Đại sứ Thụy Điển: Việt Nam đi đúng hướng trong đảm bảo bình đẳng giới

Đại sứ Ann Måwe đánh giá cao “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030” của Việt Nam, đồng thời bày tỏ ấn tượng về mục tiêu khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe phát biểu tại buổi chia sẻ về bình đẳng giới hôm 8/3. (Ảnh: Hoàng Nhương/TTXVN)

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Ann Måwe, cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong đảm bảo bình đẳng giới và đang đi đúng hướng trong lĩnh vực này.

Trao đổi với phóng viên TTXVN nhân dịp Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Đại sứ Ann Måwe bày tỏ ấn tượng trước những nỗ lực thể chế hóa bình đẳng giới tại Việt Nam.

Theo bà Ann Måwe, trong Hiến pháp năm 1946, bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam sau khi giành độc lập, quyền bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ đã được hiến định trong Điều 9 “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” và vào năm 2006, Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới.

Chủ đề bình đẳng giới cũng được chú trọng và thể hiện trong quá trình xây dựng pháp luật như Luật Dân số, Luật Hôn nhân và gia đình... Điều này cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong xóa bỏ bất bình đẳng giới.

Đại sứ Ann Måwe đánh giá cao “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030” của Việt Nam, đồng thời bày tỏ ấn tượng về mục tiêu khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp.

[UN Women đánh giá cao nỗ lực thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam]

Việt Nam phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc hoặc chủ doanh nghiệp đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Chiến lược cũng hướng tới giảm thời gian làm việc nhà của phụ nữ so với nam giới xuống 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030, cũng như lồng ghép nội dung bình đẳng giới vào chương trình học các cấp.

Tại Việt Nam phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia vào thị trường việc làm khá cao, đạt gần 70% và tương đương với tỷ lệ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bao gồm Thụy Điển.

Trong cơ cấu lực lượng lao động, phụ nữ chiếm gần một nửa, tạo ra khoảng 40% giá trị của cải cho đất nước. Đây là con số rất ấn tượng, bà Ann Måwe nhấn mạnh.

Nhà ngoại giao Thụy Điển cho rằng những nỗ lực của Việt Nam trong xóa bỏ bất bình đẳng giới thời gian qua rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, bà cũng khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cải thiện một số khía cạnh như bạo lực giới, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế-xã hội, hay tăng tỷ lệ nữ Bộ trưởng trong Chính phủ.

Thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1969, Thụy Điển triển khai hiệu quả nhiều chương trình hỗ trợ, hợp tác đa dạng với Việt Nam trong đó có bình đẳng giới. Theo Đại sứ Ann Måwe, các chương trình này đã góp phần làm nền thành quả mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua.

Đại sứ Ann Måwe cho biết, trong thời gian tới, Thụy Điển tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam thông qua Liên hợp quốc và các sáng kiến khu vực của Tổ chức Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) và thúc đẩy bình đẳng giới vẫn là một trong những lĩnh vực ưu tiên giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục