Ngày 7/12, tại thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), Hội đồng Sư cả Hồi giáo Chăm Bàni tỉnh Ninh Thuận tổ chức Đại hội lần 2, nhiệm kỳ 2011-2016.
Tham dự đại hội có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cùng các huyện, thành phố và đông đảo các vị Cả sư của 7 ngôi chùa, các tín đồ Hồi giáo Chăm Bàni sinh sống trên địa bàn các huyện trong tỉnh.
Nhiệm kỳ 2011-2016, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Chăm Bàni tỉnh Ninh Thuận đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vận động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phối hợp giải quyết các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo theo đúng pháp luật; Điều chỉnh, củng cố có hiệu quả các hoạt động nghi lễ tôn giáo quan trọng theo đúng giáo luật và pháp luật; Vận động các chức sắc, tín đồ thực hiện các nghi lễ theo tinh thần tiết kiệm, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc phù hợp với tình hình xã hội hiện nay; Củng cố, xây dựng tổ chức Hội đồng Sư cả vững mạnh, tạo niềm tin trong tín đồ Bàni giáo, xây dựng và củng cố khối giáo lý, giáo luật để phổ biến rộng rãi trong tín đồ....,
Hội đồng phấn đấu hoàn thành 70% trở lên các hoạt động mà Nghị quyết Đại hội đề ra trong nhiệm kỳ. Đại hội cũng thành lập ra các ban như Ban giáo lý; Ban kế hoạch; Ban phong tục - Ban hòa giải; Ban giám sát; Ban tài chính để cùng với Hội đồng Sư cả điều hành các hoạt động và nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo trong phạm vi của 7 ngôi chùa.
Đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được phân bổ ở khắp các vùng đồng bằng và ven biển thuộc các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải và Ninh Sơn với trên 31.000 người (5257 hộ), đa phần sinh sống bằng nghề nông. Toàn tỉnh có 7 ngôi chùa (Halau Sang Mâgik) với 114 tu sỹ, trong đó có 8 vị Sư cả phụ trách chính trong 7 ngôi chùa.
Với mong muốn "tốt đời, đẹp đạo," trong nhiệm kỳ qua, Ban thường trực Hội đồng Sư cả đã xây dựng khối đại đoàn kết khá vững chắc trong các tín đồ, tu sỹ của 7 ngôi chùa, giáo dục các tín đồ Bàni giáo chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy chế hoạt động cả Hội đồng Sư cả. Đến nay, phần lớn các tín đồ và các Sư của 7 ngôi chùa đều thực hiện tốt các quy ước đã được quy định, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, gây tốn kém trong nghi lễ, lễ tục, nhất là nghi lễ cưới hỏi, tang chế...., qua đó từng bước góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư một cách văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 29 vị chức sắc, các nhân sỹ trí thức; Ban thường trực gồm 7 vị chức sắc. Cả sư Kiều Bình, chủ trì chùa ở Thành Tín, xã Phước Hải được Đại hội tiếp tục bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Sư cả Chăm Bàni nhiệm kỳ 2011-2016./.