Công nhân bốc xếp tại các cảng ở Mỹ và Canada tạm dừng đình công

Công nhân tại các cảng ở Mỹ tạm dừng đình công sau khi nghiệp đoàn và các công ty vận hành cảng đạt thỏa thuận sơ bộ về lương và gia hạn hợp đồng, công nhân cảng ở Canada cũng đã "ngồi lại đàm phán."

Nhân viên cảng tham gia đình công tại Brooklyn, New York (Mỹ), ngày 1/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên cảng tham gia đình công tại Brooklyn, New York (Mỹ), ngày 1/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Công nhân bốc xếp tại các cảng ở Bờ Đông và Vịnh Mexico (Mỹ) sẽ trở lại làm việc sau khi nghiệp đoàn và các công ty vận hành cảng đạt thỏa thuận sơ bộ về lương và gia hạn hợp đồng hiện tại đến ngày 15/1 tới.

Hiệp hội nhân viên bốc xếp quốc tế (ILA) đã phát động đình công từ ngày 1/10 sau khi các cuộc đàm phán với Liên minh Hàng hải Mỹ (USMX) - tổ chức đại diện cho các công ty vận tải biển và công ty vận hành cảng - rơi vào bế tắc.

Cuộc đình công có sự tham gia của khoảng 45.000 công nhân trong ba ngày qua đã làm tê liệt 36 cảng từ Maine đến Texas.

Tối 3/10 theo giờ địa phương (tức sáng 4/10 theo giờ Hà Nội), hai bên đã ra thông báo về việc "đạt được thỏa thuận sơ bộ về tiền lương và nhất trí gia hạn Hợp đồng Lao động chính đến ngày 15/1/2025, nhằm đưa hai bên quay lại bàn đàm phán để thương lượng tất cả các vấn đề còn tồn đọng khác.”

Thông báo nêu rõ thỏa thuận này có hiệu lực ngay lập tức, theo đó tất cả các hoạt động đình công hiện tại sẽ chấm dứt và công nhân sẽ tiếp tục thực hiện những công việc được quy định trong Hợp đồng Lao động chính.

Tuyên bố không cho biết các điều khoản của thỏa thuận, nhưng báo The Wall Street Journal dẫn những nguồn thạo tin cho biết USMX đã đề xuất mức tăng lương 62% trong sáu năm.

Đây là cuộc đình công đầu tiên của ILA kể từ năm 1977, sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ do yêu cầu của công đoàn về việc tăng lương và bảo vệ những vị trí việc làm có nguy cơ bị sa thải do tự động hóa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh việc chấm dứt đình công. Trước đó, ông Biden chịu áp lực phải can thiệp vào những cuộc đàm phán để duy trì hoạt động tại các cảng.

Trong thời gian diễn ra đình công, các công ty vận chuyển đã buộc phải định tuyến lại các chuyến tàu, và lên kế hoạch áp phụ phí cho mỗi container ở mức 1.000 USD/container đối với công ty vận chuyển Hapag-Lloyd của Đức, và 800-1.500 USD đối với công ty CMA CGM của Pháp.

Các nhà phân tích của TD Cowen cho biết hãng vận tải biển Maersk của Đan Mạch còn có ý định tính thêm tới 3.780 USD/container để trang trải những chi phí phát sinh do cuộc đình công.

Công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics ước tính cuộc đình công khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 4,5-7,5 tỷ USD/tuần.

Cuộc đình công diễn ra vào thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị, khi chỉ còn một tháng nữa diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Cùng ngày, các công nhân bốc xếp tại cảng Montreal, cảng lớn thứ hai ở Canada, đã kết thúc cuộc đình công kéo dài ba ngày để ngồi lại đàm phán.

Phát biểu với báo giới, bà Isabelle Pelletier, người phát ngôn của Hiệp hội Các nhà tuyển dụng hàng hải, thông báo: "Cuộc đình công ba ngày đã kết thúc."

Cơ quan quản lý cảng cho biết 11.500 container đã bị chặn hoặc chậm trễ do cuộc đình công, gây ra "tình trạng tồn đọng trong chuỗi cung ứng, chậm trễ giao hàng và chi phí bổ sung cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng."

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Canada Anita Anand cho biết cảng Montreal rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng và kêu gọi cả hai bên "quay lại bàn đàm phán và thực hiện công việc cần thiết để đạt được thỏa thuận."

Cuộc gặp gần đây nhất giữa hai bên để đàm phán về thỏa thuận tập thể là vào ngày 26/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục