Ngày 2/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký kết một hiệp định vay trị giá 37 triệu USD với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi (DHD) để tài trợ việc lắp đặt một dàn pin điện mặt trời nổi với công suất đỉnh là 47,5 MWp trên hồ chứa hiện thời của Nhà máy thủy điện Đa Mi với công suất 175MW thuộc Công ty DHD.
Dự án này đánh dấu việc lắp đặt dàn pin điện mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam và cũng là lớn nhất ở Đông Nam Á.
Ông Christopher Thieme, Phó Tổng Vụ trưởng, Vụ Nghiệp vụ Khu vực Tư nhân của ADB nhận định, dự án sẽ giúp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất năng lượng của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu như than đá. Việc kết hợp hai công nghệ năng lượng sạch-thủy điện và điện mặt trời, có thể được nhân rộng ở những nơi khác ở Việt Nam và trên khắp châu Á-Thái Bình Dương.
Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi, một công ty con thuộc Tổng công ty Phát điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện đang sở hữu và vận hành bốn nhà máy thủy điện: Đa Mi (175 MW), Hàm Thuận (300 MW), Đa Nhim (160 MW), Sông Pha (7,5 MW). Tổng công suất phát điện của Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi là 642,5 MW, bằng khoảng 1,7% tổng công suất phát điện của Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi, ông Nguyễn Trọng Oánh chia sẻ: “Dự án này phù hợp với chiến lược đầu tư vào năng lượng tái tạo của DHD để giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Các hồ thủy điện ở miền Nam Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời rất lớn. Với lợi thế là mối quan hệ gắn kết giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và ADB, chúng tôi đã làm việc cùng nhau để thúc đẩy phát triển một nguồn năng lượng mới cho đất nước.”
[Đại diện các doanh nghiệp nói gì về giá mua điện Mặt Trời?]
Gói tài trợ bao gồm một khoản vay trị giá 17,6 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường của ADB. Khoản vay này được bổ sung 15 triệu USD đồng tài trợ ưu đãi hỗn hợp được cung cấp bởi Quỹ Biến đổi khí hậu Canada cho Khu vực tư nhân ở châu Á và quỹ tiếp nối, Quỹ Biến đổi khí hậu Canada cho Khu vực tư nhân ở châu Á II. Các quỹ này được Chính phủ Canada thành lập để khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân cho các dự án giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương.
Gói tài trợ cũng bao gồm khoản vay song song trị giá 4,4 triệu USD từ Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân hàng đầu châu Á (LEAP), được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thông qua một cam kết đầu tư cổ phần trị giá 1,5 tỉ USD. Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân hàng đầu châu Á tập trung vào việc cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân chất lượng cao và bền vững, giúp giảm phát thải các-bon, nâng cao hiệu quả năng lượng, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và truyền thông dễ tiếp cận với chi phí hợp lý cho các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB./.