Dịch tả lợn châu Phi: Để các trang trại phát hiện ổ dịch là quá muộn

Tính đến tháng 8/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại gần 7.000 xã thuộc gần 600 huyện của 62/63 tỉnh, thành phố khiến tổng số lợn phải tiêu hủy lên trên 4 triệu con.
Dịch tả lợn châu Phi: Để các trang trại phát hiện ổ dịch là quá muộn ảnh 1Lực lượng chức năng xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh thu gom xác lợn chết để đưa đi tiêu hủy đúng quy định. (Ảnh: TTXVN phát)

“Tả lợn Châu Phi là loại virus rất nguy hiểm, có khả năng tồn tại lâu ở ngoài môi trường và ở các sản phẩm thịt lợn trong khi chưa có thuốc điều trị và vắcxin phòng bệnh... Nhận thức được vấn đề nguy hiểm của loại dịch bệnh này, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, sát sao các công tác phòng, chống dịch được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng ra gần 7.000 xã (thuộc gần 600 huyện của 62/63 tỉnh, thành phố) với tổng số lợn tiêu hủy lên trên 4 triệu con.”

Thông tin trên được Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ tại Hội nghị chia sẻ thông tin và kinh nghiệm “Phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi” giữa Hà Lan và Việt Nam, ngày  21/8. 

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học phát triển chậm

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, thời điểm đầu năm 2019, số đầu lợn trên cả nước đạt khoảng 27 triệu con, đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 2 châu Á đồng thời thuộc top 15 nước có đàn lợn lớn nhất thế giới. Trước đó, tốc độ tăng trưởng đàn lợn giai đoạn 2015 – 2018 bình quân đạt 0,91%/năm. Nhiền cơ sở chăn nuôi đang chuyển dịch từ quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi…

[TP.HCM: Hàng trăm xác lợn nhiễm bệnh bị vứt bừa bãi gây ô nhiễm]

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng thừa nhận, việc chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng an toàn sinh học diễn ra còn khá chậm. Đây là nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức với vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh và mới đây là dịch tả lợn châu Phi.

Dịch tả lợn châu Phi: Để các trang trại phát hiện ổ dịch là quá muộn ảnh 2Tính đến tháng 8/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại gần 7.000 xã trên cả nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nông dân chịu trách nhiệm về sức khỏe động vật

Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị, Bà Christianne Bruschke, Trưởng đại diện Cơ quan Thú y Hà Lan cho biết,  Hà Lan là một quốc gia có diện tich nhỏ 34.000 km2 với 17 triệu dân, song mật độ trang trại cao với số lượng vật nuôi lên đến 130 triệu con, các ngành kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu. Do đó, Hà Lan rất dễ bị tổn thương khi xuất hiện dịch bệnh động vật.

“Hậu quả của việc xảy ra dịch bệnh sẽ là rất nghiêm trọng. Tại Hà Lan, người nông dân chịu trách nhiệm chính về sức khỏe động vật. Vì vậy, cá nhân nông dân phải chi trả cho các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và ảnh hưởng lớn hơn là toàn ngành chăn nuôi sẽ mất nguồn thu do hệ quả của các rào cản thương mại vì bị khoanh vùng dịch bệnh,” bà Christianne Bruschke nói.

Với Việt Nam, Trưởng đại diện Cơ quan Thú y Hà Lan nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất “nếu cứ đợi các trang trại phát hiện được ổ dịch thì đã quá muộn.” Các cấp quản lý phải hành động trước khi có ổ dịch xuất hiện bởi mầm bệnh đã ủ trong nhiều ngày trước khi nó bùng phát.

Bài học về dịch cúm gia cầm xảy ra trong năm 2013 tại Hà Lan cũng tương tự như ở Việt Nam. Theo người đứng đầu ngành thú y nước này, người dân đã phải tiêu hủy toàn bộ số gia cầm ở vùng dịch trong bán kính 1km. Song kể cả với biện pháp tiêu hủy trên cũng không ngăn chặn được dịch bệnh vì mầm bệnh phát tán rất nhanh sang các vùng khác xa hơn. Thậm chí trước cả khi tiêu hủy trong bán kính 1km kể từ ổ dịch, dịch đã lây lan xa hơn cả bán kính đã khống chế.

Với những giải pháp chống dịch của ngành nông nghiệp Việt Nam, bà Christianne Bruschke mong muốn gửi đến thông điệp, “các bạn đừng đợi đến khi phát hiện ra ổ dịch và sẽ là tốt hơn nếu các bạn thực hiện các biện pháp quyết liệt khi mới phát hiện ra những dấu hiệu ban đầu.”

Theo bà Christianne Bruschke, vai trò của các cơ quan quản lý chức năng là đưa ra các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi và kiểm soát, phòng ngừa sự xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm. Khi có ổ dịch cần nhanh chóng xác định nguồn gốc, cách thức xuất hiện dịch.

Riêng công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Hà Lan, bà này cho biết, cơ quan quản lý có thể ngoại suy từ các đợt chống dịch tả lợn cổ điển trước đó. Điều quan trọng là sự hợp tác của tất cả các bên liên quan đến ngành chăn nuôi.

“Để xử lý triệt để dịch tả lợn châu Phi, phía Hà Lan sẽ liên hệ cùng các bên liên quan bắt tay xây dựng các kế hoạch dự phòng, kế hoạch truyền tải thông tin. Tính minh bạch về tình hình dịch bệnh là vô cùng quan trọng, vì khi đó mỗi bên sẽ biết mình cần phải làm gì. Hà Lan cũng thường xuyên liên hệ với các đối tác phát triển vắcxin, đặc biệt về dịch tả lợn châu Phi, biết các đối tác phát triển vắcxin đến đâu để đưa vào trong kế hoạch dự phòng trước đó. Hà Lan đã chuyển chính sách từ không tiêm chủng sang tiêm chủng để giảm thiệt hại việc tiêu hủy vật nuôi có mầm bệnh,” bà Christianne Bruschke nói./.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục