Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Khắc phục các hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý
Các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật trợ giúp pháp lý là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội.
Việc ban hành Luật cũng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn bởi diện người được trợ giúp pháp lý được quy định trong dự án Luật sửa đổi lại thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành. Cụ thể, dự án Luật chỉ quy định lựa chọn những người "có hoàn cảnh khó khăn về tài chính" hoặc "trẻ em bị buộc tội" mới thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Đồng thời, dự án Luật cũng không luật hóa tất cả những người đang được trợ giúp pháp lý, như: người bị nhiễm chất độc hóa học; người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên, bao gồm cả người bị hại, người làm chứng là trẻ em và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi...
Việc thu hẹp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý so với quy định hiện hành như trên dẫn đến một số đối tượng trong cùng một nhóm người yếu thế không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tạo nên sự thiếu nhất quán trong chính sách xã hội của Nhà nước và có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), Moong Văn Tình (Nghệ An) đề nghị ban soạn thảo cần bổ sung thêm các đối tượng trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại tình dục... nhằm phù hợp với các quy định của Luật trẻ em và Công ước Quốc tế về quyền của trẻ em. Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị bổ sung thêm các đối tượng người bị nhiễm chất độc hóa học, người bị bệnh HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nhất trí với quy định của dự án Luật vì cho rằng quy định như vậy là phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực của nước ta hiện nay. Nếu không giới hạn diện những người được trợ giúp pháp lý thì sẽ dẫn đến việc tăng chi ngân sách, khó bảo đảm tính khả thi của Luật.
Liên quan đến quy định về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, nhiều đại biểu cho rằng mục tiêu xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý như Tờ trình của Chính phủ chưa được thể hiện nhất quán, rõ nét trong dự án Luật, giảm mức độ xã hội hóa; chưa chú trọng đúng mức đến việc phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân có khả năng tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
Cụ thể, dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn về điều kiện để các tổ chức, cá nhân được tham gia trợ giúp pháp lý; bỏ chế định "cộng tác viên", thu hẹp phạm vi người tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
Với quan điểm không nên bỏ chế định "cộng tác viên" trợ giúp pháp lý, các đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nêu rõ thực tế thời gian qua, đội ngũ cộng tác viên đã có những đóng góp rất lớn cho hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là hoạt động tư vấn pháp luật, giúp người dân có những kiến thức về pháp luật, góp phần ổn định xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý phát sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà hiểu biết về pháp luật của người dân còn rất hạn chế, có rất ít luật sư, tư vấn viên pháp luật; nếu không còn chế định cộng tác viên, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân ở những vùng này sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, không phải vụ việc trợ giúp pháp lý nào cũng phức tạp, đòi hỏi người trợ giúp pháp lý phải có trình độ, tiêu chuẩn cao.
Việc quy định như trong dự án Luật sẽ làm thu hẹp đáng kể phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý, ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân, chưa phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý.
Các đại biểu đề nghị để tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, dự án Luật cần tạo lập các cơ chế để thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Đại biểu Moong Văn Tình (Nghệ An) đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đặc biệt là cần phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trợ giúp viên pháp lý, cán bộ là người dân tộc thiểu số, bởi đó là những người am hiểu phong tục tập quán, tiếng nói của dân tộc mình, có thể truyền đạt chủ trương chính sách pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý; về chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; về các hình thức trợ giúp pháp lý...
Cơ quan nào gây oan sai phải chịu trách nhiệm bồi thường
Cho ý kiến về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ, phù hợp với quy định của các luật có liên quan.
Dự án Luật đã được sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng làm rõ các thiệt hại được bồi thường, căn cứ xác định mức bồi thường, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, góp phần nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ.
Liên quan đến nội dung về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, dự án Luật quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong ba lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Góp ý về nội dung này, đại biểu Dương Ngọc Hải (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, dự án Luật chưa bao quát hết các phạm vi, lĩnh vực phải bồi thường, trong khi điều này đã được Hiến định.
Đại biểu đề nghị dự án Luật cần mở rộng phạm vi bồi thường chứ không chỉ là 3 lĩnh vực như dự án nêu để bảo đảm tính bao quát, thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với quy định về trách nhiệm hoàn trả, đại biểu Dương Ngọc Hải không đồng tình với quy định người gây oan sai phải bồi hoàn ngay cả khi vô ý gây ra oan sai, bởi như vậy là chưa phù hợp. Đồng thời, trong trường hợp cộng đồng gây oan sai, trách nhiệm bồi hoàn ra sao chưa được quy định rõ trong dự án Luật.
Cũng theo đại biểu Hải, thực tế hiện nay cho thấy đã xảy ra người hợp người bị oan sai không chấp nhận bồi thường, đòi nâng giá bồi thường dù các cơ quan nhà nước đã chuyển tiền; hoặc có người đã chấp nhận bồi thường bằng tiền nhưng đến khi chuyển tiền về lại đòi bồi thường bằng tài sản...
Vì vậy, dự án Luật cần có quy định cụ thể đối với những trường hợp này và bổ sung thêm quy định bồi thường oan sai trong trường hợp người gây thiệt hại là pháp nhân thương mại.
Ngoài ra, trường hợp bị tạm giam dài hơn thời gian bị tòa án phán quyết, người bị tạm giam đó có được bồi thường không cũng cần quy định trong dự án Luật.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hòa Bình (Quảng Ngãi) cho biết theo dõi các vụ án oan gần đây cho thấy, bồi thường như thế nào cũng gây ra các ý kiến khác nhau.
Phân tích cụ thể về một số vụ oan sai gần đây, đại biểu Nguyễn Hòa Bình nêu rõ theo đúng quy định của Luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính, mức bồi thường sẽ rất ít nhưng trong thực tế, có bồi hoàn bao nhiêu cũng không đủ, ví dụ như những thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần. Đây là câu chuyện không có sự định lượng và tùy theo sự vận dụng, đặt các cơ quan thi hành vào tình thế cực kỳ khó khăn.
Xung quanh quy định về việc quy trách nhiệm để xảy ra oan sai, đại biểu Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh khi xảy ra oan sai là lỗi tổng hợp, từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử. Lỗi ở khâu nào, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nếu giai đoạn xét xử gây ra oan sai, Tòa án phải xin lỗi. Nhưng việc đền bù, cả ba cơ quan điều tra, truy tố và xét xử đều phải chịu trách nhiệm, bởi một vụ oan sai là "sản phẩm" chung của cả ba cơ quan này.
Cùng quan điểm, các đại biểu Đào Thanh Hải, Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu ý kiến cơ quan nào gây ra oan sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường, như vậy sẽ sát thực tế, nâng cao trách nhiệm cơ quan đó trong quản lý cán bộ, tránh tình trạng "quýt làm, cam chịu," người này làm sai, người khác phải bồi thường. Cùng với đó, cơ quan nào làm sai nhiều quá thì cũng phải xem xét lại trách nhiệm người đứng đầu.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, không nên hành chính hóa thủ tục giải quyết bồi thường. Bên cạnh trình tự giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật, quyền yêu cầu bồi thường có thể được thực hiện kết hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính theo các luật khác có liên quan mà không nên hạn chế chỉ theo Luật này./.