Đằng sau chính sách "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc

Bắc Kinh đã nhanh chóng yêu cầu các doanh nghiệp tăng sản lượng khẩu trang lên gấp nhiều lần và phân phối chúng cho nhiều nước đang gặp khó khăn, coi đây là vũ khí để cải thiện uy tín.
Sản xuất khẩu trang y tế N95 tại một nhà máy ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Sản xuất khẩu trang y tế N95 tại một nhà máy ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo chí Pháp, sau khi bị cộng đồng thế giới chỉ trích là nguyên nhân để dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) lan rộng, Trung Quốc gần đây bắt đầu một chiến dịch toàn cầu nhằm xóa đi hình ảnh không đẹp trong con mắt của dư luận.

Bắc Kinh đã nhanh chóng yêu cầu các doanh nghiệp tăng sản lượng khẩu trang lên gấp nhiều lần và sử dụng mặt hàng này làm vũ khí để cải thiện uy tín.

Mặc dù chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, nhưng Trung Quốc vẫn cố gắng phân phối khẩu trang, dụng cụ chẩn đoán nhanh virus cùng các trang thiết bị y tế cho nhiều nước đang gặp khó khăn.

Đầu tháng 2/2020, Iran đã cố "vét" trong kho dự trữ 1 triệu khẩu trang gửi sang Trung Quốc. Đến cuối tháng, họ được Trung Quốc tặng lại 250.000 chiếc. Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước đã trao nhiều triệu khẩu trang cho Trung Quốc vào thời điểm dịch mới bùng phát, mới đây cũng nhận lại hàng trăm nghìn chiếc khẩu trang từ Trung Quốc.

Ngoài quà tặng của chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc cũng được kêu gọi hỗ trợ các nước. Tỷ phú Jack Ma, chủ tập đoàn Alibaba, ngày 2/3 đã thông báo trao 1 triệu khẩu trang cho Nhật Bản và Iran.

Báo chí Trung Quốc đưa tin đã xuất hiện một số hoạt động của sinh viên Trung Quốc trao khẩu trang miễn phí trên đường phố Nagoya (Nhật Bản) trong khuôn khổ hoạt động trao đổi giữa các trường đại học hai nước.

Đây là một cử chỉ để bày tỏ thiện chí của Trung Quốc, bắt đầu từ châu Á rồi mở rộng ra các khu vực khác, sau những căng thẳng địa chính trị bắt nguồn từ dịch COVID-19.

Giữa lúc quan hệ Trung-Hàn đang ở vào giai đoạn nồng ấm, dịch bệnh lại bùng phát. Seoul đã không áp đặt quy định cách ly những người đến từ Trung Quốc.

Tương tự, Nhật Bản trước đó cũng dự kiến sẽ đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng Tư, chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu nước Trung Quốc kể từ năm 2008 sau nhiều năm quan hệ Trung-Nhật lạnh nhạt. Tuy vậy, chuyến thăm này đã bị tạm hoãn vì COVID-19.

Trong những tuần đầu tiên diễn ra dịch, Trung Quốc đã tỏ thái độ phẫn nộ khi nhiều nước - nhất là Mỹ và cả Nga, đóng cửa biên giới hoặc kỳ thị người mang quốc tịch Trung Quốc.

Trong buổi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Foxx News ngày 26/2, Peter Navarro - Cố vấn Thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói Bắc Kinh đã “áp đặt hạn chế xuất khẩu khẩu trang N95 (loại tốt nhất), vốn được tập đoàn 3M của Mỹ sản xuất tại Trung Quốc”, khiến cho Mỹ không còn nhận được hàng nữa. Nói cách khác, Trung Quốc “đã quốc hữu hóa các nhà máy” của Mỹ.

Sau đó hơn 1một tuần, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phải cải chính, cho biết “không áp đặt bất cứ hạn chế nào” đối với hoạt động xuất khẩu khẩu trang được sản xuất ở Trung Quốc.

[Trung Quốc sẽ cử chuyên gia y tế đến Italy hỗ trợ kiềm chế dịch bệnh]

Từ vài ngày nay, báo chí Trung Quốc đã dành nhiều trang viết để đề cập tới sự bùng nổ của ngành dệt may khẩu trang. Mỗi ngày, có tới 1,66 triệu khẩu trang N95 xuất xưởng, gấp 5 lần so với hồi đầu tháng 2/2020. Sản lượng khẩu trang tất cả các loại gộp lại lên đến 110 triệu chiếc/ngày, gấp 12 lần thời kỳ đầu tháng 2/2020.

Một bài báo khá dài trên trang web của cơ quan chống tham nhũng xuất bản ngày 3/3 mô tả sự đi lên của ngành công nghiệp khẩu trang là “mật mã Trung Quốc” và “vũ khí bí mật."

Chen Daoyin - nhà nghiên cứu chính trị độc lập, nguyên Giáo sư của trường Đại học Chính trị và Luật Thượng Hải, nhận định “khẩu trang đã trở thành vật biểu tượng cho cuộc chiến chống dịch bệnh. Qua việc trao tặng cho nước ngoài, Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng công xưởng thế giới vẫn có khả năng sản xuất rất lớn."

Theo ông, dịch bệnh bùng phát đã làm dấy lên rất nhiều câu hỏi tại Trung Quốc cũng như nước ngoài về “cộng đồng chung vận mệnh” mà Trung Quốc hứa hẹn, về các rủi ro đối với những nước khác nếu "bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ" khi đầu tư sản xuất nằm hết ở Trung Quốc. Hiện nay, khi dịch bệnh tại Trung Quốc đã ổn định còn thế giới bước vào giai đoạn hai, “Bắc Kinh tăng gấp đôi nỗ lực để tái tạo hình ảnh lãnh đạo của mình."

Đằng sau chính sách "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc ảnh 1Sản xuất khẩu trang y tế tại một nhà máy ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trên nhật báo Công giáo La Croix, chuyên gia về Trung Quốc Dorian Malodic cho biết từ một tuần nay, Bắc Kinh đã tung ra một chiến dịch ngoại giao và truyền thông lớn nhằm xóa đi thời điểm chính xác bắt đầu dịch bệnh cũng như nguồn gốc của COVID-19.

Trong con mắt của ban lãnh đạo, việc Trung Quốc bị xác định là nguồn gốc của COVID-19 là điều không thể chấp nhận. Tất cả những gì liên kết Trung Quốc với COVID-19 đều phải được xem lại và không được tồn tại trong các sách vở lịch sử.

Các đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài đều phải truyền bá qua tài khoản Twitter hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng nước sở tại thông điệp: “Nếu virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã phát tán từ Vũ Hán, nguồn gốc thực sự của nó vẫn chưa rõ. Chúng ta đang trong quá trình nghiên cứu xem nó xuất phát chính xác từ đâu."

Theo tinh thần này, các nhà ngoại giao Trung Quốc còn phải nhấn mạnh rằng “chợ mua bán động vật Vũ Hán (hiện giờ đã hoàn toàn được tẩy rửa và có thể bị phá dỡ) mà người ta ban đầu tưởng rằng là nguồn gốc của dịch bệnh” không phải là ổ dịch đầu tiên.

Các phương tiện thông tin đại chúng chính thức cũng đưa nhiều tin về hàng chục trường hợp “nhập khẩu” người bệnh từ nước ngoài, Iran, Italy… vào Trung Quốc, gây ra cảm giác chính người nước ngoài đang làm cho Trung Quốc nhiễm bệnh, trong khi thực tế đó là người nước họ trở về.

Ngoài ra, còn nhiều thông điệp chính thức khác lên tiếng yêu cầu thế giới “phải cảm ơn Trung Quốc” vì những hy sinh mà nước này chấp nhận trong cuộc chiến chống dịch bệnh và vì nước này đã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

Tự đánh giá bản thân, tờ Hoàn cầu Thời báo - một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định rằng các nước châu Âu “không thể đưa ra các biện pháp triệt để mà Trung Quốc đã làm"./.
 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục