Cử tri cả nước quan tâm phát triển kinh tế-xã hội

Cử tri trong cả nước rất quan tâm tới phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 27/10, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.

Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại một số tỉnh, thành trong cả nước đã ghi lại ý kiến của cử tri.

Tại Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Đức Khoa (76 tuổi), nguyên là cán bộ Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, ở Khu C13, tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) bày tỏ, trong phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là phân tích kỹ về các nguyên nhân chủ quan đối với những vấn đề còn tồn tại để góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đây chính là điều cử tri mong muốn và tin tưởng.

Cử tri Nguyễn Đức Khoa cũng bày tỏ sự nhất trí cao với mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển trong năm 2012 mà Chính phủ đề ra là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với việc đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội. Bởi lẽ, theo ông, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, mục tiêu trên là phù hợp để kinh tế- xã hội đất nước phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải tiếp tục rà soát danh mục các dự án đầu tư, cắt giảm đầu tư công song cần ưu tiên đầu tư cho việc phát triển hạ tầng giao thông.

Theo ông Khoa, đây là ý kiến xác đáng bởi đối với nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, năng lực hạ tầng giao thông còn hạn chế chính là một trong những nguyên nhân đang gây ra “căn bệnh trầm kha” là nạn tắc đường, khiến người dân rất bức xúc. Bên cạnh đó, đối với nhiều tỉnh, thành phố, hạ tầng giao thông được phát triển tốt cũng sẽ giúp cho các địa phương trong vùng và cả nước có được sự kết nối thuận tiện để khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh. Cử tri nhất trí với chủ trương tiết kiệm song những dự án, hạng mục công trình thực sự cần thiết vẫn cần được đầu tư kịp thời.

Bà Trần Thị Thu Trang, cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận xét, các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, đúng trọng tâm, thông tin mang tính hai chiều, có ý kiến đóng góp cụ thể vào việc điều hành, tăng trưởng kinh tế-xã hội của Chính phủ. "Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Quốc hội, Chính phủ trong nhiệm kỳ mới, những áp lực về kinh tế, tỷ lệ lạm phát cao đang dần được giải quyết. Điều này được thể hiện qua nỗ lực của Chính phủ trong đối phó với tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát mà Nghị quyết 11 của Chính phủ đề ra, đã đạt được những kết quả tích cực," bà Trang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề lớn đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ sớm nỗ lực giải quyết như kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn; dự trữ ngoại hối thấp. Thực hiện hiệu quả những vấn đề lớn này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép là duy trì, cân bằng được mục tiêu phát triển, tốc độ tăng trưởng hợp lý và đảm bảo được các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Cử tri Tạ Ngọc Huyền, giảng viên Học viện Ngân hàng (12 Chùa Bộc, Đống Đa - Hà Nội) cũng cho rằng, việc đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường là những nhiệm vụ cần sớm được giải quyết. "Đã đến lúc nước ta đổi mới tư duy, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu, dựa vào hiệu quả, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; ưu tiên cho các lĩnh vực dự án có tác động lan tỏa cao, tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế," bà Huyền nói.

Nhiều cử tri là doanh nhân ở tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm đến phiên họp này của Quốc hội. Ông Võ Trường Thành, Giám đốc Công ty Gỗ Trường Thành (thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, Bình Dương) cho rằng, việc điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ, trong đó các nhiệm vụ và giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế trong các tháng qua có hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Thành bày tỏ băn khoăn về những vấn đề liên quan tới cán cân thương mại, tỷ giá, lãi suất của các ngân hàng. Theo ông, trong khi cả nước đang vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt để gia tăng sản xuất trong nước, kéo giảm nhập siêu, nhưng dường như, không ít doanh nghiệp không chịu sản xuất mà cứ nhập khẩu về bán, xuất khẩu ít được chú trọng kéo theo mất cân đối thương mại, gây tổn lại cho sự lành mạnh nền kinh tế.

Cử tri Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty gốm sứ cao cấp Minh Long I (phường An Thạnh, thị xã Thuận An, Bình Dương) cho rằng, hiện nay Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về lãi suất ngân hàng, thiếu năng lượng, vật tư đầu vào, nguồn lao động. Với lãi suất vay ngân hàng 18-20%, cộng thêm giá vật tư đầu vào tăng cao khiến giá thành sản phẩm đội lên rất cao, trong khi nước ta bước vào sân chơi chung của thế giới nên không thể đứng một mình bán hoặc xuất khẩu theo giá của mình.

Theo ông, Nhà nước phải mạnh tay hơn nữa trong điều hành kinh tế, nhất là việc tính lãi suất các ngân hàng, bởi đây là nguồn kích cầu quan trọng hàng đầu để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất và xuất khẩu, tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội không chỉ trong năm 2011 mà cả các năm tiếp theo.

Tại Cần Thơ, cử tri Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố đại diện bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012. Đặc biệt, cử tri phấn khởi tin tưởng đối với 6 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm phát triển mọi mặt kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới. Cử tri nhận xét, chất lượng đóng góp của đại biểu Quốc hội khá toàn diện, sâu sắc, tâm huyết, đi thẳng vào vấn đề thiết thực, hệ trọng của quốc gia.

Đa số đại biểu đã nêu được những vấn đề bức xúc hiện nay, phân tích nguyên nhân và đề xuất được hướng giải quyết tầm vĩ mô. Qua những đợt tiếp xúc cử tri ở cơ sở, ông Phạm Văn Hiểu nhận xét, trong thời gian qua, việc đầu tư phát triển toàn diện đối với đồng bằng sông Cửu Long trong đó có thành phố Cần Thơ đã được Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm nhưng kết quả bước đầu chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực.

Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có thành phố Cần Thơ hiện vẫn là nơi có trình độ dân trí thấp; là vựa lúa, vựa thủy sản quốc gia nhưng đời sống của đa số nông dân vẫn rất bấp bênh…Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm bằng các chính sách thiết thực hơn nữa như: trợ giá cho nông dân bằng hình thức hỗ trợ mua vật tư nông nghiệp đầu vào và chi phí thu hoạch mùa vụ, nhằm tránh tình trạng người dân bán “lúa non” cho các doanh nghiệp, thương lái để trả các khoản vay, khoản nợ trước đó.

Cử tri Lê Kháng, một doanh nhân ngụ tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều đại diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, tình hình lạm phát tăng cao như hiện nay, có phần do Nhà nước chưa phát huy hết vai trò của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước trong việc cung ứng, bảo đảm các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất hàng hóa và đời sống của nhân dân; chưa phát huy tốt việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguyên liệu có sẵn trong nước; hàng hóa xuất khẩu giá trị tăng thêm còn thấp, chủ yếu vẫn còn xuất khẩu hàng thô.

Cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, bảo đảm cho các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn, tránh tình trạng thua lỗ, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (hiện mới có khoảng 20% tiếp cận được vốn vay); kiềm chế lạm phát dưới 10%/năm, đảm bảo lãi suất dưới 14%/ năm để các doanh nghiệp có thể trụ được và tiếp tục tham gia sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu, khai thác có hiệu quả về lợi thế về nguyên liệu, lao động của từng địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục