Định hướng tương lai đối tác chiến lược Việt-Ấn Độ

Những định hướng tương lai trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ đã được thảo luận tại hội thảo diễn ra ngày 17/7 ở Hà Nội.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (1972-2012) và 5 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ (2007-2012), ngày 17/7 tại Khách sạn Melia, Hà Nội, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức cuộc Hội thảo “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ: Những định hướng tương lai.”

Cuộc hội thảo là một hoạt động quan trọng trong năm hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ (2012) đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2011.

Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam, có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý và nhiều cán bộ, học giả, nhà nghiên cứu của các Bộ, ngành và các viện nghiên cứu tại Hà Nội. Về phía Ấn Độ, có ngài Ranjit Rae, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, ba chuyên gia hàng đầu của Hội đồng các vấn đề quốc tế của Ấn Độ (IWCA) và đại diện một số doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam. Hội thảo cũng có sự tham dự của một số khách mời và đại diện một số Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.

Qua 5 phiên thảo luận với 14 tham luận và nhiều ý kiến trao đổi, các đại biểu tham dự Hội thảo đều khẳng định quan hệ Việt Nam-Ấn Độ là mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru dày công vun đắp. 40 năm qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ấn Độ luôn là một người bạn tin cậy, thủy chung của nhân dân Việt Nam, luôn sẵn lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ lại càng trở nên gắn bó và tin cậy, đặc biệt kể từ sau khi lãnh đạo hai nước ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ năm 2007.

Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, ký kết và triển khai có hiệu quả nhiều thỏa thuận, văn kiện hợp tác song phương và phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Các cơ chế hợp tác như Ủy ban liên chính phủ Việt Nam-Ấn Độ về khoa học-kỹ thuật và văn hóa-giáo dục, cơ chế tham khảo chính trị, cơ chế đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao… đã và đang phát huy tác dụng, góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau cũng như góp phần đưa các dự án hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu.

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng trong những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn các cấp, duy trì cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác về huấn luyện đào tạo, hợp tác về hải quân và trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng…

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam-Ấn Độ đã phát triển rất nhanh chóng. Năm 2011, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Ấn Độ đã đạt 3,9 tỷ USD, tăng gấp gần 4 lần so với 5 năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 1,89 tỷ USD. Trao đổi thương mại Việt Nam-Ấn Độ đã có khuôn khổ pháp lý ổn định. Ấn Độ đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Một loạt hiệp định hợp tác được ký kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư… phát triển mạnh mẽ.

Hợp tác công nghiệp thời gian qua đã có nhiều bước phát triển quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực như dầu khí, năng lượng, hóa chất, công nghiệp thép… Nhiều dự án hợp tác đầu tư đã được thiết lập như Tổng Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) có dự án liên doanh thăm dò dầu khí với Petrovietnam, dự án thành lập liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn Cao su Việt Nam với tập đoàn thép Tata đầu tư Nhà máy Liên hợp thép tại Hà Tĩnh…

Ấn Độ là đối tác có tiềm năng to lớn trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, sinh học, nano, sinh học phân tử, công nghệ vũ trụ… Quan hệ hợp tác giữa hai nước về khoa học công nghệ  đã được tiến hành từ rất sớm (1978), thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác về khoa học công nghệ giữa hai chính phủ. Tiểu ban hợp tác khoa học công nghệ  Việt Nam-Ấn Độ đến nay đã họp được 8 khóa và triển khai được 13 dự án hợp tác nghiên cứu chung thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, viễn thám, bảo vệ môi trường… Ấn Độ cũng đã giúp Việt Nam đào tạo được nhiều chuyên gia và cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin...

Cũng tại hội thảo, nhiều đề xuất, kiến nghị đã được đưa ra nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ trong thời gian tới như tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao và trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các cơ quan, viện nghiên cứu hai nước, tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý chung giữa hai nước, sớm thành lập Ủy ban thương mại hỗn hợp, hợp tác tiến hành xây dựng công viên khoa học công nghệ tại Việt Nam, khai thác triệt để các trung tâm về công nghệ cao đã được xây dựng tại Việt Nam như Trung tâm siêu máy tính Pa-ram... Bên cạnh các nội dung song phương, hội thảo cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là cấu trúc an ninh đang nổi lên ở châu Á-Thái Bình Dương.

Với quan hệ chính trị vô cùng tốt đẹp, với tình hữu nghị truyền thống gắn bó trong 40 năm qua và với tiềm năng hợp tác to lớn, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ vẫn còn rất nhiều tiềm năng to lớn để phát triển và sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong thời gian tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục