Dâu quê “đối mặt” mẹ chồng khi trở về từ phố

Nhiều mẹ chồng khắt khe không hẳn để chứng tỏ quyền uy của mình, chỉ vì "thương con xót cháu" đã vô tình tạo ra mâu thuẫn với con dâu.
Tốt nghiệp đại học, chị Hà ở Nghĩa Hưng, Nam Định kết hôn với người cùng quê. Sau đó, anh chị thuê nhà và làm việc ở Hà Nội. Do công việc bận rộn nên chỉ dịp lễ Tết hay có công việc gì vợ chồng chị mới về quê thăm gia đình. Những tưởng thời gian ít ỏi về quê sẽ là dịp để cả gia đình cùng vui vẻ sum họp nào ngờ sau mỗi chuyến về chị Hà lại cảm thấy ấm ức.

Nỗi niềm con dâu

Giống như chị Hà, chị Hưng ở Kim Sơn, Ninh Bình cũng không ít lần mang tâm trạng buồn bực sau những chuyến về thăm quê. Chị hay bị gia đình nhà chồng soi xét và coi là “hiện đại” quá.

Chị Hưng không nhuộm tóc khác màu đen truyền thống và cũng không làm xoăn, ép thẳng như nhiều bạn trẻ khác. Quần áo của chị chẳng đến nỗi “kín cổng cao thành” nhưng cũng chưa từng bị ai xếp vào hàng “mát mẻ’. Chị chỉ có đôi giầy đôi, dép cao gót, mà theo chị kể thì gái quê cũng rất nhiều người đi dép cao gót.

Mặc dù nhiều năm sống trên phố chị đã quen cái nếp ngủ đến sáu rưỡi, bảy giờ sáng mới dậy nhưng lần nào về quê chị cũng cùng mẹ chồng dậy từ hơn năm giờ sáng để thổi cơm nấu nước rồi cám bã cho con lợn, con gà. Hàng xóm có khen chị lên phố lâu ngày mà vẫn giữ được nếp quê thì chị cũng chỉ cười đáp “vì cháu sinh ra từ quê mà.” Khổ nỗi bố mẹ chồng chị lại không ghi nhận điều này.

Chị cho rằng, có lẽ nguyên nhân để bố mẹ chồng không thích chị là mỗi lần về quê, ngoài dành thời gian cho nhà nội, anh chị còn đi thăm viếng anh em đôi bên và gặp gỡ bạn bè trong khi các cụ chỉ muốn giữ rịt con ở nhà và nhất cử nhất động phải theo ý họ.

“Dù nhiều khi phát mệt vì phải theo ý của bố mẹ chồng nhưng mình vẫn cố gắng chiều các cụ dù sao năm cũng chỉ về nhà có mấy lần. Nhưng các cụ lại không chịu hiểu cho mình. Thành ra, cứ mỗi lần nói đến về quê mình lại cảm thấy nặng nề,” chị Hưng tâm sự.

Ở một trường hợp khác, chị Lan ở Ninh Trực, Nam Định cũng than vãn về việc bố mẹ chồng chỉ muốn giữ khư khư vợ chồng và con chị ở nhà. Do vậy, dù nhà bố mẹ đẻ chị chỉ cách nhà chồng ba kilômét nhưng rất khó để ngồi lâu lâu tâm sự với bố mẹ. Lần nào chị về thăm bố mẹ mình cũng chỉ được một lúc là đã có điện thoại của bố mẹ chồng giục về.

“Biết rằng ở quê quan niệm con gái đi lấy chồng là người của nhà chồng, là khách của nhà mình nhưng bố mẹ chồng chặt chẽ quá đôi khi mình cảm thấy mất quyền tự do,” chị Lan tỏ ra bức xúc.

Không ít những cô gái bỏ sau lưng cánh đồng và lũy tre làng lên phố học hành, làm việc. Họ bắt được lối suy nghĩ và cách sống hiện đại hơn. Tuy không vứt bỏ truyền thống nhưng khi mang suy nghĩ cởi mở về quê bỗng dưng họ bị “lệch tông” với bố mẹ chồng. Dù không phải là những việc “đao to búa lớn” nhưng cũng ảnh hưởng đến sự đầm ấm của gia đình.

Cần đặt mình vào hai phía

Trong lúc các nàng dâu cảm thấy ấm ức vì bị bố mẹ chồng “xâm phạm” quyền tự do thì tâm trạng của những bà mẹ chồng cũng chẳng lấy gì làm thoải mái.

Bà Hồng ở Kim Sơn, Ninh Bình kể, bà có hai người con đều đã xây dựng gia đình. Con gái bà làm dâu làng bên. Do cả hai vợ chồng chị đều làm ruộng ở quê nên sống cùng bố mẹ chồng. Vợ chồng con trai bà thì làm việc trên Hà Nội.

“Con gái mình đi làm dâu thiên hạ suốt ngày cung phụng người ta, còn con gái thiên hạ mang tiếng làm dâu nhà mình nhưng lại sống ở xa một năm mới về được vài ba lần, mỗi lần cũng chỉ được mấy ngày. Một năm tôi cũng chỉ được làm mẹ chồng mấy ngày thôi…,” bà Hồng than vãn.

Tuy nhiên, không phải ai khắt khe với con dâu cũng chỉ vì muốn chứng tỏ quyền uy của mẹ chồng. Có người vì thương con xót cháu một cách thái quá cũng vô tình tạo ra mâu thuẫn với con dâu.

Như trường hợp của bà Nhĩ ở Nghĩa Hưng, Nam Định là một ví dụ. Bà Nhĩ có ba người con thì hai người con sau đều đi làm ăn tận trong miền Nam, mấy năm mới về một lần. Còn vợ chồng cậu con cả tuy có gần hơn nhưng cũng làm việc trên Hà Nội cách nhà hơn trăm kilômét, lại bận công việc nên cũng ít về quê thăm bố mẹ. Vì vậy, lần nào vợ chồng con trai trưởng về là bà làm mọi cách giữ khư khư chúng cho gia đình mình chứ không muốn san sẻ tình cảm của con với những người khác.

“Về quê vợ chồng thằng cả cũng phải lên nhà ngoại cho phải phép nhưng nhà bà trên đó đông con nhiều cháu nên thiếu đứa nọ còn đứa kia chứ nhà tôi mà không có chúng nó thì còn ai?” bà Nhĩ biện luận cho việc “giữ” con của mình.

Không riêng gì bà Hồng, bà Nhĩ, chẳng ít mẹ chồng ở quê có con dâu đi làm xa cũng muốn con cháu là “của riêng” nhà mình. Mặc dù vậy, không phải người con dâu nào cũng ngoan ngoãn nghe theo sự “kèm cặp” của mẹ chồng. Do đó, đã nhiều trường hợp con dâu phản kháng lại mẹ chồng dẫn đến cãi vã nhau trong gia đình. Ngay cả những trường hợp con có nghe theo lời mẹ thì dường như cũng chỉ là sự nín nhịn cho “êm” chuyện còn bên trong họ nuôi sự phản kháng có thể bung ra bất cứ lúc nào.

Theo chuyên viên tâm lý Minh Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, để giải quyết vấn đề này, cả mẹ chồng và nàng dâu cần phải đứng trên lập trường của người kia để hiểu nhau hơn. Nhất là những nàng dâu đã được tiếp thu tư tưởng hiện đại thì họ càng phải hiểu, họ sẽ không dễ gì thay đổi được mẹ chồng. Do đó, chính các nàng dâu phải có ứng xử phù hợp trước. Họ nên tránh những thái độ, hành vi gây khó chịu cho bố mẹ chồng ví như những thói quen ở cuộc sống đô thị. Bên cạnh đó, các chị cần tạo điều kiện để ông bà gần gũi cháu cũng như tâm sự với chồng để chồng có tiếng nói trong gia đình. Khi các nàng dâu cư xử đúng mực, chân thành, cởi mở sẽ lấy được sự tin tưởng và thông cảm của bố mẹ chồng.

Chuyên viên tâm lý cũng mong các bà mẹ chồng hãy nhìn thoáng hơn về con dâu bởi cuộc sống hiện đại, mỗi cá nhân cần được giao tiếp chứ không nên bó hẹp ở một vài mối quan hệ./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục