"Cuộc chiến tiền" tiếp tục leo thang ở V-League

Nếu lấy 7 tỉ đồng của Công Vinh làm cột mốc có lẽ vẫn là quá rẻ so với xu thế tăng giá cầu thủ đến chóng mặt của bóng đá Việt Nam lúc này.
Nếu lấy 7 tỉ đồng (giá trị hợp đồng, hay còn gọi là "lót tay" của Lê Công Vinh) làm cột mốc, thì con số đó vẫn là quá rẻ so với xu thế tăng giá cầu thủ đến chóng mặt trong làng bóng đá Việt Nam lúc này.

Cơ bản có thể coi đó là tín hiệu đáng mừng nhưng đằng sau nó là những bài toán không lời đáp với "cuộc chiến tiền" được dự báo từ trước.

"Cuộc chiến tiền" trong cơn lạm phát


Nếu như những ngày đầu V-League còn phôi thai, ngân quỹ hoạt động của một câu lạc bộ chỉ có vài tỉ đồng đã được xem là đại gia cỡ bự. Hay như Hòa Phát Hà Nội mùa 2006, khi công bố quỹ tiền cho mùa giải là 22 tỉ đồng đã được liệt vào đại gia thì chỉ 3 năm sau, V-League 2009, thì con số ấy đã là khiêm tốn.

Hãy cứ soi vào Ximăng Hải Phòng (trên 50 tỉ đồng mùa giải 2009), Thể Công (khoảng 75 tỉ) hay "thiếu gia" đất Bắc Vissai Ninh Bình thì biết. Đó còn chưa kể đến anh em nhà T&T Hà Nội và SHB Đà Nẵng.

Với những kế hoạch mua sắm rầm rộ, dự tính mùa tới Vissai Ninh Bình sẽ chấp cả phần còn lại của V-League trong cuộc đua tiền. Theo sau họ sẽ là đội bóng đất cảng Hải Phòng.

Giá cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng đang leo thang một cách chóng mặt, cùng với chế độ lương-thưởng cũng như các khoản ưu đãi khác là nguyên nhân đẩy ngân quỹ đội bóng tăng theo.

Người ta bán tín bán nghi rằng đã có những hoạt động rửa tiền thông qua bóng đá! Chỉ chắc rằng bóng đá là của người giàu.

Không ai chịu kém

Nhắc lại chuyện Hữu Thắng, với bản hợp đồng dự tính 3,5 tỉ đồng, hồi đầu mùa 2008 về Vissai Ninh Bình. Thắng đã bị hỏng 1 bên đầu gối và phải sang Mỹ tập hồi phục, khi trở về vẫn được nhận lời đề nghị với khoản "lót tay" khủng nhất lúc bấy giờ.

Nhưng do tự ái nghề nghiệp lại biết khả năng cống hiến của mình có hạn, nên Thắng đã từ chối  và cuối cùng chỉ ký 1 năm với Vissai Ninh Bình (nhận 500 triệu đồng).

Mới đây lại có thông tin về trung vệ Xuân Thắng của Sông Lam Nghệ An nếu chịu đầu quân cho T&T Hà Nội mùa tới (2 tỉ đồng/năm) thì đội bóng Thủ đô sẽ làm việc với đội bóng xứ Nghệ để chuộc anh. Nghe đâu số tiền giải phóng hợp đồng của Thắng với Sông Lam Nghệ An cũng lên đến 10 tỉ đồng.

Thắng là cầu thủ chuyên nghiệp, lành tính có chí tiến thủ thật, nhưng giá trị của anh cũng không đến mức cao như vậy. Nếu nhìn vào thực tế Sông Lam Nghệ An thì thấy ở đó Quyến còn đáng giá hơn.

Quyến của năm 2009 (với nửa tá bàn thắng ghi được) vẫn không thể hay bằng Quyến từ 2005 trở về trước. Nhưng nếu anh chịu đầu quân cho bất cứ đội bóng khác vào lúc này thì không biết chừng con số 7 tỉ đồng của Công Vinh sẽ lạc hậu mất.

Trong "cuộc đua tiền" này thì mấy ai chịu nhận mình kém./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục