Đẩy lùi nhập siêu, xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu tháng Chín lấy lại đà tăng trưởng đã góp phần kéo nhập siêu xuống mức thấp nhất trong các năm qua.


Tại buổi giao ban xuất nhập khẩu tháng 9 do Bộ Công Thương chủ trì ngày 1/10 cho thấy, trong tháng Chín xuất khẩu đã lấy lại đà tăng trưởng với nhiều mặt hàng tiếp tục vượt 1 tỷ USD như: gạo, da giày, dệt may…đã góp phần kéo nhập siêu xuống mức thấp nhất.

Đẩy lùi nhập siêu

Theo số liệu ước tính của Bộ Công thương, xuất khẩu tháng Chín đạt 6,1 tỷ USD tăng 32% so với cùng kỳ năm 2009 và tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 51,5 tỷ USD tăng 23,2%.

Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 27 tỷ USD, tăng 26,5%; xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp nhà nước đạt 24,15 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ.

Mặc dù khoáng sản và dầu thô là hai mặt hàng có kim ngạch giảm sút nhưng bù lại nhóm hàng nông lâm thủy sản với kim ngạch 10,7 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ và nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng tăng 33,3% góp phần đưa kim ngạch chung tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, bên cạnh sự tăng trưởng về lượng thì đại đa số các mặt hàng nông lâm thủy sản đều được lợi về giá.

Cụ thể, thủy sản tăng 13% về lượng, rau quả tăng 3,6%; còn chè tăng gần 30% về lượng và 17% về giá; hạt tiêu dù giảm 7,4% về lượng nhưng đạt tăng giá ở mức 26,8%. Đặc biệt đối với mặt hàng gạo dù giá cả biến động thất thường nhưng về lượng chỉ tăng 12% nhưng giá lại tăng trên 15,2%.

Bên cạnh đó nhóm hàng công nghiệp và công nghiệp chế biến trong 9 tháng cũng có mức tăng cao nhất trong ba nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, như hóa chất tăng gần 200%; sản phẩm hóa chất tăng gần 50%; sản phẩm chất dẻo tăng 28,4%; sản phẩm từ cao su tăng 84,4%.

Điểm sáng của xuất khẩu 9 tháng qua chính là dệt may, với kim ngạch đạt trên 8 tỷ USD và tự tin trở thành mặt hàng đầu tiên về đích sớm.

Ông Lê Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, với đơn hàng đã được ký đến hết năm, thậm chí cho đầu năm 2011 nên mục tiêu 10,5 tỷ USD đề ra sẽ hoàn thành trước tiến độ một tháng.

Ngoài ra, còn thêm nhiều mặt hàng cũng tham gia câu lạc bộ 1 tỷ USD như da giày đạt 3,6 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 23,1%, phương tiện vận tải và phụ tùng cũng đã đạt trên 1 tỷ USD, máy móc thiết bị phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD, tăng 55%...

Về nhập khẩu, với tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước khoảng 7,15 tỷ USD, lũy kế 9 tháng đầu năm 2010 là 60,08 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trong tháng chín nhưng cán cân nhập siêu ước chín tháng khoảng 8,85 tỷ USD, bằng xấp xỉ 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu là tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong các năm qua.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho rằng, Từ tháng 8 đến hết năm 2010, kim ngạch nhập khẩu thường tăng cao, để hạn chế tình trạng này, các bộ ngành sẽ đẩy nhanh việc xây dựng qui chuẩn cho các mặt hàng nhập khẩu, kết hợp với việc lên danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được nhằm hạn chế việc nhập siêu, bình ổn thị trường trong nước.

Sẽ về đích đúng hẹn


Bộ Công Thương cho rằng, để đặt mức tăng trưởng xuất khẩu 7% tương đương con số 61 tỷ USD trong năm 2010 thì mỗi tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu phải đạt mức bình quân  trên 3 tỷ USD.

Đại diện Hiệp hội gỗ Việt Nam kiến nghị, khi phát triển thị trường mới, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá giúp doanh nghiệp có chỗ đứng tại thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra khi đàm phán các hiệp định thương mại song phương, cần có những lưu ý giúp doanh nghiệp có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu. Đơn cử như dệt may, ông Lê Văn Đạo cho rằng, khi đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) với Hoa Kỳ cần có lộ trình giảm thuế cần thiết từ 1- 2 năm để doanh nghiệp Việt Nam có thể hòa nhập được.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định, sẽ làm việc với các hiệp hội ngành hàng để có những biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu.

Bên cạnh đó Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục rà soát các thủ tục xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thông thoáng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất gia công hàng xuất khẩu.

Trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, thứ trưởng cũng đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần đảm bảo tối đa cho các doanh nghiệp và tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuất khẩu.

Việc bị áp thuế sơ bộ chống bán phá giá cá ba sa, tra Việt Nam của Mỹ lên tới 130% Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương và Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) đang tích cực tìm hướng giải quyết để bảo vệ các doanh nghiệp thủy sản.

Theo đó, trong tháng 10, VASEP sẽ hoàn tất việc chứng minh các số liệu liên quan đến giá thành xuất khẩu mặt hàng này với Mỹ cũng như chứng minh năng lực sản xuất và các giá cá tra, cá ba sa của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không vi phạm các cam kết quốc tế.

Ngoài ra, để kiểm soát nhập siêu, thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm…kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường không để sốt hàng, số giá./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục