Đón Xuân về với mũi Sa Vĩ - nơi địa đầu Tổ quốc

Trong cái rét ngọt cuối đông, chúng tôi đến mũi Sa Vĩ (Trà Cổ), nơi đặt nét bút đầu tiên để vẽ nên chữ S - bản đồ đất nước Việt Nam...
Trong cái rét ngọt cuối đông, chúng tôi đến Móng Cái, thành phố vùng biên sôi động và ra mũi Sa Vĩ, nơi đặt nét bút đầu tiên để vẽ nên chữ S - bản đồ đất nước Việt Nam...

Mũi Sa Vĩ thuộc phường Trà Cổ. Công trình "Cụm thông tin cổ động Sa Vĩ" đang được hình thành trên diện tích 15.744m2, với các hạng mục gồm bức tranh gốm ghép hình tròn đường kính rộng 16m, chiều cao 6m, trải trên vành đai bằng bêtông cốt thép bao quanh cụm điêu khắc cao 27m. Tổng kinh phí đầu tư cho công trình khoảng 51 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 3 năm thi công.

Đón chúng tôi tại cửa Đồn biên phòng số 3 (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh), thiếu tá Bùi Đức Chương, Chính trị viên đơn vị cho biết năm nào bộ đội cũng cùng với nhân dân tổ chức giao lưu, gói bánh đón Tết; đi thăm, tặng quà cho các hộ khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn."

Thiếu tá Chương giải thích "Sa" là cát, "Vĩ" là đuôi, gọi là Sa Vĩ vì mỗi khi thủy triều xuống ở đây nổi lên một doi cát dài.

Đình Trà Cổ được xây dựng từ thời Hậu Lê (năm 1462), nơi thờ các vị tổ (Thành Hoàng làng), là tài sản vô giá mà cha ông để lại nơi địa đầu. Theo các bô lão trong làng truyền lại, tổ tiên của người Trà Cổ xưa vốn là người Đồ Sơn (Hải Phòng) làm nghề đánh cá. Trong một lần đi biển, gặp sóng to gió lớn, 12 gia đình đã trôi dạt vào đây.

Trước cảnh hoang vu, chỉ toàn sú vẹt, lau sậy cùng những đồi mua, đồi sim, có 6 gia đình đã chán nản cho rằng "ở đây ăn bổng lộc gì" và bỏ ra đi. Chỉ còn 6 gia đình quyết tâm ở lại khai phá miền đất mới, sinh làng, lập ấp...

Lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức vào ngày 1/6 âm lịch hàng năm với nhiều nét độc đáo như rước Vua ra miếu, rước "Ông Voi," thi nấu ăn... và nghi lễ không thể thiếu là một đoàn thuyền rước từ Trà Cổ về quê tổ Đồ Sơn vào ngày 25/5 và đến 30/5 thì thuyền từ Đồ Sơn quay về đến Trà Cổ.

Xuân 2011, đời sống của nhân dân phường Trà Cổ đã có nhiều đổi mới. Hiện Trà Cổ có 45 nhà nghỉ với gần 600 phòng; doanh thu từ du lịch và dịch vụ tăng hơn nhiều so với trước. Nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản có bước phát triển mạnh mẽ.

Toàn phường có 454 hộ làm ngư nghiệp, trong đó 269 hộ tham gia hoạt động sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản bằng bè máy các loại. Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cũng được địa phương quan tâm đầu tư phát triển.

Đến nay, người dân phường Trà Cổ đã được sử dụng nước sạch. Trường học đều đạt chuẩn quốc gia. Công tác y tế, kế hoạch hóa gia đình có nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,64%...

Ông Vũ Đình Phúc, Trưởng Ban hành giáo xứ đạo Trà Cổ nhớ lại trước đây, Trà Cổ chỉ là một làng chài nhỏ hoang sơ, tiêu điều, nhìn đâu cũng thấy cát. Thiếu thốn, khó khăn, con người ngày đêm chỉ biết chúi mặt vào biển.

Nhờ có các chiến sĩ biên phòng Đồn 3 mở lớp xóa mù chữ, bảo vệ ngư trường bến bãi nên nhân dân yên tâm sản xuất, đời sống đang ngày càng nâng lên rõ rệt. Có nhà mỗi ngày đi đánh bắt hải sản bán được trên 1 triệu đồng. Người Trà Cổ sống đoàn kết, hiền hòa, không phân biệt lương, giáo. Mỗi khi có việc gì hay ai gặp khó khăn, mọi người đều tập trung vào giúp đỡ...

Trải qua bao thăng trầm cùng dân tộc, Sa Vĩ vẫn hiên ngang, trường tồn trước thời gian, minh chứng cho chủ quyền của Tổ quốc./.

Mạnh Tú (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục