Đội tuyển Việt Nam và phút thuận buồm trong ngày đầu ra biển lớn

Đội tuyển Việt Nam nhận được nhiều điều tích cực, chứ không chỉ những lời khen thuần túy sau hai trận đấu đầu tiên của vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.
Thay vì những thất bại với tỷ sống đậm theo kiểu 'vùi dập,' tuyển Việt Nam kết thúc trận đấu trong thế 'ngẩng cao đầu.' (Ảnh: Hiển Nguyễn/Vietnam+)
Thay vì những thất bại với tỷ sống đậm theo kiểu 'vùi dập,' tuyển Việt Nam kết thúc trận đấu trong thế 'ngẩng cao đầu.' (Ảnh: Hiển Nguyễn/Vietnam+)

Nếu coi vòng loại thứ ba World Cup là biển lớn thì con tàu của thuyền trưởng Park Hang-seo đã căng buồm thuận lợi trong ngày đầu ra khơi và thu thập được những bài học đáng quý.

Trong lần đầu tiên lênh đênh trên đại dương mênh mông, đội tuyển Việt Nam khiến những hạm đội mạnh hơn nhiều như Saudi Arabia, Australia phải dành những lời tán dương.  

Phút căng buồm thuận lợi

Đội tuyển Việt Nam khởi đầu vòng loại thứ ba World Cup 2022 bằng hai trận đấu liên tiếp trên cả sân khách và sân nhà trước hai đội thủ được đánh giá cao nhất bảng B, Australia và Saudi Arabia.

Thất bại được dự đoán từ trước cho đoàn quân huấn luyện viên Park Hang-seo. Cả hai đối thủ đều thuộc tốp đầu châu Á, nhiều lần dự World Cup và hiếm khi gục ngã ở vòng loại thứ ba.

Song, thay vì những thất bại với tỷ sống đậm theo kiểu “vùi dập,” tuyển Việt Nam kết thúc trận đấu trong thế “ngẩng cao đầu.”

Bàn thắng đẳng cấp của Quang Hải khiến Saudi Arabia chao đảo và bế tắc sau hơn 50 phút thi đấu dù trước đó thắng liên tiếp 5 trận mà không thủng lưới.

Trong khi đó, tuyển Việt Nam chứng tỏ cho Australia thấy rằng vượt trội hơn về sức mạnh, thể hình cũng khó có thể dễ dàng giành chiến thắng.

Sau hai trận đấu, huấn luyện viên đối thủ đều đã phải dành những lời tán dương cho tuyển Việt Nam và thừa nhận khó khăn gặp phải từ đội bóng ở “vùng trũng” Đông Nam Á, lần đầu dự vòng loại thứ ba World Cup.

Đội tuyển Việt Nam một lần nữa khiến trang chủ FIFA hay AFC phải dành lời khen trong vòng 3 năm qua dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo.

Đội tuyển Việt Nam và phút thuận buồm trong ngày đầu ra biển lớn ảnh 1Đội tuyển Việt Nam khiến Australia vất vả giành chiến thắng tối thiểu 1-0. (Ảnh: Hiển Nguyễn/Vietnam+)

So với những thành công trong quá khứ như lọt vào tứ kết Asian Cup 2019, bán kết ASIAD 2018, việc mới chỉ chơi tốt mà không có điểm số ở hai trận đấu đã qua chưa thể khiến người hâm mộ bùng nổ.

Nhưng đó đã là điều rất đáng khen khi cầu thủ Việt Nam hầu hết chạy theo bóng trong suốt 90 phút đương đầu với đối thủ lớn.

Hơn hết, những điểm mạnh nhất của đội tuyển Việt Nam một lần nữa được thể hiện ở sân chơi lớn. Đó là tinh thần đoàn kết, thi đấu không bỏ cuộc và đẳng cấp ngôi sao của một thế hệ tài năng được đại diện bởi Quang Hải.

Đội tuyển Việt Nam và phút thuận buồm trong ngày đầu ra biển lớn ảnh 2Một lần nữa đẳng cấp của lứa cầu thủ tài năng của tuyển Việt Nam thời điểm này được thể hiện ở đấu trường lớn. (Ảnh: Hiển Nguyễn/Vietnam+)

Sau hai thất bại, thật khiên cưỡng để nói đội tuyển Việt Nam tiếp tục tạo lịch sử hay đã có những thành công. Tuy nhiên, đoàn quân huấn luyện viên Park hang-seo đã tiến về phía trước trong lần đầu bước chân trên hành trình lịch sử.

Còn chặng đường dài cho đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup - nơi chúng ta chỉ dám đánh từng cột mốc sau từng bước đặt chân, chứ khó có thể đòi hỏi hơn về việc giương cờ chiến thắng.

Bài học cho lần đầu ra biển lớn

Đi liền với con thuyền lần đầu ra đại dương mênh mông luôn kèm các bài học, mà ở đó đội tuyển Việt Nam cần thu thập thêm kinh nghiệm, “mẹo” và đôi chút sự lì lợm của một kẻ viễn chinh.

Ở bảng đấu của đội tuyển, hai đối thủ đứng đầu sẽ giành vé tham dự World Cup 2022 tại Qatar. Điều này đồng nghĩa Quang Hải và đồng đội phần nào được làm quen với đẳng cấp của sân chơi lớn nhất hành tinh – nơi những đội như Australia, Nhật Bản sẽ chạm trán Anh, Italia hay Đức.

Việc liên tục được đối đầu với đội mạnh châu Á giúp tuyển Việt Nam mở mang hơn về chuyên môn, chiến thuật, bản lĩnh và sự già dơ. Thay vì phải nghiên cứu qua băng hình, cầu thủ Việt Nam có một bài thực hành không thể chất lượng hơn.

Trong khi đó, kiến thức không chỉ tới từ những nền bóng đá lớn như Australia, Nhật Bản. Cách những nền bóng đá chỉ hơn Việt Nam “vài năm phán triển” như Oman cũng rất đáng học hỏi.

Đội tuyển Việt Nam và phút thuận buồm trong ngày đầu ra biển lớn ảnh 3Đội tuyển Việt Nam 'đi một ngày đàng, học một sàng khôn' ở vòng loại thứ ba World Cup. (Ảnh: Hiển Nguyễn/Vietnam+)

Ở khía cạnh khác, bài học về những điều mới mẻ của bóng đá hiện đại cũng vô cùng quý giá.

VAR được hầu hết các giải bóng đá lớn áp dụng cách đây 4 năm, thế nhưng mới lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 7/9 vừa qua. Trước đó, đội tuyển Việt Nam cũng chỉ vài lần tiếp xúc với hệ thống trọng tài video hiện tại trong hai năm trở lại đây.

Bởi thế, những tình huống đội tuyển chịu thiệt bởi VAR như thẻ đỏ của Duy Mạnh và bị từ chối penalty khiến người hâm mộ cảm thấy bực bội và bản thân những người trong cuộc cũng chưa phục.

Nhưng nếu theo dõi thường xuyên những giải đấu lớn như Premier League, Champions League, các tình huống như vừa qua vẫn xảy ra mà các đội bóng ít khi phản ứng.

Thay vì phản ứng hay kiến nghị lên FIFA, họ học thích nghi, coi đó là một phần quen thuộc của cuộc chơi và tìm cách thi đấu thông minh, nhạy bén và láu cá hơn.

Hay như luật bóng đá của FIFA thay đổi liên tục trong ba năm qua, mỗi mùa giải sẽ có sửa đối mới, riêng lỗi để bóng chạm tay đã có rất nhiều định nghĩa mới.

Điều này đòi hỏi cầu thủ, huấn luyện viên và chuyên gia cần “mổ xẻ” để tìm cách phòng ngự hiệu quả, tránh bất lợi trong khi phải tận dụng lợi thế tối đa.

Trong một diễn biến khác, bài học cho đội tuyển Việt Nam ở sân chơi lớn lần đầu tiên ra “biển lớn” cũng đi kèm với lưu ý cho những người hâm mộ.

Ở cấp độ khu vực, hành vi “tấn công” trọng tài trên mạng xã hội được coi là “đặc sản” được khán giả Việt Nam, Thái Lan, Malaysia vẫn thường làm, song ở cấp độ châu lục, thế giới đó lại là một câu chuyện khác.

Hành vi tiêu cực như vậy có thể dẫn tới những hậu quả lớn thay vì những văn bảnh cảnh cáo từ FIFA, AFC cho VFF. Đó có thể trở thành câu chuyện ngoài “thế giới quan” của bóng đá.  

Đội tuyển Việt Nam và phút thuận buồm trong ngày đầu ra biển lớn ảnh 4VAR là một trong những điều mới mẻ của bóng đá hiện đại mà tuyển Việt Nam cần tập làm quen. (Ảnh: Hiển Nguyễn/Vietnam+)

Ba năm trước, tuyển Thái Lan đang ở phong độ cao nhất cũng lần đầu tiên ra “biển lớn” vòng loại thứ ba World Cup 2022 dưới thời huấn luyện viên Kiatisak. Thời điểm ấy, họ thống trị Đông Nam Á, gây được tiếng vang châu Á và tự tin hướng tới World Cup.

Thế nhưng, con tàu “voi chiến” bị đánh chìm ngay ở những trận đấu đầu tiên và không để lại được dấu ấn.

Giờ đây, đội tuyển Việt Nam một lần nữa đại diện Đông Nam Á và đang khởi đầu “thuận buồm” nên rất cần duy trì hưng phấn, sớm rút ra những bài học cho chặng đường còn dài trước mặt.

Vào tháng 10 tới, chạm trán Oman và Trung Quốc là cơ hội để tuyển Việt Nam có thể giành điểm số đầu tiên và một lần nữa đánh dấu cờ đỏ sao vàng trên bản đồ châu lục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục