Đội tuyển Đức biến hóa khôn lường nhờ bộ đôi Gosens và Kimmich

Hai tiền vệ cánh của đội tuyển Đức Robin Gosens và Joshua Kimmich có thể “tìm nhau” bằng những đường chuyền chéo cánh, có thể tạt bóng vào trong cho Serge Gnabry dứt điểm.
Đội tuyển Đức biến hóa khôn lường nhờ bộ đôi Gosens và Kimmich ảnh 1Tiền vệ Đức Joshua Kimmich mừng chiến thắng của đội nhà trước tuyển Bồ Đào Nha trong lượt trận hai vòng chung kết EURO 2020 ở Munich, ngày 19/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Robin Gosens và Joshua Kimmich là những vũ khí tấn công lợi hại của đội tuyển Đức ở Vòng chung kết EURO năm nay.

Chính những cầu thủ này đã giúp Die Mannschaft hồi sinh sau thất bại 0-1 trước đội tuyển Pháp, để ngược dòng ấn tượng, hạ Bồ Đào Nha 4-2 trong lượt trận thứ hai thuộc bảng F.

Trong lối chơi của đội tuyển Đức hiện nay, hai tiền vệ cánh Gosens và Kimmich đóng vai trò quan trọng. Cả hai đều có khả năng tạt bóng và dứt điểm tốt.

Gosens và Kimmich có thể “tìm nhau” bằng những đường chuyền chéo cánh, có thể tạt bóng vào trong cho Serge Gnabry dứt điểm.

Ở cánh của mình, Kimmich có thể phối hợp với Thomas Mueller còn Gosens có thể kết nối với Kai Havertz. Khi cần, đích thân Gosens và Kimmich có thể bó vào trong, đón bóng của đồng đội và dứt điểm như tiền đạo.

Sự năng động của hai cầu thủ này giúp tuyển Đức tạo nên miếng đánh lợi hại ở cánh. Trong hệ thống thi đấu của Đức, Gosens, Kimmich ở 2 cánh cùng với Mueller, Kai Havert (chơi lệch cánh ở phía trên) và Gnabry (đá cao nhất) tạo thành 3 lớp tấn công nguy hiểm.

Họ có thể phối hợp với nhau và bất kỳ ai trong số họ cũng có thể tiếp cận khung thành đối phương và dứt điểm. Bộ ngũ này di chuyển linh hoạt khiến đối thủ không dễ kiểm soát.

Tùy theo cách đối thủ bố trí phòng ngự, Gosens và Kimmich có lúc xuống biên rồi tạt bóng vào trong, có lúc lại cắt vào trong khi phát hiện có khoảng trống và sẵn sàng tự dứt điểm.

[Hậu vệ cánh trái Robin Gosens - Trụ cột của 'Những cỗ xe tăng']

Trong trường hợp đối thủ bịt cánh và khe giữa trung vệ và hậu vệ cánh tốt thì İlkay Gündoğan và Toni Kroos có thể gây bất ngờ bằng những “cú đấm” từ xa. Trong những tình huống cố định, thường do Kroos thực hiện, thì Antonio Rüdiger và Mats Hummels sẵn sàng dâng cao tham chiến.

Đó là phác họa những chiêu thức cơ bản mà tuyển Đức áp dụng để hạ gục đối thủ. Bóng bổng, bóng sệt, sút gần, sút xa đều có cả. Nếu là bóng sống, các tình huống phối hợp hoặc đột phá thường được thực hiện với nhịp độ nhanh nhằm gây rối loạn hàng thủ đối phương.

Đức "xé toang" hàng thủ Bồ Đào Nha chính bằng những pha đánh biên tốc độ. Tất nhiên, Bồ Đào Nha sụp đổ không chỉ vì người Đức chơi hay mà còn vì họ phòng ngự biên quá kém. Nhưng rõ ràng không phải đối thủ nào cũng có thể khai thác được điểm yếu trong phòng ngự biên của Bồ Đào Nha.

Sau khi để thua Pháp ở trận ra quân và bị Bồ Đào Nha phủ đầu với bàn thắng sớm của Ronaldo, người Đức vẫn không nao núng, vẫn hừng hực ý chí quyết thắng và chính tinh thần không bỏ cuộc cũng góp phần quan trọng giúp họ tạo nên cuộc ngược dòng ấn tượng.

Chiến thắng 4-2 một lần nữa thể hiện “quyền lực” của Die Mannschaft trước Bồ Đào Nha. Đó là chiến thắng thứ 5 liên tiếp của Đức trước Bồ Đào Nha trong một trận đấu chính thức.

Tính trong 10 cuộc đối đầu chính thức gần nhất, Đức chỉ thất bại đúng 2 lần trước Bồ Đào Nha mà lần gần nhất cách nay đã hơn 20 năm, thắng tới 6 trận, còn lại là 2 trận hòa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục