Có thể tháo ngòi nổ "quả bom hẹn giờ" Triều Tiên?

Hy vọng với ban lãnh đạo mới, Trung Quốc sẽ thuyết phục được Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán và cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân.

Theo mạng tin Thời báo châu Á, thời gian là vấn đề cốt yếu để có thể tránh mối họa hạt nhân từ phía Triều Tiên đang treo lơ lửng trên đầu. Khi ba quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc (trong đó có tân Ngoại trưởng Vương Nghị) đều có kinh nghiệm ngoại giao phong phú liên quan tới vấn đề này và cùng nhận thức rõ sự cần thiết phải đạt được vấn đề phi hạt nhân hóa một cách hòa bình, thì sự can dự của họ không chỉ là thích hợp mà thực sự là cần thiết.

 

Vụ phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng trước và nghị quyết đi liền sau đó của Liên hợp quốc về việc trừng phạt quốc gia này đã mở ra một chương mới đầy nguy hiểm trong quan hệ với Triều Tiên và nhà lãnh đạo trẻ tuổi của nước này.

Triều Tiên liên tục gây leo thang căng thẳng theo cấp số nhân thông qua những lời đe dọa tấn công phủ đầu Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, quyết định phá bỏ hiệp định đình chiến năm 1953 chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên và cắt đứt đường dây nóng Chữ Thập Đỏ ở khu vực phi quân sự (DMZ) với Hàn Quốc.

[Mỹ điều máy bay ném bom tàng hình B-2 tới Hàn Quốc]

 

Mỗi ngày, phía Triều Tiên lại đưa ra những lời công kích nhằm vào Hàn Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế, và không hề có dấu hiệu dừng lại. Ban lãnh đạo Bình Nhưỡng hô hào người dân chuẩn bị chiến tranh, tiếp tục chịu đựng gian khổ khi Triều Tiên hướng tới xung đột.

 

Chính quyền mới của Hàn Quốc đã cảnh báo Triều Tiên rằng bất kỳ một cuộc tấn công nào vào Hàn Quốc sẽ phải hứng chịu sự đáp trả quân sự mạnh hơn, và quân đội Hàn Quốc đã sẵn sàng. Mỹ cũng tuyên bố rõ bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ được đáp trả chí mạng. Quyết định của Mỹ chi 1 tỷ USD để triển khai thêm các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo dọc bờ Thái Bình Dương là một kế hoạch đối phó mau lẹ nếu Triều Tiên tiếp tục phát triển năng lực tên lửa đạn đạo tầm xa của mình, trong đó có tên lửa cơ động tầm xa KN-08.

 

Khả năng một tính toán sai lầm, dù rất nhỏ, cũng có thể làm leo thang xung đột quân sự với Triều Tiên là hoàn toàn có thực. Một cuộc xung đột như thế có thể gia tăng rất nhanh, với sức phá hoại không thể tưởng tượng nổi. Mục tiêu hiện nay là phải bảo đảm không để sai lầm dẫn tới xung đột.

 

Đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra, tương tự như những gì họ đã làm vào tháng 4/2003, khi Trung Quốc chủ trì cuộc đàm phán ba bên giữa Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc. Lúc đó, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng và xấu đi rất nhanh.

Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước Giải trừ vũ khí hạt nhân (NPT), đe dọa phá bỏ hiệp định đình chiến năm 1953, cho máy bay chiến đấu xâm nhập không phận Hàn Quốc, ngăn chặn máy bay do thám của Mỹ và đe dọa biến thủ đô Seoul của Hàn Quốc thành biển lửa. Cuộc đàm phán tháng 4/2003 đã tháo gỡ tình hình căng thẳng khi đó, với việc tất cả các bên đồng ý tiến hành đàm phán 6 bên.

[“Bắc Kinh cần ra tay trước khi Bình Nhưỡng sai lầm”]

 

Sự can thiệp của Trung Quốc một lần nữa là cần thiết. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể tháo gỡ mối họa lơ lửng trên đầu này bằng cách đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc để xác định xem liệu có thể khôi phục đàm phán quốc tế được hay không.

 

Tân Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách ngoại giao Dương Khiết Trì và tân Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc là các quan chức đầy kinh nghiệm, đã có nhiều năm tham gia giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Dương Khiết Trì, cựu Ngoại trưởng và cựu Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, hiểu rõ tầm quan trọng của việc đạt được một giải pháp hòa bình và đảm bảo thực hiện vấn đề phi hạt nhân hóa triệt để.

 

Thất bại trong việc thực hiện mục tiêu này sẽ đem lại hậu quả là một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực, kèm theo các vấn đề phát triển hạt nhân. Ông Vương Nghị trước đây là nhà thương thuyết hàng đầu của Trung Quốc trong đàm phán 6 bên, ông đã xử lý các vấn đề này và hiểu rõ sự cần thiết có một giải pháp hòa bình trong vấn đề hạt nhân với Triều Tiên.

Chức vụ Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản gần đây của ông Vương Nghị giúp ông trực tiếp nắm được tính chất nhạy cảm của Nhật Bản nếu Triều Tiên duy trì vũ khí hạt nhân và chắc chắn rằng Nhật Bản sẽ cảm thấy cần thiết phải phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

 

Việc bổ nhiệm ông Thôi Thiên Khải làm tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ là một diễn biến tích cực nữa. Ông Thôi Thiên Khải cũng từng tham gia các cuộc đàm phán 6 bên và là nhân vật chính trong việc soạn thảo Tuyên bố chung ngày 19/9/2005 ràng buộc Triều Tiên với việc giải trừ vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh, viện trợ kinh tế và sau cùng là bình thường hóa quan hệ.

[Xem phim đánh chiếm Seoul do Triều Tiên dàn dựng]

 

Do đó, với ba quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc có kinh nghiệm trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên và nhận thức được sự cần thiết phải giải quyết vấn đề này một cách hòa bình, Thời báo châu Á cho rằng chắc chắn vấn đề phi hạt nhân hóa cuối cùng sẽ được thực hiện.

 

Hy vọng Trung Quốc sẽ có những hành động quả quyết đối với Triều Tiên, và với ban lãnh đạo mới, Trung Quốc sẽ thuyết phục được Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán và cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục