Điền kinh Việt Nam thấp thỏm những hy vọng

Sau những kết quả mà điền kinh đạt được tại giải vô địch quốc gia, giới chuyên môn không khỏi lo lắng khi SEA Games 25 đã gần kề.
Sau những kết quả mà điền kinh Việt Nam đạt được tại giải vô địch quốc gia, giới chuyên môn không khỏi lo lắng khi SEA Games 25 đẽ gần kề.

Vũ Thị Hương sáng nhất

Thành tích phá kỷ lục quốc gia ở cự ly 100m với thời gian 11”43 (kỷ lục cũ 11”47) của Vũ Thị Hương là sự bất ngờ đối với những người quan tâm đến phong độ của vận động viên này.

Ít ai nghĩ sau hơn nửa năm không thi đấu, thêm dính chấn thương cổ chân dai dẳng, Vũ Thị Hương lại làm nên kỷ lục tại giải.

Huấn luyện viên “ruột” của Vũ Thị Hương là Nguyễn Đình Minh cho biết: “Vũ Thị Hương luôn là vận động viên đặc biệt, có thể trong tập luyện không được như ý, lại dính phải chấn thương, nhưng khi vào thi đấu, Hương là vận động viên bản lĩnh nhất. Đó là lý do vì sao tôi không đặt ra chỉ tiêu buộc Hương phải phá kỷ lục quốc gia lần này mà khuyên cô nên thi đấu thoải mái với mục đích lấy lại cảm giác tranh tài đỉnh cao, nhưng Hương đã làm được nhiều hơn thế”.

Vũ Thị Hương cũng là vận động viên được đặt nhiều hy vọng nhất của điền kinh Việt Nam tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ 3 (AIG III) sắp diễn ra tại Hà Nội.

Do Đại hội này không có cự ly sở trường 100m, 200m nên Vũ Thị Hương sẽ dự tranh ở cự ly 60m. Bất lợi cho Vũ Thị Hương ở cự ly 60m bởi điểm yếu từ trước đến nay của cô là khâu xuất phát không tốt. Đây là khâu quyết định nhiều đến thành công ở cự ly càng ngắn như 60m.

Khả năng cải thiện ở khâu xuất phát được Vũ Thị Hương chú trọng nhiều hơn trong tập luyện thời gian qua, do vậy cả Hương và huấn luyện viên Nguyễn Đình Minh đều đặt hy vọng vào thành tích khả quan tại AIG III.

Những niềm hy vọng còn lại

Cú sốc không được tranh tài cho đơn vị mới là Ninh Bình tại giải vô địch quốc gia năm nay ảnh hưởng nhiều đến thành tích của nữ hoàng cự ly trung bình Trương Thanh Hằng.

Ở nội dung 800m, Thanh Hằng dự tranh với tư cách kiểm tra thành tích đã “một mình một ngựa” bỏ xa các đối thủ để về đích đầu tiên. Tuy nhiên thành tích 2’03”32 của Thanh Hằng không đạt mục tiêu phá kỷ lục quốc gia, cũng là kỷ lục SEA Games (2’02”39) do chính cô và huấn luyện viên Hồ Thị Từ Tâm đặt ra từ đầu giải.

Đó được xem là thất bại của Thanh Hằng tại giải năm nay. Sau đó ở cự ly 1.500m, Thanh Hằng không tranh tài vì sức khỏe không cho phép. Tuy nhiên thành tích của Thanh Hằng không làm huấn luyện viên Từ Tâm lo lắng bởi ở đấu trường khu vực, Thanh Hằng gần như không có đối thủ ở hai cự ly này.

Cùng với việc nhà vô địch 10 môn phối hợp SEA Games 24 Vũ Văn Huyện đang có phong độ tốt, điền kinh Việt Nam gần như đảm bảo mục tiêu 5 huy chương vàng tại SEA Games 25.

Mục tiêu khiêm tốn này được Trưởng Bộ môn Dương Đức Thủy cho biết ngay sau khi kết thúc giải vô địch quốc gia. Tại SEA Games trước, điền kinh Việt Nam có 8 huy chương vàng.

Ông Thủy đã có lý do chính đáng để không dám đặt mục tiêu vàng vào những vận động viên từng đạt huy chương vàng SEA Games như Nguyễn Đình Cương (800m, 1.000m), Bùi Thị Nhung, Nguyễn Duy Bằng (Nhảy cao)… bởi thành tích của các vận động viên này đang rất bất ổn.

Nguyễn Đình Cương vẫn đoạt huy chương vàng 800m (thành tích 1’52”56), 1.500m (Thành tích 4’01”66) nhưng đó là thành tích không gây nhiều ấn tượng, nhất là khi các đối thủ trong khu vực đang tiến bộ nhanh và từng vượt qua Đình Cương ở các giải quốc tế vừa qua.

Trong khi Bùi Thị Nhung chỉ nhảy qua 1m86, một thành tích không khiến vận động viên Thái Lan Chaipech - người cạnh tranh với Nhung ở SEA Games phải lo ngại. Đó là chưa kể đến thành tích này của Bùi Thị Nhung suýt bị vận động viên nội Bùi Thị Việt Anh (Bạc Liêu) vượt qua dù Việt Anh chỉ dự thi ở phần 7 môn phối hợp.

Với Nguyễn Duy Bằng, con đường trở lại đội tuyển để đòi lại huy chương vàng SEA Games gần như tắt ngấm khi anh chỉ vượt qua mức xà 2m và xếp hạng 6/8 vận động viên dự tranh tại giải lần này./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục