Sau khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng nữa đối với những đôi giày có xuất xứ từ Việt Nam, kể từ ngày 3/1/2010, ngành da giày Việt Nam liêu xiêu thì làng nghề da giày xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên vẫn “bình chân như vại” trước sóng gió của thị trường.
Về Phú Yên một ngày đầu xuân, chúng tôi cảm nhận được sức sống của một làng nghề trăm năm tuổi. Nằm đầu cầu Giẽ, ven quốc lộ 1A, Phú Yên nổi tiếng với sản phảm da giày truyền thống và là nơi đã sản xuất ra chiếc giày da khổng lồ được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam.
Được thiên nhiên ưu đãi cho “nhất cận thị, nhị cận giang, ba cận đàng”, người dân Phú Yên sớm được giao lưu tiếp xúc với nhiều nghề thủ công. Qua những bước thăng trầm, có lúc nghề mai một người dân tưởng như phải bỏ nghề nhưng hơn chục năm trở lại đây, nhờ đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, nghề da giày ở Phú Yên khôi phục trở lại và phát triển mạnh, đời sống của người dân được nâng cao, trong làng đã có những tỷ phú tài sản gần chục tỷ đồng, thậm chí vài chục tỷ đồng.
Anh Nguyễn Lương Đức, cán bộ công thương xã Phú Yên, Phó Chủ tịch Hội da giày thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn xã có trên 200 cơ sở sản xuất (chủ yếu tập trung ở thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng) thu hút khoảng 2.000 lao động, trong đó hơn 1.000 lao động của xã còn lại là của các xã lân cận.
Ước tính, năm 2009, xã Phú Yên sản xuất được khoảng 4 triệu đôi giày, cung cấp chủ yếu cho Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Giá trị tiểu thủ công nghiệp của xã ước đạt 30 tỷ đồng.
Nếu như trước đây, các hộ sản xuất giày ở Phú Yên chủ yếu làm thủ công, hiện nay một số hộ đã đầu tư hàng tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất bán công nghiệp, còn lại phần lớn vẫn làm thủ công nhưng có thêm máy móc phụ trợ như máy nén hơi, máy chặt, máy ép…
Theo anh Đức, yếu tố đầu tiên tạo chỗ đứng cho nghề da-giày Phú Yên trên thị trường là giá cả. So với các chủng loại giày dép khác thì giày da ở Phú Yên có giá rẻ bằng 2/3, thậm chí một nửa. Giá cả cạnh tranh được vì làng nghề đã tận dụng được nhiều lợi thế về thời gian, nguồn nhân lực nhàn rỗi ở địa phương, không mất tiền thuê mặt bằng và sử dụng nguyên liệu trong nước. Nguyên liệu da nhập của Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và nguyên liệu thừa từ các nhà máy sản xuất trong nước thải ra...
Sản phẩm giày của Phú Yên chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước nên không bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới. Chính vì vậy, trong khi các nhà máy lao đao vì quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá của Liên minh Châu Âu thì làng nghề da giày Phú Yên vẫn đứng vững trên thị trường trong nước.
Đến thăm cơ sở sản xuất giày của anh Nguyễn Thanh Quang, 37 tuổi thôn Giẽ Hạ, một người đi lên từ hai bàn tay trắng, giờ đã có một cơ sở sản xuất gần 20 chục lao động, doanh thu mỗi năm từ 100-300 triệu đồng, anh Quang tâm sự, học nghề từ năm 13,14 tuổi, rồi đi làm thuê, có vốn đầu tư sản xuất nhỏ sau đầu tư lớn dần, nghề giày cứ thế phát triển, cơ sở anh hiện có hàng ngàn đôi giày thành phẩm, chủ yếu bán buôn cho các đại lý.
"Làm giày cũng như làm nhà, trước tiên phải có nền móng tốt. Nguyên liệu phải chọn loại da có cật nhiều, kỹ thuật phải làm cẩn thận tất cả các khâu, từ pha cắt da, máy mũ, gò vào phom, ép đế, loại nào cần khâu phải khâu và cuối cùng là trang trí để cho ra một thành phẩm", anh Quang nói.
Một gia đình điển hình với 5 đời làm nghề giày ở xã Phú Xuyên là gia đình ông Lê Văn Thịnh và bà Đỗ Thị Oanh ở thôn Giẽ Hạ. Anh Lê Văn Hải, cháu nội ông Thịnh, tác giả của đôi giày đoạt Huy chương bạc tại cuộc thi thiết kế thời trang giày châu Á-Thái Bình Dương năm 2009 cho biết, một đôi giày đẹp phải được làm bằng chất liệu da mềm, cắt phải chuẩn, đường kim, mũi chỉ phải sạch sẽ, sản phẩm đi vào không đau chân. Tuy nhiên, hiện nay, 90% số cơ sở sản xuất giày ở Phú Yên đều sản xuất kiểu gia công, độ tinh xảo của sản phẩm chưa cao.
Nếu như ngày xưa, muốn làm được nghề, thợ phải học mất vài năm thì nay rút xuống chỉ còn vài tháng, do đó kỹ thuật đào tạo không sâu, thậm chí nhiều khi làm sai cũng không biết sai chỗ nào. Thợ giỏi của làng giờ đây chỉ còn duy nhất một người tuổi đã ngoài 70 hiện vẫn đang làm nghề còn lớp thợ trẻ thì ít người quan tâm đầu tư chiều sâu cho nghề mà chạy theo bề nổi, vì mục đích kinh doanh là chính. Chính vì vậy, nguy cơ mai một những nét truyền thống của làng nghề trăm năm tuổi là điều khó tránh khỏi.
Để nâng cao kỹ thuật nghề cho Phú Yên, Viện nghiên cứu Da giày Việt Nam cũng đã mở các lớp đào tạo nghề nhưng nhiều kỹ thuật không phù hợp với mô hình hộ gia đình ở Phú Xuyên mà chỉ có thể áp dụng đối với những nhà máy, xí nghiệp lớn. Điều băn khoăn nhất của những người yêu nghề, muốn gắn bó suốt đời với nghề như anh Hải là làm sao đào tạo cho lớp thợ trẻ đi sâu vào nghề để sản phẩm giày Phú Xuyên vừa giữ được nét truyền thống vừa đạt đến độ tinh xảo, để tạo nét đặc sắc, riêng biệt cho làng nghề.
Tuy nhiên, dù có những bước phát triển vượt bậc, nhưng làng nghề da giày Phú Yên vẫn chưa thoát khỏi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Theo anh Đức, sản phẩm giày của Phú Yên chưa đạt được độ tinh xảo theo tiêu chuẩn Quốc tế, mô hình sản xuất nhỏ nên không dám ký những hợp đồng lớn vì không đáp ứng đủ nhu cầu về sản lượng.
Mặt khác, hiện nay, Phú Yên đang phải chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường do rác thải là da thuộc chôn lấp gây ô nhiễm nặng nề nguồn nước ngầm và hóa chất phun giày ngay trong nhà ảnh hưởng đến môi trường sống của từng hộ dân. Hiện Hiệp Hội da giày Phú Yên đang kiến nghị huyện Phú Xuyên quy hoạch một khu sản xuất tập trung xa khu dân cư và đầu tư xử lý rác thải, tránh ô nhiễm môi trường.
Hà Nội sắp tròn ngàn năm tuổi, các làng nghề Thủ đô sẽ mang đến Đại lễ những sản phẩm đặc sắc giới thiệu với bạn bè trong nước và khách quốc tế. Làm sao để thương hiệu giày Phú Yên bay xa, đó là niềm mong mỏi không chỉ của những người thợ tâm huyết với nghề giày ở Phú Yên./.
Về Phú Yên một ngày đầu xuân, chúng tôi cảm nhận được sức sống của một làng nghề trăm năm tuổi. Nằm đầu cầu Giẽ, ven quốc lộ 1A, Phú Yên nổi tiếng với sản phảm da giày truyền thống và là nơi đã sản xuất ra chiếc giày da khổng lồ được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam.
Được thiên nhiên ưu đãi cho “nhất cận thị, nhị cận giang, ba cận đàng”, người dân Phú Yên sớm được giao lưu tiếp xúc với nhiều nghề thủ công. Qua những bước thăng trầm, có lúc nghề mai một người dân tưởng như phải bỏ nghề nhưng hơn chục năm trở lại đây, nhờ đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, nghề da giày ở Phú Yên khôi phục trở lại và phát triển mạnh, đời sống của người dân được nâng cao, trong làng đã có những tỷ phú tài sản gần chục tỷ đồng, thậm chí vài chục tỷ đồng.
Anh Nguyễn Lương Đức, cán bộ công thương xã Phú Yên, Phó Chủ tịch Hội da giày thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, toàn xã có trên 200 cơ sở sản xuất (chủ yếu tập trung ở thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng) thu hút khoảng 2.000 lao động, trong đó hơn 1.000 lao động của xã còn lại là của các xã lân cận.
Ước tính, năm 2009, xã Phú Yên sản xuất được khoảng 4 triệu đôi giày, cung cấp chủ yếu cho Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Giá trị tiểu thủ công nghiệp của xã ước đạt 30 tỷ đồng.
Nếu như trước đây, các hộ sản xuất giày ở Phú Yên chủ yếu làm thủ công, hiện nay một số hộ đã đầu tư hàng tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất bán công nghiệp, còn lại phần lớn vẫn làm thủ công nhưng có thêm máy móc phụ trợ như máy nén hơi, máy chặt, máy ép…
Theo anh Đức, yếu tố đầu tiên tạo chỗ đứng cho nghề da-giày Phú Yên trên thị trường là giá cả. So với các chủng loại giày dép khác thì giày da ở Phú Yên có giá rẻ bằng 2/3, thậm chí một nửa. Giá cả cạnh tranh được vì làng nghề đã tận dụng được nhiều lợi thế về thời gian, nguồn nhân lực nhàn rỗi ở địa phương, không mất tiền thuê mặt bằng và sử dụng nguyên liệu trong nước. Nguyên liệu da nhập của Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và nguyên liệu thừa từ các nhà máy sản xuất trong nước thải ra...
Sản phẩm giày của Phú Yên chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước nên không bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới. Chính vì vậy, trong khi các nhà máy lao đao vì quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá của Liên minh Châu Âu thì làng nghề da giày Phú Yên vẫn đứng vững trên thị trường trong nước.
Đến thăm cơ sở sản xuất giày của anh Nguyễn Thanh Quang, 37 tuổi thôn Giẽ Hạ, một người đi lên từ hai bàn tay trắng, giờ đã có một cơ sở sản xuất gần 20 chục lao động, doanh thu mỗi năm từ 100-300 triệu đồng, anh Quang tâm sự, học nghề từ năm 13,14 tuổi, rồi đi làm thuê, có vốn đầu tư sản xuất nhỏ sau đầu tư lớn dần, nghề giày cứ thế phát triển, cơ sở anh hiện có hàng ngàn đôi giày thành phẩm, chủ yếu bán buôn cho các đại lý.
"Làm giày cũng như làm nhà, trước tiên phải có nền móng tốt. Nguyên liệu phải chọn loại da có cật nhiều, kỹ thuật phải làm cẩn thận tất cả các khâu, từ pha cắt da, máy mũ, gò vào phom, ép đế, loại nào cần khâu phải khâu và cuối cùng là trang trí để cho ra một thành phẩm", anh Quang nói.
Một gia đình điển hình với 5 đời làm nghề giày ở xã Phú Xuyên là gia đình ông Lê Văn Thịnh và bà Đỗ Thị Oanh ở thôn Giẽ Hạ. Anh Lê Văn Hải, cháu nội ông Thịnh, tác giả của đôi giày đoạt Huy chương bạc tại cuộc thi thiết kế thời trang giày châu Á-Thái Bình Dương năm 2009 cho biết, một đôi giày đẹp phải được làm bằng chất liệu da mềm, cắt phải chuẩn, đường kim, mũi chỉ phải sạch sẽ, sản phẩm đi vào không đau chân. Tuy nhiên, hiện nay, 90% số cơ sở sản xuất giày ở Phú Yên đều sản xuất kiểu gia công, độ tinh xảo của sản phẩm chưa cao.
Nếu như ngày xưa, muốn làm được nghề, thợ phải học mất vài năm thì nay rút xuống chỉ còn vài tháng, do đó kỹ thuật đào tạo không sâu, thậm chí nhiều khi làm sai cũng không biết sai chỗ nào. Thợ giỏi của làng giờ đây chỉ còn duy nhất một người tuổi đã ngoài 70 hiện vẫn đang làm nghề còn lớp thợ trẻ thì ít người quan tâm đầu tư chiều sâu cho nghề mà chạy theo bề nổi, vì mục đích kinh doanh là chính. Chính vì vậy, nguy cơ mai một những nét truyền thống của làng nghề trăm năm tuổi là điều khó tránh khỏi.
Để nâng cao kỹ thuật nghề cho Phú Yên, Viện nghiên cứu Da giày Việt Nam cũng đã mở các lớp đào tạo nghề nhưng nhiều kỹ thuật không phù hợp với mô hình hộ gia đình ở Phú Xuyên mà chỉ có thể áp dụng đối với những nhà máy, xí nghiệp lớn. Điều băn khoăn nhất của những người yêu nghề, muốn gắn bó suốt đời với nghề như anh Hải là làm sao đào tạo cho lớp thợ trẻ đi sâu vào nghề để sản phẩm giày Phú Xuyên vừa giữ được nét truyền thống vừa đạt đến độ tinh xảo, để tạo nét đặc sắc, riêng biệt cho làng nghề.
Tuy nhiên, dù có những bước phát triển vượt bậc, nhưng làng nghề da giày Phú Yên vẫn chưa thoát khỏi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Theo anh Đức, sản phẩm giày của Phú Yên chưa đạt được độ tinh xảo theo tiêu chuẩn Quốc tế, mô hình sản xuất nhỏ nên không dám ký những hợp đồng lớn vì không đáp ứng đủ nhu cầu về sản lượng.
Mặt khác, hiện nay, Phú Yên đang phải chịu hậu quả của ô nhiễm môi trường do rác thải là da thuộc chôn lấp gây ô nhiễm nặng nề nguồn nước ngầm và hóa chất phun giày ngay trong nhà ảnh hưởng đến môi trường sống của từng hộ dân. Hiện Hiệp Hội da giày Phú Yên đang kiến nghị huyện Phú Xuyên quy hoạch một khu sản xuất tập trung xa khu dân cư và đầu tư xử lý rác thải, tránh ô nhiễm môi trường.
Hà Nội sắp tròn ngàn năm tuổi, các làng nghề Thủ đô sẽ mang đến Đại lễ những sản phẩm đặc sắc giới thiệu với bạn bè trong nước và khách quốc tế. Làm sao để thương hiệu giày Phú Yên bay xa, đó là niềm mong mỏi không chỉ của những người thợ tâm huyết với nghề giày ở Phú Yên./.
Tuyết Mai (Vietnam+)