Đoàn thanh tra “không vui” vì doanh nghiệp có quyền khai bổ sung?

Trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, các đơn vị hoàn toàn có quyền khai bổ sung, điều chỉnh. Đây là quy định vừa đáng mừng vừa... mất vui.
Đoàn thanh tra “không vui” vì doanh nghiệp có quyền khai bổ sung? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Theo quy định, trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, các đơn vị hoàn toàn có quyền khai bổ sung, điều chỉnh. Nội dung trên tưởng chừng đáng mừng nhưng thực tế, đây có thể là điều không vui với cán bộ đoàn thanh tra.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế chia sẻ điều này tại hội thảo “Các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hội nhập” ngày 30/10.

[Doanh nghiệp phải giảm lỗ gần 14.000 tỷ đồng sau thanh kiểm tra]

Theo ông Phụng, Luật Quản lý thuế hiện tại có nhắc tới 10 quyền và 9 nghĩa vụ của người nộp thuế. Trong 10 quyền, điều ông nhắc nhở người nộp thuế là các đơn vị có quyền khai bổ sung, điều chỉnh khi phát hiện ra mình khai sai sót.

Cụ thể, trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền khai bổ sung, điều chỉnh mà không bị xử phạt vì hành vi khai sai, trốn thuế, mà chỉ tính tiền chậm nộp.

Ông bày tỏ, năm qua, ông có đi thanh tra một số đơn vị và thấy mừng vì trước khi đoàn thanh tra xuống, doanh nghiệp khai điều chỉnh và số thuế nộp tăng lên. Thế nhưng, trái ngược, ông thẳng thắn “anh em đoàn thanh tra không vui vì họ khai điều chỉnh rồi, mình không có thành tích.”

“Ông thanh tra không đào bới được vì doanh nghiệp điều chỉnh mất rồi,” vị này nói.

Cũng về thanh kiểm tra, ông Phụng nhắc tới việc phải bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp theo nguyên tắc, thanh tra kiểm tra một doanh nghiệp, một nội dung và một năm chỉ được thanh kiểm tra 1 lần.

Lãnh đạo ngành thuế cũng công khai cách chọn doanh nghiệp để thanh tra kiểm tra. Theo ông, trước hết, Kiểm toán Nhà nước lựa chọn các doanh nghiệp để kiểm toán. Sau đó, Thanh tra Chính phủ sẽ rà soát trong số các doanh nghiệp còn lại để lên danh sách thanh tra.

Trên cơ sở các đơn vị còn lại, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chọn và sau đó là Tổng cục Thuế.

Riêng với ngành thuế, theo ông Phụng, việc lựa chọn doanh nghiệp sẽ thực hiện bằng máy. Tức là, cơ quan chức năng đưa ra bộ chỉ tiêu với khoảng 50 chỉ tiêu để xác định rủi ro. Hệ thống ngành thuế sẽ căn cứ vào các tờ khai thuế, báo cáo tài chính của doanh nghiệp để tự chọn ra các doanh nghiệp rủi ro.

“Từ số đó, cơ quan thuế sẽ tiếp tục lựa chọn bằng cảm quan nghề nghiệp và đưa ra kế hoạch năm nay làm gì,” ông nói./.

Lạm dụng thanh tra gây khó cho doanh nghiệp. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục