Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán có bản lĩnh chính trị, đạo đức

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu ngành Tòa án cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán có bản lĩnh chính trị, đạo đức trong sáng và trách nhiệm bảo vệ công lý.
Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán có bản lĩnh chính trị, đạo đức ảnh 1Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 30/9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao về công tác Tòa án.

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương tham gia buổi làm việc.

Trình bày Báo cáo thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án trong 10 tháng năm 2014, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đặc biệt nhằm chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, Tòa án nhân dân tối cao đã xác định và chỉ đạo các Tòa án thực hiện tốt ba giải pháp đột phá. Đó là tiếp tục thực hiện tốt tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.

Ngành Tòa án đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan tới công tác Tòa án; tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án tiếp tục được đảm bảo và tiến bộ.

Các Tòa án đã giải quyết 286.614/375.412 vụ án các loại; số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Việc xét xử các vụ án hình sự chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo đúng pháp luật, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự thụ lý 74.546 vụ án hình sự với 133.254 bị cáo; trong đó đã giải quyết, xét xử 64.620 vụ án với 113.478 bị cáo.

Các Tòa án đã hòa giải thành công 108.747 vụ án dân sự, tăng 7.400 vụ so với cùng kỳ năm trước. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 6.993 vụ án hành chính, trong đó đã giải quyết, xét xử 3.929 vụ.

Tòa án các cấp đã triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử, đảm bảo những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết 5.012/10.659 đơn, vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Tòa án nhân dân tối cao đã xem xét 53 trường hợp có đơn kêu oan, ở mức phạt tù từ 20 năm đến tử hình...

Các Tòa án tiếp tục được củng cố, kiện toàn về đội ngũ cán bộ lãnh đạo và biên chế. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là Thẩm phán tiếp tục được nâng lên cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống.

Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng tại các Tòa án luôn được quan tâm, chú trọng. Đảng ủy Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; thông tin đầy đủ, kịp thời cho cán bộ, đảng viên về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kết luận buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ghi nhận và biểu dương những thành tích, kết quả công tác của các Tòa án trong thời gian qua.

Nhất trí với phương hướng và các giải pháp thời gian tới của Tòa án nhân dân tối cao, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị các Tòa án đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án; khắc phục việc để các vụ án quá hạn luật định và hạn chế mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án.

Các Tòa án cần đảm bảo những phán quyết đều đúng luật; kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm.

Các Tòa án cần thực hiện tốt ba nguyên tắc đã được hiến định là nguyên tắc tranh tụng; nguyên tắc độc lập; nguyên tắc suy đoán vô tội.

Trong xét xử các vụ án dân sự, kinh tế, Tòa án phải đảm bảo khách quan, thực hiện nghiêm những quy định về thời hạn xét xử; làm tốt công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ thể phải được tôn trọng, bảo vệ.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh lưu ý, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục tập trung chỉ đạo làm tốt việc chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); các luật tố tụng tư pháp, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quy định mới của Hiến pháp và các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp.

Ngành Tòa án tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Trong đó, ngành Tòa án cần tập trung phối hợp với các cơ quan xây dựng mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy Tòa án bốn cấp; xác định cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Tòa án, theo nguyên tắc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nhưng không ảnh hưởng tới việc độc lập xét xử.

Ngành Tòa án cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và tuyển chọn đội ngũ Thẩm phán có bản lĩnh chính trị, gương mẫu, đạo đức trong sáng, kỹ năng xét xử và trách nhiệm bảo vệ công lý.

Ngành tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức Đảng tại các Tòa án trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục