Dãy phố cổ với những ngôi nhà ống làm bằng gỗ nghiến có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, mang trong mình nét kiến trúc đặc sắc và vẫn còn giữ được nhiều thói quen sinh hoạt, nếp sống văn hóa lâu đời của người dân, đang tồn tại ở một huyện miền núi cheo leo và ít người biết đến.
Huyện Na Rì nằm tương đối biệt lập ở phía đông tỉnh Bắc Kạn, có độ cao trung bình 550 mét so với mặt nước biển, núi non rất hiểm trở, do các ngọn núi đá vôi cao 700-800 mét chia cắt các làng xã thành nhiều vùng khá riêng biệt.
Từ trung tâm thị xã Bắc Kạn, muốn đến huyện Na Rì phải đi thêm 80km qua đèo Áng Toòng khá nguy hiểm bởi đường hẹp, ngoằn nghèo và độ dốc lớn.
Qua hết con đường nguy hiểm ấy, thị trấn Yên Lạc, trung tâm của huyện Na Rì bắt đầu hiện ra với vẻ đẹp bình lặng. Thị trấn Yến Lạc có khoảng 37.000 nhân khẩu gồm 5 dân tộc chính là Mông, Tày, Nùng, Kinh, Dao; thu nhập chủ yếu từ kinh tế nông-lâm nghiệp, thương mại dịch vụ còn hạn chế.
Tuy nhiên, trong cái thị trấn đơn sơ đó lại có một khu phố cổ độc đáo với gần trăm gian nhà bằng gỗ nghiến có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, lưu giữ không chỉ phong cách kiến trúc khác lạ mà còn cả những nét văn hóa ít nơi nào có.
Người dân nơi đây cho biết khu phố cổ này chủ yếu là người Việt gốc Hoa sinh sống. Những ngôi nhà làm rất khác với người bản địa. Nhà cửa san sát nhau và theo kiểu nhà ống, tất cả đều cùng một kiểu dáng, chất liệu làm bằng gỗ nghiến. Mới đầu chỉ một vài nhà làm, về sau tất cả khu phố đều học cách làm y như vậy.
Bà Lương Thị Phùng, 80 tuổi, dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên tại khu phố này cho biết: "Cách đây 60 năm, hồi tôi mới 20 tuổi thì nhà tôi được xây đầu tiên bằng loại gỗ nghiến này. Đến giờ vẫn như vậy, không mối mọt nào đục khoét được. Hồi đó, cứ 4 người lên rừng mất 1 tuần mới đưa về được một cây gỗ nghiến, mất hàng năm trời mới xây xong nhà. Cũng từ thời điểm đó, người dân trong khu phố học theo, dần dần các nhà đều xây giống nhau cả thành một dãy phố dài tồn tại đến tận bây giờ. Phố này được đặt tên là phố cổ cũng là do vậy."
Nhà tại khu phố cổ gian ngoài là để tiếp khách, phía bên trái là một lối đi hẹp vào sâu bên trong, bên phải lần lượt là 2 hoặc 3 phòng ngủ kế tiếp nhau, trong cùng là bếp và khu chăn nuôi, vệ sinh. Khu bếp cũng được dùng làm nơi sản xuất các loại bánh truyền thống ở nơi đây như bánh ngô, bánh khảo, bánh đúc, quẩy, bánh lá ngải...
Nhà được làm rất cao, phía trên nóc dãy buồng ngủ có thể làm một gác xép, có cầu thang đi lên. Nhà nào đông con thì làm thêm một phòng nữa luôn trên đó, còn thường thì bỏ trống để làm kho chứa các đồ vật linh tinh. Bàn thờ tổ tiên đều được thiết kế trang trọng ngay tại phòng khách, đối diện với cửa ra vào.
Khu phố cổ rộng thênh thang có một khoảng sân và con đường chạy giữa. Ở đây, buổi sáng, người ta bán hàng, chiều chiều các gia đình bắc ghế hóng mát, trẻ con đá bóng... Buổi trưa là lúc phố cổ thanh bình và yên ả nhất trong ngày.
Ngồi bên chiếc bếp lò trước cửa nhà, hai bà cụ vừa trò chuyện, vừa bán bánh tẻ, vừa trông chừng 3 đứa cháu đang nhảy lò cò chơi ô ăn quan trước hiên nhà.
Bà Lý Thị Nông cho biết Na Rì tên Thái là Nà Slì có nghĩa ruộng dài, đọc chệch ra tiếng Kinh thành Na Rì. Địa hình ở đây núi cao, lũng sâu, hẹp, hai bên bờ suối nối tiếp những thửa ruộng dài cho nên mới đặt tên như vậy.
Những người già ở đây kể lại, thời kỳ đầu tất cả mái ngói đều làm bằng ngói ta, còn gọi là ngói vẩy cá, tuy nhiên đến bây giờ một số nhà đã thay bằng mái tôn, tấm nhựa chống nóng… Kinh tế phát triển, giao lưu văn hóa giữa các vùng lân cận ngày càng xích lại gần nhau, ở những thôn bản vùng thấp người dân đã chuyển dần từ nhà sàn xuống ở nhà xây, nhưng phần nhiều vẫn lợp ngói âm dương truyền thống, bởi theo quan niệm của bà con, loại ngói này mỏng, khi lợp hai lớp úp ngược nhau nên thoát khí xấu, trong nhà luôn mát mẻ về mùa hè.
Theo cô Lý Thị Bình, con dâu bà Phùng, trải qua hàng chục năm, mái ngói cũ hỏng phải thay nhưng căn nhà thì vẫn như vậy, không mối mọt, mục nát. Thậm chí, nếu chuyển đi chỗ khác vẫn có thể dỡ các mối, kèo ra, mang gỗ đi lắp ghép lại được như cũ.
Người dân nơi đây kể rằng những ngôi nhà gỗ có từ thời những năm 50-60 của thế kỷ trước. Xưa, cùng sống trong những dãy phố cổ là bà con người Hoa, nay bà con dân tộc Tày, Nùng vẫn giữ nguyên nếp xưa.
Tuy nhiên, một cô giáo trường Trung học cơ sở Cư Lễ, có nhà ở phố cổ này cho biết: "Nếu có tiền, người dân ở đây sẽ phá hết nhà cũ mà làm nhà tầng thôi. Chưa ai có ý định bảo tồn khu phố cổ hiếm hoi này"./.
Huyện Na Rì nằm tương đối biệt lập ở phía đông tỉnh Bắc Kạn, có độ cao trung bình 550 mét so với mặt nước biển, núi non rất hiểm trở, do các ngọn núi đá vôi cao 700-800 mét chia cắt các làng xã thành nhiều vùng khá riêng biệt.
Từ trung tâm thị xã Bắc Kạn, muốn đến huyện Na Rì phải đi thêm 80km qua đèo Áng Toòng khá nguy hiểm bởi đường hẹp, ngoằn nghèo và độ dốc lớn.
Qua hết con đường nguy hiểm ấy, thị trấn Yên Lạc, trung tâm của huyện Na Rì bắt đầu hiện ra với vẻ đẹp bình lặng. Thị trấn Yến Lạc có khoảng 37.000 nhân khẩu gồm 5 dân tộc chính là Mông, Tày, Nùng, Kinh, Dao; thu nhập chủ yếu từ kinh tế nông-lâm nghiệp, thương mại dịch vụ còn hạn chế.
Tuy nhiên, trong cái thị trấn đơn sơ đó lại có một khu phố cổ độc đáo với gần trăm gian nhà bằng gỗ nghiến có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, lưu giữ không chỉ phong cách kiến trúc khác lạ mà còn cả những nét văn hóa ít nơi nào có.
Người dân nơi đây cho biết khu phố cổ này chủ yếu là người Việt gốc Hoa sinh sống. Những ngôi nhà làm rất khác với người bản địa. Nhà cửa san sát nhau và theo kiểu nhà ống, tất cả đều cùng một kiểu dáng, chất liệu làm bằng gỗ nghiến. Mới đầu chỉ một vài nhà làm, về sau tất cả khu phố đều học cách làm y như vậy.
Bà Lương Thị Phùng, 80 tuổi, dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên tại khu phố này cho biết: "Cách đây 60 năm, hồi tôi mới 20 tuổi thì nhà tôi được xây đầu tiên bằng loại gỗ nghiến này. Đến giờ vẫn như vậy, không mối mọt nào đục khoét được. Hồi đó, cứ 4 người lên rừng mất 1 tuần mới đưa về được một cây gỗ nghiến, mất hàng năm trời mới xây xong nhà. Cũng từ thời điểm đó, người dân trong khu phố học theo, dần dần các nhà đều xây giống nhau cả thành một dãy phố dài tồn tại đến tận bây giờ. Phố này được đặt tên là phố cổ cũng là do vậy."
Nhà tại khu phố cổ gian ngoài là để tiếp khách, phía bên trái là một lối đi hẹp vào sâu bên trong, bên phải lần lượt là 2 hoặc 3 phòng ngủ kế tiếp nhau, trong cùng là bếp và khu chăn nuôi, vệ sinh. Khu bếp cũng được dùng làm nơi sản xuất các loại bánh truyền thống ở nơi đây như bánh ngô, bánh khảo, bánh đúc, quẩy, bánh lá ngải...
Nhà được làm rất cao, phía trên nóc dãy buồng ngủ có thể làm một gác xép, có cầu thang đi lên. Nhà nào đông con thì làm thêm một phòng nữa luôn trên đó, còn thường thì bỏ trống để làm kho chứa các đồ vật linh tinh. Bàn thờ tổ tiên đều được thiết kế trang trọng ngay tại phòng khách, đối diện với cửa ra vào.
Khu phố cổ rộng thênh thang có một khoảng sân và con đường chạy giữa. Ở đây, buổi sáng, người ta bán hàng, chiều chiều các gia đình bắc ghế hóng mát, trẻ con đá bóng... Buổi trưa là lúc phố cổ thanh bình và yên ả nhất trong ngày.
Ngồi bên chiếc bếp lò trước cửa nhà, hai bà cụ vừa trò chuyện, vừa bán bánh tẻ, vừa trông chừng 3 đứa cháu đang nhảy lò cò chơi ô ăn quan trước hiên nhà.
Bà Lý Thị Nông cho biết Na Rì tên Thái là Nà Slì có nghĩa ruộng dài, đọc chệch ra tiếng Kinh thành Na Rì. Địa hình ở đây núi cao, lũng sâu, hẹp, hai bên bờ suối nối tiếp những thửa ruộng dài cho nên mới đặt tên như vậy.
Những người già ở đây kể lại, thời kỳ đầu tất cả mái ngói đều làm bằng ngói ta, còn gọi là ngói vẩy cá, tuy nhiên đến bây giờ một số nhà đã thay bằng mái tôn, tấm nhựa chống nóng… Kinh tế phát triển, giao lưu văn hóa giữa các vùng lân cận ngày càng xích lại gần nhau, ở những thôn bản vùng thấp người dân đã chuyển dần từ nhà sàn xuống ở nhà xây, nhưng phần nhiều vẫn lợp ngói âm dương truyền thống, bởi theo quan niệm của bà con, loại ngói này mỏng, khi lợp hai lớp úp ngược nhau nên thoát khí xấu, trong nhà luôn mát mẻ về mùa hè.
Theo cô Lý Thị Bình, con dâu bà Phùng, trải qua hàng chục năm, mái ngói cũ hỏng phải thay nhưng căn nhà thì vẫn như vậy, không mối mọt, mục nát. Thậm chí, nếu chuyển đi chỗ khác vẫn có thể dỡ các mối, kèo ra, mang gỗ đi lắp ghép lại được như cũ.
Người dân nơi đây kể rằng những ngôi nhà gỗ có từ thời những năm 50-60 của thế kỷ trước. Xưa, cùng sống trong những dãy phố cổ là bà con người Hoa, nay bà con dân tộc Tày, Nùng vẫn giữ nguyên nếp xưa.
Tuy nhiên, một cô giáo trường Trung học cơ sở Cư Lễ, có nhà ở phố cổ này cho biết: "Nếu có tiền, người dân ở đây sẽ phá hết nhà cũ mà làm nhà tầng thôi. Chưa ai có ý định bảo tồn khu phố cổ hiếm hoi này"./.
Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)