Trong khoảng sân rộng chừng 500m2 nằm dưới con dốc 456 Hoàng Hoa Thám, hàng trăm người xúm xít bên những gian hàng bày bán các món đồ cũ kỹ, thậm chí không sử dụng được. Bình phẩm, suýt xoa, chốc chốc đâu đó lại có tiếng gọi điện thoại hào hứng, hớn hở thông báo tin đã “tậu” được món đồ ưng ý. Nét đặc trưng rất riêng ấy là của chợ phiên đồ xưa, nằm trong Lư Trà quán ở giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Đi mua “ngày xưa” 8 giờ sáng, khi người Hà Nội bắt đầu "vật vã" dưới cái nắng hè như đổ lửa trên đầu thì phiên chợ đồ xưa cũng bước vào lúc nhộn nhịp. Dưới những tán cây khế, hồng xiêm, hơn hai chục gian hàng đã bầy bán đủ thứ cũ mèm. Từ cái bát sứt cho đến những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, đồng hồ, amply, loa, kính mắt, các tờ tiền mệnh giá cũ, đèn bầu pha lê Pháp, quạt, tượng cổ… Hầu hết các món đồ ấy đều có “tuổi” từ vài chục đến hàng trăm năm. Gọi là “gian hàng” cho “oách,” chứ thật ra, mỗi gian chỉ được kê bằng một chiếc bàn nhựa, có gian được “thiết kế” bằng tấm vải bạt trải xuống sân gạch. Khách đến chợ phiên đồ xưa cũng đủ lứa tuổi. Người trung niên thì bồi hồi tìm mua những món đồ mà tuổi thơ từng gắn bó, lớp thanh niên lại tò mò đến để xem những thứ mà cha ông họ đã từng sử dụng trong quá khứ. Và, trong đó có cả những “thợ” đồ cổ, đồ xưa đến để trao qua đổi lại, giao dịch hàng hóa. Cất tiếng cười sảng khoái khi được hỏi về chiếc đồng hồ và mấy cái bát cũ mèm mới mua, ông Phạm Ngọc Trường (52 tuổi, ngõ 3 Thái Hà) bảo rằng đây là những món đồ đã gắn với gần nửa cuộc đời mình. Theo lời ông Trường, chơi đồ cũ đã lâu, ông luôn có cảm giác tìm lại được tuổi thơ, được sống lại những ngày bao cấp. Ngoài ra, đây cũng là một cách để chỉ cho con cháu một cách trực quan, sống động nhất về những ngày tháng đất nước khó khăn.
Chợ phiên đồ xưa tấp nập khách ra vào. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
"Quý vật tầm quý nhân!" Nếu như với nhiều người, những thứ xưa cũ chỉ đáng giá… đồng nát, thì ngược lại, nó lại là của hiếm, được người say đồ cũ nâng niu như bảo vật. Những đồ vật ấy được chau chuốt, lau chùi rồi cất vào tủ kính hoặc được dùng và giữ gìn còn hơn nhiều lần so với đồ vật mới. Cũng bởi thế, hàng hóa ở chợ phiên đồ xưa không thể định giá hàng loạt. “Cái đồng hồ SK này vào những năm 1980 tôi phải mua bằng cả một năm lương của mình. Nhưng bây giờ, khéo mua chỉ có giá 400.000-500.000 đồng,” ông Trường giơ chiếc đồng hồ nặng trịch có mặt màu đỏ còn khá đẹp, khoe. Còn ông Nguyễn Hữu (80 tuổi, ở Hoàng Hoa Thám) thì dắt cháu đến chợ để xem và cũng là để cho đứa cháu lên mười biết thêm về vật dụng, mệnh giá tiền mà cha ông ngày xưa đã từng sử dụng. Với ông, những chiếc bát sứt, kính cũ… gợi biết bao kỷ niệm về một thời ngang dọc suốt chiều dài đất nước mà với cuộc sống hiện tại, người ta ít có dịp nhìn lại thấy nó. “Đây là một trong những phiên chợ độc đáo nhất mà tôi từng tham gia. Tuyệt vời hơn nữa là nó lại nằm ngay giữa phố phường Hà Nội” ông Hữu vuốt mái tóc bạc phơ nói. “Offline” văn hóa
Trong cả buổi sáng, cho dù không “đắt như tôm tươi” song chợ phiên đồ xưa cũng tấp nập khách hỏi mua, thậm chí có cả việc mặc cả nhưng tuyệt nhiên không có sự to tiếng, cãi vã. Trao đổi với phóng viên Vietnam+, “chủ chợ” Kiều Quốc Khánh (Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Hà Nội) cho hay, những người yêu mến những đồ xưa cũ như anh thường lên các diễn đàn để giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Trong thế giới ảo bao la, việc người bị lừa mua những món đồ cũ không phải là ít, khi mà họ không thể “mục sở thị” hàng hóa. [Chùm ảnh: Chợ độc ở Hà thành] Từ ý tưởng tạo nơi giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chơi đồ cũ, anh Khánh đã quyết định đứng ra tổ chức “phiên chợ đồ xưa” lần đầu tiên vào ngày 8/6/2013 với hình thức 2 tuần/lần vào ngày thứ Bảy. Thế nhưng ngay khi chợ được mở, khách đã kéo đến nườm nượp khiến anh Khánh đã “tăng phiên” và họp vào mỗi thứ Bảy hàng tuần. Ngay từ khi khai trương, chợ của anh Khánh đã nhận được rất nhiều đăng ký tham gia của giới bán đồ xưa cũ trên mạng. Điều lạ là, ông chủ của chợ phiên đồ xưa không hề thu phí cả người mua lẫn người bán. Theo dạng “vào cửa tự do,” chợ chỉ thu tiền… trà đá hoặc cafe nếu khách có nhu cầu.
Trong cả buổi sáng, cho dù không “đắt như tôm tươi” song chợ phiên đồ xưa cũng tấp nập khách hỏi mua, thậm chí có cả việc mặc cả nhưng tuyệt nhiên không có sự to tiếng, cãi vã. Trao đổi với phóng viên Vietnam+, “chủ chợ” Kiều Quốc Khánh (Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Hà Nội) cho hay, những người yêu mến những đồ xưa cũ như anh thường lên các diễn đàn để giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Trong thế giới ảo bao la, việc người bị lừa mua những món đồ cũ không phải là ít, khi mà họ không thể “mục sở thị” hàng hóa. [Chùm ảnh: Chợ độc ở Hà thành] Từ ý tưởng tạo nơi giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chơi đồ cũ, anh Khánh đã quyết định đứng ra tổ chức “phiên chợ đồ xưa” lần đầu tiên vào ngày 8/6/2013 với hình thức 2 tuần/lần vào ngày thứ Bảy. Thế nhưng ngay khi chợ được mở, khách đã kéo đến nườm nượp khiến anh Khánh đã “tăng phiên” và họp vào mỗi thứ Bảy hàng tuần. Ngay từ khi khai trương, chợ của anh Khánh đã nhận được rất nhiều đăng ký tham gia của giới bán đồ xưa cũ trên mạng. Điều lạ là, ông chủ của chợ phiên đồ xưa không hề thu phí cả người mua lẫn người bán. Theo dạng “vào cửa tự do,” chợ chỉ thu tiền… trà đá hoặc cafe nếu khách có nhu cầu.
"Chủ chợ" Kiều Quốc Khánh lựa những sản phẩm xưa cũ cho riêng mình. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Anh Quang Huy (lô A26 Nguyễn Chánh, Trung Hòa, Cầu Giấy), một trong những người bán hàng tại chợ phiên đồ xưa từ những ngày đầu cho hay, đa phần người bán chỉ mang đến chợ một phần nhỏ những kho đồ mình đang sở hữu. Đến đây, ngoài việc bán hàng, họ còn gặp gỡ, làm quen và trao đổi kinh nghiệm, mua hàng của nhau để về chơi hoặc bán lại cho khách. Về phần mình, anh Huy nói sẽ mang dần những đồ đắt tiền đến chợ. Trong gian hàng của anh, đồ có giá trị là chiếc quạt marelli (của Ý, sản xuất từ những năm 1920-1930) có giá vài triệu đồng hoặc chiếc đèn bầu pha lê giá 10 triệu đồng… Anh Trần Viễn Đông (215C2 Quỳnh Mai) thì kể, chợ quy tụ nhiều thành viên trên các diễn đàn chơi đồ cổ, đồ cũ. Trong đó, có rất nhiều người tìm mua đồ cũ ở trên mạng cũng tìm đến chợ để được sờ ngắm tận mắt món đồ trước khi quyết định mua. Là người chơi đồ cũ lâu năm, anh Đông cũng mang đồ ở nhà ra bày bán và mua khá nhiều sản phẩm khác để làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình. “Tôi mong muốn chợ này sẽ thành một nét văn hóa riêng, là sân chơi mới của cộng đồng chơi đồ xưa cũ trên mạng,” anh Đông cho biết. Đặc biệt, tại mỗi phiên, “chủ chợ” Kiều Quốc Khánh đều tổ chức một buổi đấu giá làm từ thiện. Sản phẩm đấu giá là những món đồ xưa cũ được các chủ cửa hàng trao tặng hoặc chính là món đồ của “chủ chợ” đã dày công sưu tầm. Đến hết phiên chợ thứ ba, số tiền thu được từ các phiên đấu giá đã lên tới trên 10 triệu đồng, được anh Khánh cùng bạn bè đi làm từ thiện cho bệnh nhân nhi bị bỏng. Chia sẻ về ý tưởng phát triển chợ, anh Khánh cho hay bên cạnh việc duy trì chợ đều đặn, anh còn liên hệ với một số người am hiểu về đồ cổ, để họ có thể góp mặt ở chợ với tư cách chuyên gia, thẩm định giúp khách hàng… Sau vài phiên chợ, có những người mê đồ xưa cũ tận Hải Phòng, Nam Định… cũng tìm đến khiến anh Khánh bảo càng thêm quyết tâm càng xây dựng chợ phiên ngày càng phát triển. Mặt trời đã tới đỉnh đầu, “bão nắng” tiếp tục dội xuống nhưng chợ phiên đồ xưa vẫn còn xôm tụ lắm. Nhiều khách lục tục ra về, nhưng cũng không ít người tiếp tục bước xuống dốc để vào thăm chợ. Rời chợ với một món đồ nhỏ, tôi thầm mong chợ sẽ tiếp tục phát triển, là nơi quy tụ những người yêu đồ xưa cũ, thêm những nét đẹp văn hóa giữa lòng mảnh đất nghìn năm./.
Trung Hiền (Vietnam+)