Cử tri kiến nghị sớm cải cách chế độ đãi ngộ trong khu vực công

Cử tri Nguyễn Thanh Loan, phường Tân Thuận Đông, quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ quan ngại trước tình trạng giáo viên nghỉ việc, thôi việc đang trở thành một vấn đề nan giải cho ngành giáo dục.
Cử tri kiến nghị sớm cải cách chế độ đãi ngộ trong khu vực công ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.

Các nội dung chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và các thành viên Chính phủ về lĩnh vực nội vụ, nhất là các vấn đề liên quan đến biên chế, chế độ cho công chức, viên chức đã nhận được sự quan tâm của các cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những địa phương trong thời gian qua đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về vấn đề này.

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 4/11, cử tri Nguyễn Thanh Loan, phường Tân Thuận Đông, quận 7 bày tỏ quan ngại trước tình trạng giáo viên nghỉ việc, thôi việc đang trở thành một vấn đề nan giải cho ngành giáo dục.

Con số thống kê hơn 15.000 giáo viên nghỉ việc chỉ trong 2 năm qua là rất đáng báo động về mặt xã hội. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên nghỉ việc chiếm tới khoảng 50% tổng số viên chức nghỉ việc trong 2 năm qua. Giáo dục và Y tế trở thành hai ngành có số lượng nhân lực nghỉ việc lớn nhất.

Lý giải về nguyên nhân tình trạng này, cử tri Nguyễn Thanh Loan cho rằng, lý do dễ thấy nhất là chính sách đãi ngộ, tiền lương của giáo viên, nhân viên y tế hiện không phù hợp, thấp so với mặt bằng chung thu nhập của người lao động có cùng trình độ, nhất là tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, hậu quả đại dịch COVID-19 vừa qua đã gia tăng áp lực công việc tới cán bộ, công chức nói chung, với hai ngành Giáo dục và Y tế nói riêng, dẫn tới một bộ phận cán bộ, công chức làm việc trong hai ngành này chấp nhận chuyển sang công việc khác.

Điều này tác động rất lớn đến tâm lý của các giáo viên, nhân viên y tế, cán bộ công chức, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng của hoạt động giáo dục, đào tạo, chăm sóc y tế và hoạt động của hệ thống cơ quan công lập nói chung.

[Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Tinh giản biên chế còn cào bằng và có phần cơ học]

Theo cử tri Nguyễn Thanh Loan, trong thời gian tới, Chính phủ cần triển khai mạnh mẽ các chính sách cải cách tiền lương, chế độ đãi ngộ, khen thưởng đối với với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đặc biệt quan tâm, ưu tiên và có chính sách đặc thù đối với hai ngành giáo dục, y tế.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, tạo điều kiện và động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, phát huy khả năng trong công việc.

Cũng theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, Thượng tá Lã Hữu Vĩnh, cựu chiến binh tại Phường 12, quận 10 đánh giá cao chất lượng chất vấn của các đại biểu Quốc hội và cho biết, các đại biểu đã thẳng thắn tranh luận, nói trúng vào các vấn đề “nóng” hiện nay trong lĩnh vực nội vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời với tinh thần cầu thị, không né tránh và cung cấp số liệu rất chi tiết, đồng thời tiếp thu những điểm tồn tại, hạn chế mà các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra như: tình trạng có nơi có quá đông dân cư nhưng số lượng cán bộ công chức ít; các trí thức trẻ tình nguyện tại các xã thuộc vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc, miền núi giai đoạn 2013-2020 đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng đến nay phần lớn chưa được sắp xếp, bố trí công việc...

Theo Thượng tá Lã Hữu Vĩnh, một trong những lý do dẫn đến tình trạng "chảy máu" nhân lực khu vực công, nhất là tại các cơ quan chính quyền cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh là do áp lực về trách nhiệm công việc nặng nề trên một địa bàn có quy mô dân số đông, nhiều yếu tố phức tạp.

Chính vì vậy, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần xem xét, điều chỉnh bổ sung các quy định về tổng biên chế, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó cần áp dụng cơ chế đặc thù tăng lượng biên chế cho cán bộ, công chức Thành phố để phù hợp với tình hình thực tế.

Theo cử tri Lã Hữu Vĩnh, thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho thấy đội ngũ cán bộ, trí thức hưu trí có những đóng góp tích cực đối với xã hội, nhất là trong các lĩnh vực chuyên môn sâu như y tế, khoa học, kỹ thuật...

Vì vậy, Bộ Nội vụ cần xây dựng chính sách đãi ngộ thích hợp để tập hợp, phát huy kiến thức, kinh nghiệm và tâm huyết của những nhà trí thức, khoa học đã nghỉ hưu tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục