Từ khi ông Falko Goetz được bổ nhiệm làm huấn luyện viên đội tuyển Việt Nam, những thông tin về bóng đá Đức bỗng được người hâm mộ Việt quan tâm sát sao hơn. Và chuyện huấn luyện viên Joachim Loew tuyên bố sẽ không gọi Michael Ballack vào đội tuyển Đức cũng có thể được coi là một gợi ý cho đội tuyển Việt Nam dưới thời Falko Goetz.
Giữa Ballack và Goetz có khá nhiều điểm chung. Họ đều xuất thân từ Đông Đức và đều thành danh trong màu áo Bayer Leverkusen. Tuy nhiên, nếu như Ballack giờ đây bị coi là biểu tượng của những lề thói cũ kỹ của đội tuyển Đức thì ông Goetz được kỳ vọng sẽ đem lại luồng gió mới cho đội tuyển Việt Nam.
Hôm 16/6, huấn luyện viên Loew đã chấm dứt những lời đồn đại về tương lai của Ballack ở đội tuyển Đức khi quyết định đóng cửa với tiền vệ này. Cho dù Ballack từng là đầu tàu của đội tuyển Đức, suốt từ World Cup 2002 cho tới Euro 2008, nhưng Loew nhận thấy giờ là thời điểm cần thiết để đoạn tuyệt với cầu thủ đã từng 98 lần khoác áo đội tuyển quốc gia.
Tại World Cup 2010, đội tuyển Đức dù không có Ballack trong đội hình, song đã chơi cực kỳ ấn tượng khi đè bẹp những đội tuyển hàng đầu thế giới như Anh và Argentina, chỉ chịu dừng bước trước Tây Ban Nha – đội sau đó đã lên ngôi vô địch - ở vòng bán kết.
Ở giải đấu đó, các cầu thủ trẻ như Oezil, Mueller, Khedira đều đã chứng tỏ được bản thân, lấp đầy khoảng trống mà Ballack để lại. Vì thế, nếu tiếp tục triệu tập Ballack vào đội tuyển thì đó sẽ là rào cản cho sự phát triển của các tài năng trẻ, cũng như là tương lai của đội tuyển Đức.
Tóm lại, cho dù Ballack là công thần số một của bóng đá Đức trong suốt một thập kỷ qua, nhưng tiền vệ (đã 34 tuổi) này cần phải hiểu rằng, sứ mệnh lịch sử của anh ở đội tuyển đã kết thúc. Và điều tốt nhất mà anh có thể làm được cho đội tuyển Đức lúc này là chúc phúc cho những cầu thủ đàn em.
Quyết định nói không với Ballack quả có hơi khắc nghiệt, nhưng nó phản ánh quá trình đi lên của đội tuyển Đức. Kỳ World Cup 2006 tổ chức trên sân nhà đã đánh dấu sự sự thay đổi mạnh mẽ trong quan niệm phát triển của những nhà lãnh đạo bóng đá nước này, khi họ dũng cảm đặt niềm tin vào một huấn luyện viên trẻ trung (Juergen Klinsmann), để rồi thu được thành công.
Bóng đá Đức hồi sinh từ thời điểm đó, và giờ, họ vẫn tiếp tục “chạy băng băng” trên đường ray ấy với Joachim Loew tiếp bước vai trò của Klinsmann. Làn sóng trẻ hóa, từ băng ghế huấn luyện đến dàn cầu thủ, cũng lan sang cả Bundesliga, mà Falko Goetz cũng chính là một ví dụ điển hình.
Khi dẫn dắt Hertha Berlin trong giai đoạn 2004-2007, Goetz cũng mới chỉ ngoài 40 và ông đã cùng đội bóng này liên tiếp ngấp nghé chiếc vé dự Champions League. Thời ở Hertha, Goetz cũng luôn ưu tiên sử dụng các tài năng trẻ, trong đó có anh em nhà Boateng (giờ Kevin-Prince khoác áo Milan còn Jerome chơi cho Man City).
(Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Chính vì thế, khi chọn Goetz làm người kế vị ông Henrique Calisto, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng rất hy vọng tân huấn luyện viên người Đức sẽ thổi một luồng gió mới cho đội tuyển, vốn đã rệu rã kể từ trước thất bại ở AFF Cup 2010.
Ngày hôm qua, ông Goetz đã điều hành buổi tập đầu tiên với đội tuyển Việt Nam. Dĩ nhiên, ông thầy 49 tuổi này mới chỉ đến Việt Nam chưa đầy hai tuần, chưa đủ thời gian để làm quen với môi trường mới chứ chưa nói đến chuyện đặt dấu ấn của mình (đội hình hai đội tuyển hiện nay đều do các trợ lý người Việt chọn).
Tuy nhiên, nếu có đọc được tin về Ballack trên các tờ báo Việt Nam (dù chỉ là nhìn hình ảnh) thì ắt hẳn huấn luyện viên Goetz cũng hiểu được rằng người hâm mộ đang chờ đợi gì ở ông./.