Dồn dập tăng vốn điều lệ, ngân hàng tính đường dài với Basel III

Theo các chuyên gia, những năm trước kế hoạch tăng vốn ở nhiều nhà băng chưa thể hoàn thành, song năm nay nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc đã giúp các ngân hàng tăng vốn được thuận lợi hơn.
Dồn dập tăng vốn điều lệ, ngân hàng tính đường dài với Basel III ảnh 1Nhiều ngân hàng đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ. (Ảnh: Vietnam+)

Chưa bao giờ kế hoạch tăng vốn điều lệ tại các ngân hàng lại dồn dập và có quy mô lớn như hiện nay, với mục tiêu tăng từ 25%-40% so với mức vốn hiện tại.

Động thái này được đánh giá là tích cực bởi việc tăng vốn có ý nghĩa quan trọng đối với các ngân hàng khi mà quy mô hoạt động ngày càng mở rộng trong khi vốn chủ sở hữu của nhiều ngân hàng tăng không tương ứng tạo áp lực đối với hệ số an toàn vốn dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống. Thực tế này đặt ra yêu cầu buộc các ngân hàng lớn nhỏ phải tiếp tục tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo được hệ số an toàn vốn theo Basel II, cao hơn nữa là Basel III. 

'Cuộc đua' tăng vốn điều lệ

Hiện quán quân vốn điều lệ ngân hàng là VietinBank. Ngày 8/7 Hội đồng quản trị ngân hàng này đã thông qua phương án phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức hai năm 2017 và 2018, tỷ lệ hơn 29%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3 và 4 năm nay. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm 10.824 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng.

VPBank mới đây cũng thông báo về việc xin ý kiến cổ đông liên quan đến phương án chia cổ tức cho cổ đông hiệu hữu bằng cổ phiếu với tỷ lệ khoảng 80%, qua đó tăng vốn điều lệ từ mức 25.300 tỷ đồng lên 45.058 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành này tương đương mức chia cổ phiếu (cổ tức và cổ phiếu thưởng) cho cổ đông hiện hữu khoảng 80%; trong đó tỷ lệ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15%, tỷ lệ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%. Thời điểm thực hiện dự kiến trong quý 3 và 4/2021.

[Nhà nước sẽ nắm tối thiểu 65% vốn tại ngân hàng quốc doanh đến 2025]

Hiện VPBank mới chỉ đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng vốn điều lệ ngân hàng. Nếu phương án được thông qua, vốn điều lệ của ngân hàng này nhiều khả năng sẽ vượt một số ngân hàng để trở thành tổ chức tín dụng có vốn điều lệ cao thứ 4 hệ thống.

Trong thông báo mới nhất, MB cho hay chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, ngân hàng này sẽ phát hành hơn 979,5 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế giữ lại đến năm 2020. Ước tính sau chia, vốn điều lệ của MB sẽ tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng, lên mức 37.800 tỷ đồng.

Dù vậy, bảng xếp hạng hiện nay sẽ sớm có những xáo trộn mạnh tiếp theo khi các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank vẫn đang có kế hoạch tăng vốn.

Đại hội cổ đông của Vietcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng sẽ tăng thêm 10.000 tỷ từ nguồn lợi nhuận để lại của năm 2019 để chia cổ tức tỷ lệ 8%, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 47.325 tỷ đồng. Sau đó, Vietcombank sẽ phát hành riêng lẻ quy mô 6,5% vốn điều lệ để tăng vốn lên hơn 50.400 tỷ đồng.

Còn tại BIDV, theo kế hoạch ngân hàng muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tức tăng 20,6%). Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Thậm chí, Hội đồng quản trị VietinBank còn có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên hơn 54.000 tỷ đồng vào cuối năm nay thông qua chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6%.

Tuy nhiên đến hiện tại, Hội đồng quản trị 3 ngân hàng này chưa có thông báo chi tiết về việc triển khai các phương án trên.

Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng tư nhân khác đã có kế hoạch và được chấp thuận chia cổ tức để tăng vốn như LienVietPostBank sẽ phát hành gần 129 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2020 (tương đương 1.289 tỷ đồng). Ngoài ra, ngân hàng này sẽ tiếp tục thực hiện các đợt tăng vốn theo kế hoạch để tăng vốn điều lệ lên mức hơn 15.700 tỷ đồng thông qua các hoạt động phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, cổ đông hiện hữu và cho người lao động.

Với SeABank, nhà băng này được chấp thuận tăng thêm gần 2.700 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông nâng tổng vốn điều lệ lên 16.600 tỷ đồng; TPBank cũng chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu, tăng vốn lên hơn 10.000 tỷ đồng; OCB tăng vốn thêm tối đa gần 2.740 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án phát hành gần 274 triệu cổ phiếu, trả cổ tức tỷ lệ 25%, theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng lên 14.450 tỷ đồng.

Dồn dập tăng vốn điều lệ, ngân hàng tính đường dài với Basel III ảnh 2

Theo tính toán, chỉ riêng tháng Bảy này, có hơn 2,2 tỷ cổ phiếu ngân hàng niêm yết mới trên thị trường, tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ các ngân hàng.

Trong tháng Sáu trước đó, cũng đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành theo hình thức chia cổ tức và cổ phiếu thưởng, tương đương hơn 10.000 tỷ bổ sung vốn điều lệ.

Tăng thêm bộ đệm cho nhà băng

Theo các chuyên gia, những năm trước kế hoạch tăng vốn ở nhiều nhà băng chưa thể hoàn thành, song năm nay nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc đã giúp các ngân hàng tăng vốn được thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, tăng vốn cũng góp phần giúp các nhà băng đáp ứng yêu cầu của Basel II và hướng đến Basel III. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) do Ngân hàng Nhà nước quy định là 8%, nhìn vào các ngân hàng lớn trong khu vực, tỷ lệ này vào khoảng 15%-16%.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng củng cố thêm hệ số an toàn CAR, nâng cao năng lực doanh nghiệp và tăng khả năng đề kháng trước những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt khi TPBank đã hoàn thiện và áp dụng cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cũng cho biết việc tăng vốn năm nay sẽ giúp ngân hàng tăng được hệ số CAR. Trên cơ sở đó, ngân hàng có thể phát triển hoạt động tín dụng cao hơn cũng như góp phần đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo tiêu chuẩn Basel II và hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn là Basel III.

Theo các chuyên gia, việc hoàn thành các chuẩn của Basel của mỗi ngân hàng không chỉ là đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn bước đầu đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế. Đây là nền tảng quản trị quan trọng để giúp hệ thống ngân hàng phát triển an toàn đồng thời, thúc đẩy và đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn bộ thị trường tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, hệ số CAR của nhiều ngân hàng đang ở mức an toàn, nhưng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, tăng vốn sẽ tăng bộ đệm thanh khoản giúp ngân hàng ứng phó tốt hơn với rủi ro dịch bệnh hiện nay. Vì vậy, việc tăng vốn cho ngân hàng là điều cần thiết, nhất là với những ngân hàng có vốn Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục