Chiều 21/11, tại trường Đại học Cần Thơ, Ngài Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear đã có buổi nói chuyện với giảng viên, sinh viên trường Đại học Cần Thơ, các cơ quan báo chí khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo Đại sứ Hoa Kỳ, TPP mang đến cơ hội to lớn để phát triển hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng là mang lại lợi ích cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Hoa Kỳ, Việt Nam và 10 quốc gia khác đang xây dựng một thỏa thuận tự do thương mại đa phương mang tầm thế kỷ 21 với những chuẩn mực cao sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững khắp khu vực Thái Bình Dương. Các nước hy vọng có thể hoàn tất đàm phán TPP trước cuối năm nay.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ, về ngắn hạn, những lĩnh vực Việt Nam vốn đang sở hữu lợi thế cạnh tranh như giày da và dệt may sẽ đạt được những kết quả rõ nét về mặt số lượng xuất khẩu.
Về mặt dài hạn, thành quả mang lại sẽ có tiềm năng rất lớn. Đa số những thành quả dài hạn sẽ có mối liên hệ với những lĩnh vực kinh tế mới vốn đòi hỏi phải có tay nghề và trình độ kỹ thuật cao nhưng hiện nay vẫn chưa phát triển hết quy mô hay chưa xuất hiện tại Việt Nam.
Các điều khoản trong TPP nhất quán với chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, từ doanh nghiệp nhà nước đến hệ thống ngân hàng và sở hữu trí tuệ. Các điều khoản trong Hiệp định TPP chính là những điều kiện cần để Việt Nam củng cố cam kết hội nhập và hiện đại hóa nền kinh tế.
Khi Việt Nam tiếp tục tiến trình hiện đại hóa, TPP sẽ thúc đẩy nhu cầu về nhân lực có tay nghề cao và được trang bị trình độ giáo dục cao hơn... Tự do hóa thương mại sẽ mang lại những thay đổi năng động không ngờ cho nền kinh tế. Yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công là khả năng thích nghi và phát minh sáng tạo của một quốc gia mà đây là một trong những tính cách tiêu biểu của đất nước và con người Việt Nam...
Trả lời câu hỏi của các giảng viên, sinh viên trường Đại học Cần Thơ và các cơ quan báo chí về cơ hội cũng như thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi Việt Nam tham gia TPP, Đại sứ Hoa Kỳ David Shear cho biết trước mắt, tổng sản phẩm GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 10% (dựa theo kết quả nghiên cứu của Viện Robinson - Hoa Kỳ) và các mặt hàng nông sản xuất khẩu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng mạnh vào thị trường Hoa Kỳ cũng như các nước thành viên trong những năm đầu.
Những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế rất mạnh là dệt may, da giầy và chắc chắn nguồn vốn FDI của các nước sẽ đầu tư rất mạnh vào các lĩnh vực này. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia... sẽ tăng mạnh khi Việt Nam tham gia TPP.
Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế cạnh tranh nhiều nhất so với các khu vực khác trong cả nước. Năm 2012, thương mại 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 25 tỷ USD, trong đó có 4 tỷ USD là xuất khẩu nông sản và hơn 1 tỷ USD là xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ, tăng 7% so với năm 2011 và trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.
Thành phố Cần Thơ đang có chỉ số năng lực cạnh tranh PCI năm 2012 đứng thứ 14 trên cả nước là khá cao và rất tốt. Cần Thơ cần tiếp tục đầu tư máy móc, trang thiết bị canh tác hiện đại để tăng chuỗi giá trị sản xuất cho nông dân.
Bên cạnh đó, trường Đại học Cần Thơ là 1 trong 4 trường đưa giảng viên học tập tại Hoa Kỳ để giúp đào tạo bán bộ kỹ thuật cho Việt Nam./.