"Công khai, minh bạch để phòng chống tham nhũng"

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang chỉ rõ: Tăng tính công khai, minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu để phòng chống tham nhũng.
Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 30/11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang chỉ rõ tham nhũng là một trong những thách thức lớn, là một trong những nguy cơ mà Đảng luôn cảnh báo. Đây là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Mỗi cán bộ, đảng viên trong tất cả các tổ chức đảng từ trung ương đến cơ sở phải thực sự gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh này, mới xoay chuyển được tình hình.

Mỗi cấp ủy, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị cần xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) kiên quyết phấn đấu đạt mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính; củng cố lòng tin của nhân dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội của đất nước phát triển.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông Trương Tấn Sang yêu cầu cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng chống tham nhũng trong các cấp, các ngành của hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh;” phát huy vai trò tích cực của báo chí trong phòng chống tham nhũng.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp cần xác định đúng vai trò, vị trí công tác phòng chống tham nhũng, coi đây là một trong các trọng tâm công tác lớn có tính chất thường xuyên, liên tục. Trước hết phải tự đánh giá đúng thực trạng tình hình tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch về phòng chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức lối sống “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư.”

Công tác phòng chống tham nhũng trở thành một nội dung kiểm điểm công tác định kỳ của cấp ủy, chính quyền các cấp (tháng, quý, năm) và đưa vào chương trình kiểm tra thường xuyên của cấp ủy. Hàng năm, Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp cần nghe báo cáo và thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng để thực hiện chức năng giám sát của mình trên lĩnh vực quan trọng này.

Các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện thể chế, không để vì sơ sở của thể chế mà tham nhũng có cơ hội phát triển, trong đó cần có cả các văn bản triển khai chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, đảm bảo có đủ các giải pháp đồng bộ để phòng chống tham nhũng theo hướng như tăng tính công khai, minh bạch, đủ rõ về chế độ trách nhiệm, có khen thưởng và xử lý nghiêm theo mức độ chấp hành.

Trong chỉ đạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp cần phải chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực thường dễ xảy ra tham nhũng như đất đai, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, thuế, hải quan, tài nguyên khoáng sản; các tổng công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước; lĩnh vực cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; công tác tổ chức, cán bộ. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập và minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; quy chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền các cấp để xảy ra tham nhũng trong tổ chức mình phụ trách.

Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng, thường xuyên thúc đẩy việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; coi việc chủ động phòng ngừa và phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Phát huy hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và cơ quan có thẩm quyền trong phòng chống tham nhũng theo quy chế phối hợp đã đề ra.

Các hoạt động và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, kiểm sát, tòa án được đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

Các cơ quan chức năng cần ban hành hoặc tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành các quy định đủ để xoay chuyển tình hình tham nhũng; cần có quy định khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự phát hiện xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng; sớm ban hành quy định về khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng để tăng cường phát hiện hành vi than nhũng; sớm xây dựng cơ quan giám định quốc gia; tiếp tục tăng cường các biện pháp kỹ thuật và cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng trong thời gian tới.

Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương theo hướng rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm thực quyền và hoạt động thực sự có hiệu quả.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phối hợp hoạt động với cộng đồng quốc tế trong phòng chống tham nhũng; công tác phòng chống tham nhũng phải trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có vai trò quan trọng động viên các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát, phát hiện các hành vi tham nhũng, cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục