Cơ hội kết nối chuỗi cung ứng ngành gỗ Italy với doanh nghiệp Việt Nam

Thương vụ Italy tại Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp Italy tham gia chuỗi triển lãm tại TP.HCM nhằm tìm kiếm đối tác nhập khẩu máy móc xử lý và gia công gỗ tại Việt Nam.
Cơ hội kết nối chuỗi cung ứng ngành gỗ Italy với doanh nghiệp Việt Nam ảnh 1Doanh nghiệp Italy giới thiệu công nghệ mới tại chuỗi triển lãm. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Tại chuỗi Triển lãm Quốc tế lần thứ 15 về Máy móc và Thiết bị Công nghiệp ngành Chế biến Gỗ 2023 (VietnamWood 2023) và Triển lãm Quốc tế về Thiết bị Nội thất, Ngũ kim và Công cụ ngành Công nghiệp Gỗ 2023 (Furnitec 2023) đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thương vụ Italy tại Việt Nam (ICE) phối hợp Hiệp hội Các nhà Sản xuất Máy và Thiết bị Phục vụ Công nghiệp Chế biến Gỗ Italy (ACIMALL), tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới.

Tham gia sự kiện lần này, Thương vụ Italy tại Việt Nam kỳ vọng sự kiện sẽ góp phần hỗ trợ ngành sản xuất Việt Nam hội nhập xu hướng công nghệ toàn cầu thông qua kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Ông Fabio De Cillis, Giám đốc Thương vụ Italy tại Việt Nam, cho biết doanh nghiệp tham dự gian hàng Italy tại chuỗi triển lãm lần này chủ yếu giới thiệu công nghệ sấy và biến tính gỗ, công cụ xử lý gỗ; máy móc gia công cửa, cửa sổ và sàn gỗ; cùng hệ thống máy xử lý và đánh bóng bề mặt...

[Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu viên nén gỗ]

Ngoài ra, còn có những doanh nghiệp Italy quy tụ tại chuỗi triển lãm thông qua chương trình hợp tác với doanh nghiệp, đối tác Việt Nam. Đây chính là minh chứng cho sự hiện diện ngày càng được củng cố qua từng năm của cộng đồng doanh nghiệp Italy trong nhiều chuỗi xúc tiến thương mại, công nghiệp tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Fabio De Cillis, mục tiêu của Thương vụ Italy tại Việt Nam là hỗ trợ doanh nghiệp Italy tham gia chuỗi triển lãm có thể đóng góp thiết thực vào kim ngạch xuất khẩu của Italy bằng cách tìm kiếm đối tác nhập khẩu máy móc xử lý và gia công gỗ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thương vụ Italy tại Việt Nam cũng nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ và hiệu quả với nhiều tổ chức, cơ quan xúc tiến thương mại, công nghiệp Việt Nam trong kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Nền kinh tế của Italy và Việt Nam vừa có tính tương đồng, vừa có tính bổ trợ lẫn nhau, mang lại phong phú giá trị gia tăng to lớn trong mối quan hệ hợp tác. Năm 2023 cũng là cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Italy và Việt Nam.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong khu vực ASEAN và Italy là đối tác trong khối Liên minh châu Âu (EU) lớn thứ 4 của Việt Nam. Điều này tạo động lực mạnh mẽ để ngành công nghiệp Italy và Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng vững đà phát triển.

Cụ thể, hiện tại thị trường bất động sản Việt Nam khá tiềm năng và gắn liền với ngành gỗ; trong đó có công nghiệp sản xuất đồ nội thất. Do đó, doanh nghiệp Italy mong muốn cung cấp công nghệ đảm bảo quy trình sản xuất, kinh doanh của ngành gỗ, đáp ứng được yêu cầu cần thiết cho công nghiệp sản xuất đồ nội thất, từ nhóm máy móc sơ chế, gia công... cho đến xử lý hoàn thiện và công nghệ sản xuất...

Đặc biệt, Italy nổi tiếng về lĩnh vực trùng tu di sản, đồ trang sức... mà Việt Nam đang ngày càng chú ý hơn tới lĩnh vực này, nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng.

Việt Nam cũng đang mạnh mẽ thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Italy đồng hành, tham gia vào quá trình thay đổi này của nền công nghiệp sản xuất Việt Nam nói chung, ngành gỗ nói riêng.

Doanh nghiệp Italy hiện có thế mạnh về Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là ở những lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, xe điện.

Triển lãm VietnamWood 2023 diễn ra đến ngày 23/9/2023, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, do Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại VINEXAD, Bộ Công Thương phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Yorkers Trade & Marketing Service và đồng tổ chức bởi Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA).

Triển lãm thu hút hơn 320 nhà triển lãm của hơn 600 gian hàng đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua nhiều năm tổ chức, triển lãm đã trở thành một nền tảng quốc tế lâu đời trong ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, đồng hành phát triển cùng với ngành từ cơ khí hóa đến tự động hóa và số hóa.

Năm nay, triển lãm có 8 khu vực gian hàng quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Đức, Áo, Canada, Trung Quốc, Pháp, Italy, Hoa Kỳ và Đài Loan (Trung Quốc), mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tiếp cận, phát triển và đổi mới đây chuyền công nghệ đầy tiềm năng.

Đơn vị tham gia triển lãm cung cấp những dòng sản phẩm mới, giải pháp nhà máy thông minh, giải pháp về việc nâng cấp và tích hợp máy móc vận hành độc lập thành dây chuyền sản xuất... hướng đến giảm tỷ lệ sản phẩm bị lỗi và tăng cường hiệu suất sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục