Tăng trưởng kinh tế, việc làm và lạm phát là những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, nhạy cảm phản ánh thay đổi thu nhập và mức sống của người dân, sự thịnh vượng của một quốc gia.
Để đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại mức tăng của những năm trước đại dịch COVID-19; đồng thời, thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 với tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm từ 6,5-7% đòi hỏi thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, mở rộng, chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu 4% của Quốc hội đề ra, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng lạm phát.
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng đó là những điều cần thực hiện trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều đánh đổi lạm phát mục tiêu để thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm, đưa nền kinh tế trở lại bình thường của giai đoạn trước đại dịch.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm.
- Xin ông cho biết ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu như thế nào và một số nước trên thế giới đang vực dậy nền kinh tế ra sao?
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: Đại dịch COVID-19 đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng âm 3,5% của năm 2020; các nền kinh tế phát triển tăng trưởng âm 4,7%; trong đó Mỹ âm 3,5%, khu vực châu Âu âm 6,6%, thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng âm 1,7%.
Sau khi khống chế bước đầu đại dịch và tùy vào thực tế nội lực của nền kinh tế, Chính phủ các nước đã thực hiện nhiều giải pháp kinh tế mạnh, với quy mô lớn để vực dậy nền kinh tế như: nới lỏng chính sách tiền tệ, mở rộng chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân... Các giải pháp này đã làm tăng tổng cầu, chấp nhận đánh đổi lạm phát vượt mục tiêu để tăng trưởng kinh tế.
Ngày 10/3/2021, chính sách kinh tế của Mỹ và có thể là của thế giới rẽ sang một khúc quanh mới với kế hoạch 1.900 tỷ USD giải cứu nền kinh tế Mỹ, tương đương với 10% GDP. Đây là kế hoạch khổng lồ, nhưng cũng phải tính đến cả gói kích cầu 900 tỷ USD được chính quyền nguyên Tổng thống Donald Trump thông qua vào tháng 12/2020 và trước đó là gói kích cầu 1.700 tỷ USD.
Như vậy, đến nay Nhà Trắng đã "bơm" thêm 4.500 tỷ USD- số tiền tương đương 25% GDP của Mỹ để khắc phục hậu quả dịch COVID-19.
Với chính sách hỗ trợ khổng lồ như vậy, lạm phát của Mỹ trong 12 tháng (tính đến tháng 5/2021) đã tăng 0,6 điểm, tăng tháng thứ bảy liên tiếp, trong khi triển vọng lạm phát ba năm tăng lên 3,6% so với mức 3,1% trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5/2021 đã tăng lên 5%.
Trước thời điểm Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ 1.900 tỷ USD, ngày 10/12/2020, các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về ngân sách dài hạn cùng gói phục hồi kinh tế trị giá 1.800 tỷ Euro (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.
Để khôi phục nền kinh tế bị chao đảo bởi đại dịch COVID-19, ngày 28/6/2021, Chính phủ Ấn Độ đã công bố gói các biện pháp trị giá gần 85 tỷ USD dành cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề; trong đó, tập trung vào lĩnh vực y tế, doanh nghiệp và du lịch.
Ấn Độ đã nâng trần giới hạn của Chương trình bảo lãnh tín dụng khẩn cấp thêm 50%, từ 40,4 tỷ USD trước đó lên 60,6 tỷ USD để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản.
Ngoài ra, triển khai Chương trình bảo lãnh tín dụng để cung cấp các khoản vay cho những người vay quy mô nhỏ thông qua các tổ chức tài chính vi mô.
Tại Ấn Độ, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ chấp nhận lạm phát cao hơn mục tiêu trung hạn 4% để tập trung mọi nguồn lực vào phục hồi kinh tế sau đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng của Ấn Độ dao động trên mốc 5% trong 3 tháng của 5 tháng đầu năm 2021. Song, các nhà hoạch định chính sách đã “bỏ qua” mức tăng này đồng thời vẫn giữ quan điểm “ôn hòa” về vấn đề lạm phát cho đến khi có thể khôi phục được nhịp độ tăng trưởng kinh tế lâu dài và bền vững.
Ủy ban Thiết lập chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ khẳng định, mức lạm phát cao hơn sẽ có lợi cho tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi. Đối với Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức tối đa nếu lạm phát ở mức khoảng 6%. Ngược lại, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ sẽ đạt mức tối thiểu nếu lạm phát tăng lên 9,5%.
- Một số quốc gia trên thế giới đánh đổi lạm phát vượt mục tiêu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: Nền kinh tế có ngưỡng lạm phát theo nghĩa khi lạm phát cao hơn ngưỡng sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, ngược lại khi lạm phát thấp hơn ngưỡng không kích thích tăng trưởng. Lạm phát thấp là yếu tố quan trọng đảm bảo tăng trưởng bền vững, nhưng không phải là yếu tố kích thích tăng trưởng cao trong dài hạn, ngược lại lạm phát cao không phù hợp với tăng trưởng bền vững.
Đối với các nước phát triển, ngưỡng lạm phát ở mức từ 2-3% và các nền kinh tế đang phát triển ngưỡng lạm phát ở mức từ 4-7%.
[Tăng trưởng đặt mục tiêu kép: Sức bật từ nội và ngoại lực]
Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 luôn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát bình quân tăng 3,15%/năm, thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội đề ra; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 5,99%/năm và nếu loại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bình quân giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng GDP đạt 6,78%/ năm. Điều này có thể thấy trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta đặt lạm phát mục tiêu 4% là phù hợp; giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ở mức khá trong bối cảnh kinh tế thế giới ổn định, thương mại toàn cầu và các chuỗi liên kiết kinh tế không đứt gãy.
Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 2,91%, thấp hơn rất nhiều mức tăng 7,08 % và 7,02% của năm 2018 và năm 2019.
Để đưa nền kinh tế trở lại mức tăng của những năm trước đại dịch và thực hiện định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 với tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm từ 6,5-7%, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, mở rộng; chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu 4% của Quốc hội, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng lạm phát cho phép.
Theo tôi, đây là điều cần thực hiện trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều đánh đổi lạm phát mục tiêu để thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm, đưa nền kinh tế trở lại bình thường của giai đoạn trước đại dịch.
- Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, đâu là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát thành công, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm: Hiện nay, thế giới đang khẩn trương thực hiện chương trình vaccine toàn cầu (Chương trình Covax) nhằm khôi phục nhanh nhất hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường. Các nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực thực hiện nhiều giải pháp kích thích và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất.
Để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho nhân dân để đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Từ đó, tạo cơ sở quan trọng đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, du lịch trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng thúc đẩy tăng trưởng. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến tổng cầu suy giảm, thị trường lao động chưa phục hồi, nền kinh tế chưa tận dụng hết tiềm năng trong khi chỉ số CPI còn ở mức thấp.
Do vậy, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ mở rộng; tiếp tục thực hiện việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các kênh đầu tư như: ngoại tệ, vàng, bất động sản… để kiểm soát rủi ro, loại trừ nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngành du lịch khẩn trương xây dựng và thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, kích cầu khu vực du lịch dịch vụ để có giải pháp cụ thể hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Theo tôi, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công gắn với tăng cường hiệu quả sử dụng vốn cũng là giải pháp cần chú trọng. Bởi lẽ giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ tăng tổng cầu mà còn nâng cao năng lực và tổng cung của nền kinh tế, tạo lập cơ sở hạ tầng thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, đầu tư công còn lan tỏa tới đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước).
Do vậy, đầu tư công phải bảo đảm hiệu quả, có tính lan tỏa, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh để thúc đẩy bên cung của nền kinh tế trong dài hạn.
Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Rà soát bãi bỏ các khoản chi phí không hợp lý để cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng. Đó là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng tổng cung của nền kinh tế, giảm áp lực lạm phát.
Đặc biệt, nghiên cứu “ngưỡng lạm phát” phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế để đặt ra mục tiêu lạm phát trung hạn thay vì mục tiêu lạm phát từng năm. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.
- Xin cảm ơn ông!./.