Đền Mẫu Âu Cơ thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa Phú Thọ là nơi thờ phụng, tưởng nhớ công ơn Mẹ Âu Cơ, người mẹ huyền thoại, linh thiêng, huyền diệu có công đầu trong việc khai hoang, mở cõi của dân tộc của muôn dân đất Việt.
Chuyện xưa kể rằng: Thuở ấy, vợ chồng Đế Lai ở Động Lăng Xương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) sinh được người con gái yêu tên là Âu Cơ. Khi Âu Cơ cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm tỏa ngát, trên trời có mây lành che chở, điềm báo “tiên nữ giáng trần." Âu Cơ lớn lên ngày càng xinh đẹp, lại chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật.
Âu Cơ đã được Lạc Long Quân kén làm vợ và đưa về núi Nghĩa Lĩnh (nơi xây dựng Đền Hùng hiện nay). Tại đây Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Khi các con lớn khôn, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia đôi số con để người lên rừng, kẻ xuống biển, nhằm gây dựng mở mang bờ cõi.
Tương truyền trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, người con cả dừng ở đất Phong Châu dựng kinh đô Văn Lang cai quản đất nước truyền ngôi được 18 đời, gọi là các vua Hùng. 49 người con theo mẹ tiếp tục ngược thượng nguồn sông Thao, đến vùng Hiền Lương thấy sơn thủy hữu tình, đất đai tươi tốt bèn hạ trại khai hoang lập ấp, dạy cho dân làng nghề trồng lúa, nuôi tằm…Làng xóm từ đó ngày một trù phú, cư dân ngày càng đông đúc.
Thấy muôn dân đã thạo nghề cày cấy, một ngày kia mẹ Âu Cơ cùng các tiên nữ bay về trời, vương lại một tấm lụa đào bên gốc đa giữa cánh đồng. Dân làng lập đền thờ tại đó để thờ mẹ, hàng năm mở hội đền vào mùng 7 tháng Giêng là ngày "Tiên giáng"…
Đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương được xây dựng thời hậu Lê. Khi ấy Vua Lê Thánh Tông sai Giám Quốc Sư đến Hiền Lương phong Thần, cấp tiền xây dựng đền thờ Mẫu Âu Cơ. Ngôi đền thờ Tổ Mẫu có từ đó. Đền trông hướng chính nam, phía trái có giếng Loan, phía phải có giếng Phượng, phía trước có ao sen, sông Hồng như dải lụa đào bao quanh. Ngôi đền nằm dưới tán cây đa cổ thụ, trên một vùng đất phẳng rộng lớn, cạnh quốc lộ 32C nối các tỉnh phía Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội.
Do thời gian và thiên tai, ngôi đền cổ xưa không còn nguyên vẹn, song qua những lần bảo tồn, tôn tạo, ngôi đền vẫn giữ được kiến trúc thuở ban đầu. Đền được xây dựng kiểu chữ nhất, năm gian vững chãi, dựng trên một khoảng đất cao, giữa cánh đồng rộng, sau đền có cây đa cổ thụ, cành lá sum suê, tạo nên nét thâm nghiêm, tĩnh mịch.
Điện thờ có hai khối, bên ngoài thờ Vua Hùng-Cao Minh và tướng lĩnh, với các ngai bài vị chạm lưỡng long chầu nguyệt, hoặc chạm các hoa văn khác với kỹ thuật đục bong, thủng rất công phu, tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Bên trong, phía trên cao là khám thờ đặt tượng Mẫu Âu Cơ. Diềm khám thờ được chạm hoa văn tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai).
Tượng Mẫu Âu Cơ (có niên đại khoảng 540 năm) ở tư thế ngồi uy nghiêm trên ngai. Mẫu Âu Cơ mặc áo đỏ, yếm trắng, một tay cầm viên ngọc, tay kia đặt trên đầu gối, chân đi hài cong, đầu đội mũ lấp lánh, nước da hồng, vẻ mặt đôn hậu.
Ngoài tượng Mẫu là cổ vật linh thiêng, ngôi đền còn lưu giữ được những bức chạm gỗ quý giá, tượng đức ông, long ngai, khám thờ. Năm 1991, Đền Mẫu Âu Cơ chính thức được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Trong những năm gần đây, Đền Mẫu Âu Cơ đã được Nhà nước đầu tư, nhân dân công đức chỉnh trang, tôn tạo ngày càng khang trang, bề thế. Đền Mẫu Âu Cơ ngày càng tôn nghiêm, xứng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, thỏa mãn ước nguyện của con dân mọi miền đất Việt.
Hàng năm, vào ngày 7/1 âm lịch (ngày chính Hội), Đền Mẫu Âu Cơ thu hút đông đảo khách thập phương về bái lễ tưởng nhớ công đức người mẹ hiền. Theo nghi lễ truyền thống, ngay từ sáng sớm, đội tế nam rước kiệu Thành Hoàng làng từ đình làng về đền giữa dòng người rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ thần, cờ hội và âm vang tiếng trống, tiếng chiêng của ngày hội. Đúng 8 giờ sáng, đám rước vào đến sân đền.
Trong không khí trang trọng, mang màu sắc tưởng niệm từ âm thanh của phường bát âm đến hương thơm lan tỏa từ lư hương trầm..., lãnh đạo địa phương đọc văn tế Tổ Mẫu Âu Cơ, ca ngợi công lao to lớn của Mẹ Âu Cơ - người có công sinh thành 100 người con, cội nguồn của dân tộc Việt Nam và cầu cho quốc thái dân an...
Tiếp đó, đội tế nữ gồm 12 thiếu nữ đẹp được lựa chọn thực hiện nghi lễ tế nữ - đây là nghi lễ thu hút sự chú ý nhất của nhân dân. Sau phần tế nữ là lễ dâng hương Mẹ Âu Cơ với lễ vật gồm 100 cầu bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả.../.
Chuyện xưa kể rằng: Thuở ấy, vợ chồng Đế Lai ở Động Lăng Xương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) sinh được người con gái yêu tên là Âu Cơ. Khi Âu Cơ cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm tỏa ngát, trên trời có mây lành che chở, điềm báo “tiên nữ giáng trần." Âu Cơ lớn lên ngày càng xinh đẹp, lại chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật.
Âu Cơ đã được Lạc Long Quân kén làm vợ và đưa về núi Nghĩa Lĩnh (nơi xây dựng Đền Hùng hiện nay). Tại đây Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Khi các con lớn khôn, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia đôi số con để người lên rừng, kẻ xuống biển, nhằm gây dựng mở mang bờ cõi.
Tương truyền trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, người con cả dừng ở đất Phong Châu dựng kinh đô Văn Lang cai quản đất nước truyền ngôi được 18 đời, gọi là các vua Hùng. 49 người con theo mẹ tiếp tục ngược thượng nguồn sông Thao, đến vùng Hiền Lương thấy sơn thủy hữu tình, đất đai tươi tốt bèn hạ trại khai hoang lập ấp, dạy cho dân làng nghề trồng lúa, nuôi tằm…Làng xóm từ đó ngày một trù phú, cư dân ngày càng đông đúc.
Thấy muôn dân đã thạo nghề cày cấy, một ngày kia mẹ Âu Cơ cùng các tiên nữ bay về trời, vương lại một tấm lụa đào bên gốc đa giữa cánh đồng. Dân làng lập đền thờ tại đó để thờ mẹ, hàng năm mở hội đền vào mùng 7 tháng Giêng là ngày "Tiên giáng"…
Đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương được xây dựng thời hậu Lê. Khi ấy Vua Lê Thánh Tông sai Giám Quốc Sư đến Hiền Lương phong Thần, cấp tiền xây dựng đền thờ Mẫu Âu Cơ. Ngôi đền thờ Tổ Mẫu có từ đó. Đền trông hướng chính nam, phía trái có giếng Loan, phía phải có giếng Phượng, phía trước có ao sen, sông Hồng như dải lụa đào bao quanh. Ngôi đền nằm dưới tán cây đa cổ thụ, trên một vùng đất phẳng rộng lớn, cạnh quốc lộ 32C nối các tỉnh phía Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội.
Do thời gian và thiên tai, ngôi đền cổ xưa không còn nguyên vẹn, song qua những lần bảo tồn, tôn tạo, ngôi đền vẫn giữ được kiến trúc thuở ban đầu. Đền được xây dựng kiểu chữ nhất, năm gian vững chãi, dựng trên một khoảng đất cao, giữa cánh đồng rộng, sau đền có cây đa cổ thụ, cành lá sum suê, tạo nên nét thâm nghiêm, tĩnh mịch.
Điện thờ có hai khối, bên ngoài thờ Vua Hùng-Cao Minh và tướng lĩnh, với các ngai bài vị chạm lưỡng long chầu nguyệt, hoặc chạm các hoa văn khác với kỹ thuật đục bong, thủng rất công phu, tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Bên trong, phía trên cao là khám thờ đặt tượng Mẫu Âu Cơ. Diềm khám thờ được chạm hoa văn tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai).
Tượng Mẫu Âu Cơ (có niên đại khoảng 540 năm) ở tư thế ngồi uy nghiêm trên ngai. Mẫu Âu Cơ mặc áo đỏ, yếm trắng, một tay cầm viên ngọc, tay kia đặt trên đầu gối, chân đi hài cong, đầu đội mũ lấp lánh, nước da hồng, vẻ mặt đôn hậu.
Ngoài tượng Mẫu là cổ vật linh thiêng, ngôi đền còn lưu giữ được những bức chạm gỗ quý giá, tượng đức ông, long ngai, khám thờ. Năm 1991, Đền Mẫu Âu Cơ chính thức được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Trong những năm gần đây, Đền Mẫu Âu Cơ đã được Nhà nước đầu tư, nhân dân công đức chỉnh trang, tôn tạo ngày càng khang trang, bề thế. Đền Mẫu Âu Cơ ngày càng tôn nghiêm, xứng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, thỏa mãn ước nguyện của con dân mọi miền đất Việt.
Hàng năm, vào ngày 7/1 âm lịch (ngày chính Hội), Đền Mẫu Âu Cơ thu hút đông đảo khách thập phương về bái lễ tưởng nhớ công đức người mẹ hiền. Theo nghi lễ truyền thống, ngay từ sáng sớm, đội tế nam rước kiệu Thành Hoàng làng từ đình làng về đền giữa dòng người rực rỡ cờ Tổ quốc, cờ thần, cờ hội và âm vang tiếng trống, tiếng chiêng của ngày hội. Đúng 8 giờ sáng, đám rước vào đến sân đền.
Trong không khí trang trọng, mang màu sắc tưởng niệm từ âm thanh của phường bát âm đến hương thơm lan tỏa từ lư hương trầm..., lãnh đạo địa phương đọc văn tế Tổ Mẫu Âu Cơ, ca ngợi công lao to lớn của Mẹ Âu Cơ - người có công sinh thành 100 người con, cội nguồn của dân tộc Việt Nam và cầu cho quốc thái dân an...
Tiếp đó, đội tế nữ gồm 12 thiếu nữ đẹp được lựa chọn thực hiện nghi lễ tế nữ - đây là nghi lễ thu hút sự chú ý nhất của nhân dân. Sau phần tế nữ là lễ dâng hương Mẹ Âu Cơ với lễ vật gồm 100 cầu bánh ngọt, 100 phẩm oản, hoa quả.../.
(Vietnam+)