Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả”

Trong phiên thảo luận sáng 28/10, đại biểu đề nghị làm rõ vấn đề nguồn cung xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” và cần nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.
Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” ảnh 1Phiên thảo luận kinh tế-xã hội sáng 28/10. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 28/10, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhấn mạnh giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển.

Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị làm rõ vấn đề nguồn cung xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” và cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Dẫn chứng thêm, theo đại biểu Tạ Thị Yên, Việt Nam đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi đó, hai nhà máy lọc hóa dầu là Nghi Sơn và Bình Sơn hiện đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%, song thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

[Bộ trưởng lý giải việc ‘xăng dầu không thiếu song bán ra lại khó khăn]

Nữ đại biểu cho rằng xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân, vì vậy giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh sẽ phát triển, tác động tới tăng trưởng kinh tế và nhà nước sẽ thu được thuế, phí từ nền kinh tế.

“Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng, dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí cũng như làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan,” đại biểu đề xuất.

Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.

Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả” ảnh 2Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, tại phiên thảo luận Tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định nguồn xăng dầu trong nước luôn được đảm bảo và bác thông tin cho rằng hiện thiếu nguồn cung trong nước.

Bộ trưởng dẫn chứng, tính đến ngày 30/9, lượng hàng dự trữ thương mại là hơn 1,25 triệu m3 xăng dầu; năng lực sản xuất của hai nhà máy lọc dầu trong tháng 10 đảm bảo 80% nguồn cung trong nước (1,7-1,75 triệu m3), tương đương 1,36 triệu m3, tức là còn khoảng 2,6 triệu m3 xăng dầu.

Ngoài ra, 34 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trong tháng 10 khoảng 500.000 m3 xăng dầu. Tổng chung có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu trong thời điểm cuối tháng Chín, giữa tháng 10; hoàn toàn đáp ứng nguồn cung cho đến hết giữa tháng 11, trong khi sang tháng 11 lại tiếp tục sản xuất và nhập khẩu, do vậy nguồn cung sẽ được đảm bảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục