹ-Trung đang bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới?]

Tiêu đề Sách Trắng 2015 là một sự thay đổi chiến lược hướng tới việc thực hiện một nhiệm vụ mang tính toàn cầu ngày càng cao của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Đặc biệt, Sách Trắng 2015 đã dành những thay đổi mạnh mẽ nhất cho vai trò của Hải quân PLA và lĩnh vực hàng hải, được xác định là 1 trong 4 “lĩnh vực an ninh quan trọng."

Tài liệu năm 2015 ghi nhận: “Trung Quốc cần phát triển một lực lượng hải quân hiện đại tương ứng với lợi ích phát triển và an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền lợi hàng hải, bảo vệ an ninh các tuyến đường hàng hải (SLOC) chiến lược và lợi ích ở nước ngoài, và tham gia hợp tác hàng hải quốc tế.”

Sách Trắng 2015 vẫn duy trì trọng tâm chiến đấu chính của PLA trên Eo biển Đài Loan và tái khẳng định cam kết với học thuyết “phòng thủ tích cực,” theo đó Trung Quốc cam kết không khơi dậy chiến tranh, nhưng sẽ trả đũa nếu bị tấn công.

Quân đội Trung Quốc đã trải qua một sự thay đổi đáng kể trong 4 năm qua. Vào thời điểm năm 2015, Hải quân và Không quân PLA đã bắt đầu thiết lập các mô hình hoạt động vượt ngoài chuỗi đảo đầu tiên và tiến vào Tây Thái Bình Dương.

Ngày nay, các điểm nóng chiến lược dọc chuỗi đảo đầu tiên là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tập trận trên biển và trên không.

Ngoài những thay đổi trong mô hình hoạt động, khoảng 4 tháng sau khi Sách Trắng 2015 được công bố, Trung Quốc đã thông báo về một sự tái cơ cấu lớn trong PLA.

Cuộc cải tổ đó - toàn diện nhất kể từ thời Đặng Tiểu Bình - hiện phần lớn đã diễn ra và Sách Trắng 2019 có thể phản ánh một khái niệm mới về cách các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ đóng góp như thế nào cho dự án “đại tu quốc gia” toàn diện.

Sách Trắng 2019 sẽ xuất hiện trong một môi trường địa chiến lược khác biệt sâu sắc, mà trong đó quan hệ Mỹ-Trung sẽ được quan tâm.

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Trung Quốc như một cường quốc “theo chủ nghĩa xét lại” và một “đối thủ cạnh tranh quyền lực lớn” với Mỹ đã không được Bắc Kinh đón nhận nồng nhiệt.

Sách Trắng 2015 mới chỉ cáo buộc Mỹ “can thiệp” vào các vấn đề nóng ở châu Á-Thái Bình Dương, tuy nhiên, sẽ chẳng mấy bất ngờ nếu Sách Trắng 2019 làm sâu sắc thêm quan điểm của Bắc Kinh với Washington.

Một lĩnh vực đáng quan tâm trong bản Sách Trắng 2019 chính là sự nổi bật của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Trong 2 năm qua, Trung Quốc ngày càng thận trọng về những nhận thức ở nước ngoài cho rằng BRI là một sáng kiến kinh tế với các nền tảng quân sự và chiến lược đáng sợ.

Chẳng hạn như báo cáo của tờ Wall Street Journal vừa qua đã chỉ ra những kế hoạch của Bắc Kinh trong việc thiết lập một căn cứ quân sự thứ hai ở nước ngoài tại Campuchia - một quốc gia thụ hưởng lớn từ BRI.

Báo cáo thường niên gần đây nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về các năng lực và chiến lược quân sự của Trung Quốc đã đề cập trực tiếp đến BRI.

Theo đó, báo cáo cho biết sáng kiến này “có lẽ sẽ thúc đẩy việc thiết lập cơ sở quân sự ở nước ngoài thông qua nhu cầu bảo vệ an ninh cho các dự án của ‘Vành đai và Con đường’.”

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, BRI đã được đưa vào Hiến pháp của Đảng Cộng sản. Việc công bố Sách Trắng 2019 có thể là cơ hội tốt để giải quyết vấn đề này một cách khéo léo.

Trước đó, Tân Hoa xã cho biết vào ngày 21/7, Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành Sách Trắng về Tân Cương.

Có gì đặc biệt trong hai cuốn Sách Trắng mới của Trung Quốc? ảnh 2Các vũ khí của Trung Quốc tại một cuộc tập trận. (Nguồn: Nhóm phóng viên CQTT TTXVN tại Campuchia)

Theo các chuyên gia, đây là tài liệu giúp thế giới hiểu thêm về khu tự trị này, đồng thời phản bác những đánh giá sai lệch và bóp méo với những sự thật không thể chối cãi.

Sách Trắng có tiêu đề "Những vấn đề lịch sử liên quan đến Tân Cương" cho thấy rõ rằng khu tự trị Tân Cương nằm ở phía Tây Bắc Trung Quốc từ lâu đã là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, và không bao giờ thuộc "Đông Turkistan."

Có nhiều tôn giáo đã tồn tại từ lâu ở đó và Hồi giáo không phải là hệ thống tín ngưỡng duy nhất của người Duy Ngô Nhĩ.

Sonia Bressler, một nhà văn và nhà tội phạm học người Pháp, cho biết tài liệu này hình thành dựa trên lịch sử và thực tế của Tân Cương, phơi bày sự thật ở đó và truyền cảm hứng đặc biệt là cho người phương Tây, những người bị đánh lừa bởi định kiến sai lầm.

Bà Sonia Bressler, người đã đi du lịch vòng quanh Tân Cương, cho biết Trung Quốc có 56 dân tộc và Tân Cương là một ví dụ về sự hòa hợp sắc tộc.

Khalid Abdul Azizi al-Binali, trưởng phòng nghiên cứu của hãng thông tấn Qatar, cho biết Sách Trắng về Tân Cương làm rõ cả sự kế thừa lịch sử và truyền thống văn hóa của khu tự trị này, đồng thời cho phép mọi người hiểu đúng và sâu sắc.

Còn Abdulaziz Alshaabani, một chuyên gia người Saudi Arabia về các vấn đề Trung Quốc, cho biết Sách Trắng đã giúp bác bỏ những thông tin bôi nhọ Tân Cương của một số nước và các phương tiện truyền thông.

Ông nói rằng những nỗ lực của Trung Quốc để thúc đẩy phát triển kinh tế và duy trì sự ổn định xã hội ở Tân Cương dựa trên các điều kiện riêng cần được cộng đồng quốc tế tôn trọng và thấu hiểu.

Những biện pháp này đã ngăn chặn một cách hiệu quả sự xuất hiện và lan rộng của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, đồng thời cho phép Tân Cương đạt được sự phát triển kinh tế và xã hội ổn định và lành mạnh.

Trong khi đó, Jayanath Colombiaage, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức nghiên cứu Pathfinder ở Sri Lanka, cho biết Sách Trắng về Tân Cương cho thấy rõ rằng các thế lực thù địch bên ngoài Trung Quốc đã cố gắng gây bất ổn cho Tân Cương của Trung Quốc.

Sri Lanka, quốc gia phải đối mặt với những vấn đề tương tự, nên học hỏi từ những nỗ lực và quyết tâm của Trung Quốc để duy trì sự ổn định tôn giáo và tình đoàn kết dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục