Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính TW ký Quy chế phối hợp công tác

Chiều tối 14/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng ký ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương.
Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính TW ký Quy chế phối hợp công tác ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều tối 14/12, tại Nhà Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương tổ chức Lễ ký Quy chế phối hợp công tác.

Các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì buổi lễ.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã cùng ký ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá thời gian qua, công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương không ngừng được quan tâm, củng cố, tăng cường, góp phần quan trọng trong công tác tham mưu của hai cơ quan giúp Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về các lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và công tác cải cách tư pháp; đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Những thành tựu quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nội chính và cải cách tư pháp có công sức đóng góp không nhỏ của cả Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn Quốc hội.

Riêng năm 2022, hai cơ quan đã phối hợp, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đó là Đề án “Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới,” đã trình, thông qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại Hội nghị lần thứ 6. Hiện nay, một số nhiệm vụ lớn, một số đề án lớn cũng đang trong quá trình xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và ban hành.

[Ban Nội chính TW ký quy chế phối hợp với Đảng ủy Khối các cơ TW]

Ví dụ như tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm,” tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; phối hợp tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp để phòng, chống tiêu cực; rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán …; đã sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra và Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đang sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhiều nhiệm vụ khác.

Chủ tịch Quốc hội cho biết lần này tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có điểm mới là nhiều kênh, gồm Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có giám sát trong quá trình lấy ý kiến để bảo đảm thực chất, hiệu quả, tổng hợp đầy đủ, trung thực và khách quan ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp.

Trong nhiệm kỳ khóa XV này, Quốc hội cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW về Định hướng chương trình xây dựng pháp luật, trong đó có nhiều dự án, dự thảo luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát tối cao về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát tư pháp… cần có sự tham gia tích cực, góp ý kiến sâu sắc của Ban Nội chính Trung ương, bảo đảm thể chế đúng, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cơ quan hoàn thành tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Nội chính Trung ương là hết sức cần thiết,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên cơ sở quy chế phối hợp đã được ký kết, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, quan hệ phối hợp công tác giữa hai cơ quan ngày càng bền chặt, chất lượng công tác tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương ngày càng được nâng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục