Chuyện của Công Vinh

Công Vinh về với bầu Kiên: Có gì đáng phải ầm ĩ?

Chuyện một cầu thủ ký hợp đồng với CLB này, sau khi đã hết hợp đồng với CLB kia là điều bình thường trong bóng đá chuyên nghiệp.

Hai tuần sau khi có bài phát biểu mà nhiều người ví như “quả bom” tại hội nghị tổng kết mùa giải V-League 2011, bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch câu lạc bộ Hà Nội ACB) lại tiếp tục khiến làng bóng đá phải dậy sóng với vụ chiêu mộ Lê Công Vinh, trong thời điểm mà Hà Nội T&T đã chuẩn bị sẵn sàng cho lễ gia hạn hợp đồng với tiền đạo này.

Lý do chính khiến Công Vinh quay lưng với Hà Nội T&T vào phút chót được nhiều người cho là vì động cơ tiền bạc. Theo nhiều nguồn tin thì Công Vinh sẽ ký một hợp đồng ba năm có trị giá 15 tỷ đồng với đội bóng của bầu Kiên (dự kiến sẽ mang tên Câu lạc bộ Hà Nội, sáp nhập từ Hà Nội ACB và Hòa Phát Hà Nội, thi đấu tại V-League mùa 2012 theo suất của HP.HN).

Chính vì lý do đó mà sau khi thông tin này được chính bầu Kiên cũng như Công Vinh xác nhận, lập tức đã có rất nhiều bài báo bày tỏ sự không đồng tình với quyết định của tiền đạo xứ Nghệ, cho rằng Công Vinh đã “bội bạc,” “không tôn trọng chữ Tín”... Thậm chí, chương trình thể thao của VTV1 còn phát cả một phóng sự với những lời bình luận không mấy êm tai về cầu thủ này.

Điều đáng nói là sự kiện Công Vinh gia nhập câu lạc bộ Hà Nội (sau khi đã kết thúc hợp đồng với HN T&T) diễn ra trong thời điểm mà cả làng bóng đá đang luận bàn về hai chữ “chuyên nghiệp.” Mà trong bóng đá chuyên nghiệp thì chuyện một cầu thủ ký hợp đồng với câu lạc bộ này, sau khi đã hết hợp đồng với câu lạc bộ kia là điều hết sức bình thường.

Thế giới bóng đá cũng chẳng thiếu chuyện cầu thủ này hôm trước còn nói chuyện tình nghĩa, “cha con” (kiểu như cầu thủ gọi ông chủ tịch là cha), nhưng hôm sau đã quay ngoắt chỉ vì được nhận những khoản tiền lương cao hơn. Đơn giản bởi bóng đá chuyên nghiệp là thế, và người ta hoàn phải chấp nhận những chuyện như thế, miễn là không vi phạm những quy chế đã được ký thành luật.

Dĩ nhiên, trong những trường như vậy, các cổ động viên hoàn toàn có quyền bày tỏ thái độ của mình. Như kiểu các cổ động viên Barcelona gọi Luis Figo là “Kẻ phản Chúa” khi ngôi sao người Bồ Đào Nha chuyển sang khoác áo kình địch Real Madrid năm 2000 với bản hợp đồng kỷ lục thế giới vào thời điểm đó. Hay gần nhất là chuyện Ronaldo (béo) bất ngờ ký hợp đồng với Corinthians dù Flamengo mới là đội bóng tạo điều kiện cho anh tập luyện sau khi bình phục chấn thương khi rời AC Milan.

Nhưng bất chấp những chuyện đó, Figo hay Ronaldo vẫn được coi là những cầu thủ vĩ đại, bởi người ta cần tách bạch những vấn đề liên quan tới hợp đồng này nọ, với những đóng góp của cầu thủ ấy trên sân cỏ.

Quay trở lại với trường hợp của Công Vinh, nếu ở mùa giải tới các cổ động viên Hà Nội T&T có vác những biểu ngữ phản đối tiền đạo xứ Nghệ trong các trận “derby thủ đô” thì đó cũng là điều hết sức bình thường. Bởi cần nhắc lại, bóng đá chuyên nghiệp là như thế.

Trong khi đó, những điều bất bình thường như một ông bầu có thể thưởng tiền cho hai đội bóng, hay một đội bóng xuống hạng rồi vẫn có thể tiếp tục chơi ở hạng đấu đó nhờ việc mua lại “suất” của một đội bóng khác thì lại vẫn tồn tại ở giải bóng đá được gọi là “chuyên nghiệp” của Việt Nam.

Tương tự là chuyện chương trình thể thao của kênh truyền hình quốc gia đi phán xét một cá nhân lại được xem như là chuyện “bình thường.”

Cái bất bình thường chính là ở chỗ đó./.

 
Lâm Huy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục