Những ngày thời tiết nồm ẩm không chỉ gây khó khăn cho đời sống của các gia đình mà còn ảnh hưởng xấu đến hệ thống các thiết bị điện trong nhà. Không khí với độ ẩm cao dễ khiến các thiết bị điện bị hỏng hóc, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng nếu bị rò rỉ điện.
Nhằm bảo đảm an toàn cho các gia đình khi sử dụng những thiết bị điện trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, anh Phạm Văn Hùng, chủ cơ sở kinh doanh vật tư thiết bị lạnh, địa chỉ 111 Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cung cấp thông tin về một số loại thiết bị điện dễ bị hỏng nhất khi thời tiết chuyển nồm ẩm, đồng thời chia sẻ một số lưu ý cần thiết để kiểm tra và khắc phục những sự cố về điện trong nhà.
Theo đó, anh Hùng cho biết tivi là thiết bị điện dễ hỏng và chập điện nhất trong những ngày mưa, bởi hầu hết các hộ gia đình thường được kê, treo tivi trên sát tường, đặt trong hộc tủ hoặc trên sàn nhà. Điều này dễ gây ra tình trạng tích tụ hơi ẩm, khiến tivi mắc một số "bệnh" như nhòe hình, chất lượng hình ảnh giảm sút, nhiễu và thậm chí chập điện. Tương tự là các thiết bị loa, amply: khi gặp môi trường có độ ẩm cao, các chi tiết bằng kim loại dễ bị gỉ sét ăn mòn, còn loa với chất liệu gỗ sẽ bị mục, mốc gây ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh.
[Infographics] Cách thức bảo quản đồ điện tử trong thời tiết nồm ẩm]
Anh Hùng cho biết, đa phần người sử dụng thường quan tâm nhiều đến các thiết bị điện trong nhà khi thời tiết lạnh ẩm, mà dễ bỏ quên các ổ điện hay bảng mạch tổng. Thực tế, đây mới là những chi tiết mà các hộ gia đình nên xem xét và kiểm tra kỹ nhất, bởi nó là nguyên nhân gây cháy hoặc chập điện, khiến các thiết bị khác có thể bị hỏng theo. Lý do là vì ổ điện và bảng mạch đa số đều được đặt sát tường, hoặc trong góc nhà. Khi trời mưa, nồm ẩm thì tường nhà bắt đầu xuất hiện tình trạng “chảy nước” khiến ổ điện và bảng mạch điện là những nơi đầu tiên gặp nguy hại.
Nằm trong nhóm “ít nguy cơ bị ảnh hưởng” nhưng điện thoại và máy ảnh vẫn là những thiết bị cần được lưu ý trong những ngày nồm ẩm. Lý do là bởi đây là những thiết bị có nguy cơ chập điện cao khi kết nối vào ổ điện. Bên cạnh đó, hiện nay có không ít người dùng sử dụng các sản phẩm sạc giá rẻ, không đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập, cháy trong điều kiện thời tiết nồm ẩm. Với máy ảnh, thời tiết mưa, nồm có thể ít dẫn đến cháy, chập, tuy nhiên lại dễ dàng khiến máy bị nấm mốc, giảm độ sáng...
Máy lạnh và máy giặt cũng là những thiết bị dễ hỏng hóc vào ngày mưa ẩm. Máy lạnh thường được gắn sát vào tường, khi độ ẩm không khí cao sẽ dẫn đến tình trạng dễ thấm ẩm, khiến máy giảm sút công năng hoặc hư hại. Với máy giặt, đây là loại thiết bị điện tiếp xúc vào nước nhiều nhất. Khi thời tiết nồm ẩm, máy giặt dễ bị thấm ẩm, gây rỉ sét một số linh kiện bên trong khiến chức năng của máy suy giảm, thậm chí gây chập, gây rò rỉ điện khá nguy hiểm cho người sử dụng.
Chia sẻ một số biện pháp khắc phục các sự cố, anh Hùng cho biết các gia đình nên đặt những thiết bị điện cách tường từ 10-15cm và cách nền nhà khoảng 80cm để giảm nguy cơ hỏng hóc do ẩm ướt; nên kiểm tra kỹ các bảng mạch điện nguồn như công tắc, cầu dao, ổ điện..., đồng thời lắp đặt các thiết bị chống giật, bảo vệ nguồn điện để tránh bị chập điện; ngắt nguồn điện khi có mưa giông; nên dùng các thiết bị điện ít nhất một lần trong ngày để các mạch điện hoạt động bình thường; liên hệ với những cơ sở uy tín để vệ sinh và bảo dưỡng các thiết bị điện định kỳ.../.