Trong cuộc trò chuyện với nhật báo Ouest-France của Pháp mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay ở châu Âu giống như những năm 30 của thế kỷ trước, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu "tỉnh táo" để chống lại những thách thức này.
Những cảnh báo trên của ông Macron được đưa ra ngay trước thời điểm Pháp tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới I (từ ngày 4-10/11 tại thủ đô Paris), với sự tham dự của khoảng 100 nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Theo người đứng đầu nước Pháp, châu Âu đang bị chia rẽ bởi những nỗi sợ hãi, sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc, hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Đây chính là những hình ảnh của châu Âu ngay sau Chiến tranh Thế giới I đến cuộc khủng hoảng năm 1929.
Châu Âu ngày nay đang phải đối mặt với nguy cơ "mất chủ quyền," bị chia rẽ và bị đe dọa trước những cường quốc bên ngoài.
Giải thích về nguy cơ này, Macron cho rằng châu Âu đang phụ thuộc vào Mỹ về vấn đề an ninh và phải chứng kiến một nước Trung Quốc ngày càng hiện diện sâu rộng trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng thiết yếu, một nước Nga đầy toan tính cũng như những lợi ích to lớn về tài chính và những thị trường đôi khi vượt xa tầm với của các quốc gia thành viên.
Để đối phó với những thách thức trên, Macron đã chỉ ra 3 mục tiêu của châu Âu thời gian tới.
Thứ nhất, các nước châu Âu cần dành thời gian cho các cuộc tranh luận và tái lập lòng tin. Ngày nay, các cuộc tranh luận ở châu Âu thường được coi là quá xa vời và mang tính kỹ thuật mà không quốc gia nào có thể thực sự can thiệp.
Châu Âu sẽ cần phải tổ chức các cuộc tranh luận rộng rãi về những ưu tiên của khu vực, dựa trên nội dung hành động của liên minh.
[Pháp tổ chức nhiều sự kiện kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến 1]
Để chuẩn bị cho các cuộc tranh luận này, các chính phủ châu Âu cần xây dựng một lộ trình ngắn, với một số thách thức chung và các hành động cụ thể, nêu rõ các ưu tiên của liên minh về hành động và tiến độ thực hiện trong 5 năm tới.
Thứ hai, cần phải củng cố Liên minh châu Âu (EU) về 5 khía cạnh liên quan đến vấn đề "chủ quyền."
Về an ninh, châu Âu phải đảm bảo vấn đề biên giới của các thành viên trong khi vẫn tôn trọng các giá trị của khu vực. Châu Âu sẽ phải tăng cường lực lượng cảnh sát biên giới, với biên chế có thể lên tới 5.000 quân của Cơ quan bảo vệ bờ biển và biên giới châu Âu mới nhằm kiểm soát chặt chẽ lượng người nhập cư trái phép và chống buôn lậu.
Bên cạnh đó, châu Âu cũng sẽ thành lập một quỹ quốc phòng để mua sắm và nghiên cứu, phát triển các loại trang thiết bị quân sự chung; xây dựng một bộ máy thường trực chịu trách nhiệm đối với kế hoạch và kiểm soát các chiến dịch quốc phòng châu Âu với sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chỉ huy của NATO; thành lập một Hội đồng an ninh châu Âu, trong đó tập hợp các chỉ huy quân sự chủ đạo, các nhà ngoại giao và sỹ quan tình báo của các quốc gia thành viên…
Về tăng trưởng, châu Âu cần thành lập ngân sách khu vực đồng tiền chung (eurozone) với ba chức năng là đầu tư cho tương lai, hỗ trợ tài chính khẩn cấp và giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Để điều hành quỹ này, châu Âu sẽ phải bổ sung một vị trí bộ trưởng kinh tế và tài chính của eurozone dưới sự giám sát của Nghị viện eurozone.
Về toàn cầu hóa, châu Âu sẽ xây dựng cơ chế bảo vệ cho các doanh nghiệp của mình chống lại các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của một số quốc gia như Trung Quốc hay Ấn Độ, đặc biệt sẽ áp dụng một công cụ kiểm soát đầu tư nước ngoài ở châu Âu để bảo vệ cho những lợi ích và lĩnh vực chiến lược của khu vực.
Về phát triển bền vững, châu Âu cần phải cải cách thị trường than châu Âu bằng việc xác định giá sàn cho một tấn than; thực hiện tốt hơn chính sách nông nghiệp chung như xây dựng cơ chế ổn định nguồn thu phù hợp với từng ngành (trợ cấp theo chu kỳ, điều tiết sản xuất…) và khuyến khích một nền nông nghiệp tôn trọng môi trường hơn.
Về một châu Âu kỹ thuật số, châu Âu sẽ thúc đẩy thành lập Quỹ tài trợ vốn rủi ro châu Âu (khoảng 5 tỷ euro) để đồng hành cùng với sự gia tăng các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số khu vực.
Châu Âu cũng sẽ phải đàm phán lại với đối tác Mỹ "Privacy Shield" khung bảo vệ dữ liệu để đảm bảo việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của tất cả công dân của mình.
Cuối cùng, cần phải tăng cường bản sắc châu Âu thông qua những thành tựu thực tế. Rõ ràng, kể từ khi ra mắt chương trình Erasmus vào năm 1987 (chương trình trao đổi sinh viên của EU), EU đang bị thiếu các sáng kiến độc đáo để tạo nên một bản sắc chung cho các thế hệ mới.
Trong bối cảnh này, châu Âu cũng sẽ phải đẩy mạnh hoạt động trao đổi với các nước Địa Trung Hải./.