Thực trạng hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, công tác quản lý còn nhiều bất cập. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), chiều 18/11.
Nhân lực làm du lịch vừa thiếu, vừa yếu
Phân tích của đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho thấy, cả nước chỉ có 9.500 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, phục vụ hơn 8 triệu lượt khách nước ngoài du lịch tại Việt Nam và 6 triệu lượt khách Việt Nam ra nước ngoài du lịch trong một năm. Chỉ có 7.150 hướng dẫn viên du lịch nội địa, phục vụ hơn 45 triệu lượt khách du lịch. Ước tính, để phục vụ lượng khách trên, cần tối thiểu 25.000 hướng dẫn viên quốc tế và 20.000 hướng dẫn viên nội địa… Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do bất cập liên quan đến việc cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch. Bên cạnh đó, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch còn yếu ở vốn kiến thức, trình độ hiểu biết, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xử lý tình huống, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ, nhất là các ngoại ngữ hiếm.
Đại biểu Triệu Thanh Dung phân tích, công tác đào tạo hướng dẫn viên chưa chuyên nghiệp, chưa thống nhất; việc đào tạo, giảng dạy chưa được chuẩn hóa, không thống nhất giữa các hệ đào tạo chuyên ngành du lịch nói chung và hướng dẫn viên du lịch nói riêng. Mặt khác, phần lớn hướng dẫn viên du lịch không xác định làm việc lâu dài nên không có động lực phấn đấu, hoàn thiện. Công tác quản lý còn nhiều bất cập, tình trạng hướng dẫn viên du lịch “chui” xuất hiện ngày càng nhiều ở những điểm du lịch nổi tiếng, cá biệt, có hướng dẫn viên du lịch “chui” là người nước ngoài, nói tiếng nước ngoài, sử dụng bằng tiếng nước ngoài và xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam. Trường hợp xảy ra ở thành phố Đà Nẵng vừa qua là một ví dụ. Đây không phải là trường hợp đầu tiên hướng dẫn viên du lịch nước ngoài xuyên tạc lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Ở Đà Nẵng, khoảng 60 hướng dẫn viên người Trung Quốc đang hoạt động du lịch “chui” trên địa bàn. Nghiêm trọng hơn, hầu hết công ty lữ hành nhận dẫn đoàn khách Trung Quốc đều do người Việt đứng tên để đảm bảo thủ tục pháp lý – đại biểu cho biết.
Đại biểu Triệu Thanh Dung nhận thấy những quy định của dự thảo Luật về hướng dẫn viên du lịch mới chỉ khắc phục được điểm “thiếu” mà chưa giải quyết được căn bản điểm “yếu” của công tác quản lý hướng dẫn viên du lịch. Thể hiện ở chỗ, dự thảo Luật chỉ khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên bằng cách hạ tiêu chuẩn cấp thẻ hướng dẫn viên mà chưa có quy định về kiểm tra kiến thức, kỹ năng của hướng dẫn viên, việc cấp lại thẻ hướng dẫn viên không có yêu cầu cập nhật kiến thức mới phù hợp với từng thời điểm, từng giai đoạn. Dự thảo Luật không công nhận nhưng cũng không có điều khoản cấm hướng dẫn viên du lịch nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, hoặc các quy định, viện dẫn các quy định về chế tài xử lý cụ thể.
Đồng tình với đại biểu Dung, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đánh giá nhân lực làm du lịch của Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức đi vào hoạt động, nhân lực du lịch của nước ta có thể mất việc ngay trên sân nhà.
“Chính vì vậy, ngoài những quy định của Luật Giáo dục và những quy định chung chung giao trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay trong Luật này, cần thiết kế các quy định về những yêu cầu riêng cần có để đào tạo du lịch, đào tạo nhân lực nói chung, nhân viên du lịch nói riêng,” đại biểu kiến giải.
Cũng như vậy, đại biểu Triệu Thanh Dung đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung mã ngành đào tạo du lịch nhằm tạo điều kiện cho các trường chuyên đào tạo về du lịch, đầu tư và phát triển và bảo đảm quyền lợi của các sinh viên khi đăng ký học tập về du lịch. Đồng thời, ban hành quy chuẩn chung về đào tạo, hướng dẫn viên du lịch, trong đó chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên.
Đại biểu Dung kiến nghị bổ sung quy định tổ chức thi sát hạch trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực khi cấp thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch, tạo điều kiện cho người có nhu cầu tự học và đăng ký thi xác nhận trình độ để được cấp thẻ hướng dẫn viên; giao cấp thẻ hướng dẫn viên cho Hiệp hội lữ lành và các trường đào tạo để giảm bớt thủ tục, Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý và rà soát.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng, yếu con người luôn là yếu tố quyết định, muốn thúc đẩy ngành du lịch, cần phải đầu tư cho con người, trong đó tập trung nâng cao trình độ, năng lực thông qua đào tạo, đánh giá chất lượng để đội ngũ hướng dẫn viên ngày càng chuyên nghiệp hơn.
“Hiện nay, có khoảng 2,2 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực du lịch nhưng có khoảng 30-40% người chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng. Do vậy, tôi đề nghị cần bổ sung thêm vào dự thảo Luật một chương riêng về đào nguồn nhân lực cho du lịch,” đại biểu Ánh đề xuất.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Minh Ánh cũng cho rằng đội ngũ hướng dẫn viên là "linh hồn" của ngành du lịch, cần phải được quan tâm. Bà cũng đề nghị kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn của các hướng dẫn viên trước khi cấp thẻ, ngoài những yêu cầu về bằng cấp đang được thể hiện trong dự án Luật, trong đó giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương lập Hội đồng thẩm định.
Cần cơ chế đột phá
Bày tỏ kỳ vọng vào dự thảo Luật lần này, song đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo cần thận trọng, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để khi Luật ban hành vừa đảm bảo chính sách thông thoáng nhằm phát triển ngành du lịch, nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh quốc gia, vấn đề về văn hóa và môi trường.
Nhìn nhận Việt Nam là quốc gia có tiềm năng du lịch rất lớn, 72 di tích quốc gia đặc biệt, trên 3.200 km bờ biển, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng, sứ mệnh của Luật du lịch lần này không chỉ thể chế hóa Hiến pháp mà quan trọng hơn là “bắt đúng bệnh,” “kê đúng đơn” để du lịch nước nhà phát triển đúng tiềm năng, thực hiện chính sách của Đảng tại Đại hội lần thứ XII là phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm kinh tế phát triển bền vững.
Có chính sách cụ thể hơn, có cơ chế đột phá để du lịch phát triển mạnh mẽ là ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội). Ông Hưng cũng cho rằng du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh. Du lịch có nhiều cơ hội để phát triển mạnh khi được quan tâm đầu tư thích đáng về nhân lực, vật lực.
Về việc xếp hạng cơ sở lưu trú, đại biểu Dương Minh Ánh bày tỏ không đồng tình với quy định trong dự thảo Luật “việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện.” Đại biểu phân tích, qua thông kê, 70% khách sạn ở Việt Nam là vừa và nhỏ, chất lượng không đồng đều. Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, tăng giá tùy tiện, quảng bá không đúng với chất lượng dịch vụ xảy ra ở nhiều nơi. Nếu để các khách sạn tự nguyện đăng ký sẽ xảy ra tình trạng lộn xộn, mất kiểm soát của nhà nước, thiếu sự công bằng và không đảm bảo quyền lợi của khách hàng do chất lượng dịch vụ kém, làm mất uy tín cho ngành du lịch.
Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị nghiên cứu việc xếp hạng cơ sở lưu trú dựa trên nguyên tắc bắt buộc. Thêm vào đó, cần nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật nội dung thẩm định lại cơ sở lưu trú để những đơn vị đã được công nhận hạng sao tiếp tục phải đầu tư để duy trì chất lượng khách sạn cũng như chất lượng dịch vụ, tránh tình trạng khi khách sạn đã được công nhận hạng sao, sau một thời gian kinh doanh xuống cấp không chịu đầu tư bảo trì, bảo dưỡng. “Chất lượng dịch vụ kém, phải thẩm định lại để hạ hạng sao, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.”
Về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định còn sơ sài, chung chung, chỉ có 2 khoản, trong đó không nêu rõ là nguồn của quỹ này được lấy từ đâu. Để tránh tình trạng xin – cho, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định rõ cơ chế điều hành và đối tượng được sử dụng quỹ.
Quan tâm đến vấn đề thanh tra du lịch, Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, quản lý về du lịch nhưng không quy định về cơ chế để thanh tra, kiểm tra, làm cơ sở tổ chức thực hiện và làm cơ sở để quy trách nhiệm quản lý đối với cơ quan chủ quản, là không khác gì tạo cơ sở buông lỏng quản lý. Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ, minh bạch các nội dung về thanh tra, kiểm tra. Đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) đè nghị cần thành lập lực lượng thanh tra du lịch ở những trọng điểm du lịch. Để thực hiện linh hoạt, phù hợp với tăng trưởng du lịch, đại biểu đề nghị quy định theo hướng khi kinh tế phát triển đến tỷ lệ nhất định trong GRDP sẽ thành lập sở riêng và thành lập phòng thanh tra du lịch trong Sở này.
Tạo sân chơi bình đẳng
Giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, quan điểm sửa đổi Luật, Ban soạn thảo đã nghiên cứu kỹ và tiếp thu nhiều ý kiến, tinh thần là muốn thay đổi cách tiếp cận, sẽ quản lý nhưng hạn chế các quy định cấm, cố gắng kết hợp giữa quản lý nhà nước bằng các quy định của pháp luật và bằng công cụ kinh tế.
“Chúng tôi kết hợp một cách hài hòa để tạo điều kiện ngành du lịch phát triển phù hợp với cơ chế thị trường, nhà nước tạo môi trường sân chơi bình đẳng, lành mạnh, nhà nước sẽ hậu kiểm, sai sẽ thổi còi. Do đó, trong dự thảo Luật lần này rất ít từ “cấm,” Bộ trưởng khẳng định.
Với quy định hướng dẫn viên du lịch, Bộ trưởng giải thích, dự thảo Luật thông thoáng hơn, những quy định không khả thi đều được bãi bỏ. “Nếu quy định chung chung sẽ tạo điều kiện cho sự nhũng nhiễu cho cơ quan cấp phép, nên chúng tôi hủy bỏ và hạ tiêu chuẩn hướng dẫn viên du lịch xuống” – Bộ trưởng cho hay.
Đối với vấn đề thanh tra du lịch, Bộ trưởng giải thích, không quy định trong luật chứ không phải bỏ. Sau này, quy định về thanh tra chuyên ngành du lịch sẽ đề nghị Chính phủ có quy định chặt chẽ hơn./.