Quy định 132-QĐ/TW: Đặt tính liêm chính của cán bộ lên hàng đầu

Đặt tính liêm chính của cán bộ trong chống tham nhũng lên hàng đầu

Nhiều ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô đánh giá cao về Quy định số 132-QĐ/TW, cho rằng đây là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặt tính liêm chính của cán bộ trong chống tham nhũng lên hàng đầu ảnh 1Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án về chuyến bay giải cứu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 132-QĐ/TW (Quy định số 132), ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Nhiều ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô đã đồng tình, đánh giá cao việc ban hành Quy định này và cho rằng đây là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Quy định nhấn mạnh tới tính liêm chính của các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này phải được đặt lên hàng đầu.

Minh bạch tối đa các hoạt động tố tụng

Ông Phạm Văn Dũng (Kiểm sát viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành Quyền Công tố và Kiểm sát Điều tra Án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) cho rằng Nhà nước đang trong lộ trình đảm bảo cuộc sống của công chức nói chung và khối tư pháp nói riêng để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.

Bản thân công chức tư pháp được giao quyền rất lớn liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đến sinh mệnh chính trị của người khác… đòi hỏi phải song hành quyền được giao với việc đảm bảo sinh mệnh chính trị của những người thuộc diện tiến hành điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Để đạt được điều này, Phó Vụ trưởng Vụ 5 Phạm Văn Dũng nhấn mạnh đến tính liêm chính trong cán bộ tư pháp phải đặt lên hàng đầu, không liêm chính không thể thực hiện được các nội dung mà Quy định số 132 đặt ra.

[Quy định 132 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực]

Theo ông Phạm Văn Dũng, nếu cán bộ tư pháp thực hiện được tính liêm chính sẽ giải quyết đồng thời 2 vấn đề: chỉ đạo trong sáng, minh bạch từ cấp trên tác động xuống và tác động ngược của cán bộ đó lên cấp trên.

Cụ thể, cán bộ tư pháp đó sẽ không phải e ngại trong thực hiện chức trách khi có những chỉ đạo có động cơ mục đích không trong sáng, không đúng đắn của thủ trưởng cấp trên. Đồng thời, bản thân người cán bộ liêm chính đó sẽ loại trừ được những đề xuất sai trái của chính cán bộ đó lên trên, thuận theo ý của lãnh đạo chỉ đạo xuống. Nếu ngay thẳng, sẽ không chịu sự tác động đó và như vậy người cán bộ sẽ thực hiện đúng quyền tư pháp được Nhà nước giao.

Nhằm phòng ngừa, hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Phó Vụ trưởng Vụ 5 Phạm Văn Dũng khẳng định cần phải có cơ chế buộc người cán bộ tư pháp “không dám và không thể” tiêu cực.

Ông Phạm Văn Dũng phân tích thông qua bộ công cụ thiết chế của Nhà nước đưa ra gồm: Kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, chế tài hình sự… sẽ là những rào cản khiến người cán bộ không dám thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Mặt khác, để cán bộ tư pháp không thể thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, đòi hòi phải minh bạch trong các hoạt động tư pháp, minh bạch trong nội bộ, minh bạch trong tổ chức của cơ quan, đơn vị.

Khi các hoạt động tố tụng được minh bạch, cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ thì khó có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Nếu để mù mờ, không rõ ràng, cụ thể, không minh bạch các hoạt động… thì cán bộ tư pháp vẫn có kẽ hở, có cơ hội để tham nhũng, tiêu cực.

Ông Phạm Văn Dũng lấy ví dụ trong quá trình kiểm sát điều tra, hỏi cung bị can, đối với các vụ án lớn trong giai đoạn truy tố, án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng Tiêu cực, lãnh đạo Vụ 5 bố trí 2 kiểm sát viên cùng 1 điều tra viên để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động nghiệp vụ chuyên môn.

Việc giao quyền nếu chỉ tập trung trong 1 điều tra viên hoặc 1 kiểm sát viên sẽ dễ dẫn tới nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Hay đơn giản như việc kiểm sát viên chính của vụ án muốn triệu tập bị can hoặc người có liên quan trong vụ án cũng phải qua cơ chế kiểm soát.

Giấy triệu tập được quản lý hệ thống văn thư, phòng tổng hợp lưu giữ, giúp cho thủ trưởng có thể kiểm soát được từ những hoạt động nhỏ này. Điều này tạo cho hoạt động điều tra, kiểm sát được tiến hành theo cơ chế mở, không bị cản trở, ảnh hưởng đến tiến độ công việc, nhưng vẫn được rõ ràng, minh bạch.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ ngành Kiểm sát cần phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.”

Chuẩn mực “công minh” đòi hỏi người cán bộ kiểm sát phải luôn công bằng và sáng suốt trong công việc, làm đúng theo lẽ phải, không vì tiền tài, vật chất, lợi ích riêng tư hoặc sự tác động nào để làm trái pháp luật.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ Viện Kiểm sát nói riêng, cán bộ tư pháp nói chung đã phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện. Tuy nhiên, cũng có những cán bộ tư pháp bị sa ngã, lợi dụng sự hiểu biết pháp luật để thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng. Đối với những trường hợp này, yêu cầu phải bị xử lý ở mức cao hơn so với những người khác.

Theo ông Phạm Văn Dũng, việc xử lý các cán bộ ngành tư pháp về hành vi tham nhũng tiêu cực, xét trên 2 phương diện ngắn hạn và dài hạn có những tác động khác nhau. Trên phương diện ngắn hạn, việc xử lý này là gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành và các cán bộ tư pháp khác, đồng thời gây ra những hiệu ứng không tốt trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện dài hạn sẽ là rất tốt, giúp thanh lọc đội ngũ cán bộ có sai phạm, tạo ra nhận thức chung trong đội ngũ cán bộ tư pháp, xây dựng niềm tin trong nhân dân.

Tăng giám sát, phản biện của xã hội

Đồng tình với ý kiến của Phó Vụ trưởng Vụ 5 Phạm Văn Dũng, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cần tăng tính công khai minh bạch và mở rộng sự tham gia của các bên trong hoạt động tố tụng.

Đặt tính liêm chính của cán bộ trong chống tham nhũng lên hàng đầu ảnh 2Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Cục An ninh Điều tra, Bộ Công an) trong vụ án về chuyến bay giải cứu lĩnh án chung thân. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Cụ thể, đối với việc công khai tính minh bạch, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt lấy ví dụ cần phải tăng chất lượng tranh tụng tại phiên tòa thông qua vai trò của các luật sư, nghiên cứu để tăng cường tính độc lập trong tố tụng, đảm bảo thu nhập cho cán bộ tư pháp đủ dưỡng liêm.

Đặc biệt, người cán bộ tư pháp phải đảm bảo không phụ thuộc vào ảnh hưởng chính trị trong quan hệ công tác từ cơ quan, lãnh đạo cùng cấp hay cấp trên. Để làm được điều này, theo Tiến sỹ Việt, nhiệm kỳ tốt nhất cho những người “cầm cân nảy mực” là vĩnh viễn. Việc minh bạch này cần được công khai và cần thiết sẽ phải giải trình nếu như có phản ánh tiêu cực liên quan.

Về mở rộng sự tham gia của các bên trong hoạt động tố tụng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nêu quan điểm, nếu có thể thì nên thí điểm xã hội hóa từng phần các hoạt động tư pháp, như hoạt động công chứng là một ví dụ xã hội hóa khá thành công.

Trừ nhóm tội danh về xâm phạm an ninh quốc gia và các tội danh đặc thù, liên quan đến bí mật đời tư, thuần phong mỹ tục khác… thì nên chăng mở rộng cho các nhà báo có quyền tiếp cận rộng và sớm hơn trong các giai đoạn điều tra, thu thập thông tin,...

Nhắc đến vụ án “Chuyến bay giải cứu” với việc một số cán bộ, lãnh đạo ngành Công an bị đưa ra truy tố, xét xử và kết án, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt cho rằng vụ án này thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ tư pháp nói riêng.

Điều này thể hiện về việc không tạo vùng cấm, gạt bỏ tâm lý “hạ cánh mềm” đối với một số cán bộ sa ngã. Từ đó, răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, nhất là tham nhũng hệ thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục