Sản xuất tại Trung Quốc

Đồng phục Olympic của Mỹ sản xuất tại Trung Quốc

Thượng nghị sỹ Harry Reid đã đòi đốt bỏ bộ đồng phục Olympic London 2012 của đoàn thể thao Mỹ vì nó được may ở Trung Quốc.
Mối kình địch Trung-Mỹ ở các kỳ Olympic đã nóng lên khi một nghị sỹ hàng đầu đề xuất đốt bỏ các bộ quần áo thi đấu của đội Mỹ chuẩn bị cho lễ khai mạc Thế vận hội London 2012 vì chúng sản xuất ở Trung Quốc. “Tôi rất thất vọng. Tôi khi rằng ủy ban Olympic quốc gia phải thấy tự hổ thẹn”, Lãnh tụ phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Harry Reid nói với các phóng viên ngày 12/7 khi được hỏi về một bản tin trên đài truyền hình ABC News về xuất sứ của các đồng phục do hãng Ralph Lauren thiết kế. “Tôi cho rằng họ nên gom tất cả những bộ đồng phục đó lại thành một đống lớn rồi đốt bỏ. Nếu không còn quần áo nào và phải sơn lên người một biểu tượng USA, thì họ phải mặc như thế.” Phản ứng dữ dội này từ “đội Capitol” không phải là bất ngờ, bởi các nghị sỹ Mỹ thường xuyên đòi hỏi giữ lại các việc làm ở Mỹ, bao gồm ngành dệt may, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những nền kinh tế hải ngoại với chi phí thấp hơn như Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nhà thiết kế Lauren, 72 tuổi, và văn phòng tại New York của ông chưa có phản ứng gì. Bộ đồng phục màu xanh với mũ đi kèm cho các vận động viên Mỹ tại lễ khai mạc Olympic London ngày 27/7 vừa được ra mắt trong tuần này. Trung Quốc hiện là nguồn cung cấp sản phẩm may mặc lớn nhất vào Mỹ. Quốc hội Mỹ, vốn chia rẽ trầm trọng, lần này ra một thông báo thống nhất, ngay trong năm bầu cử, lên án Ủy ban Olympic Hoa Kỳ (USOC). “Ai cũng nghĩ họ phải hiểu biết hơn” - Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói trong một cuộc họp báo. Lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện, Nancy Pelosi cũng bày tỏ sự thất vọng về tai họa thời trang này. “Chúng ta rất tự hào vì các vận động viên Olympic của mình,” Pelosi nói. “Họ là những người giỏi nhất, xuất sắc nhất, xinh đẹp nhất, và họ phải mặc đồng phục sản xuất tại Mỹ.” Tuy nhiên, người phát ngôn USOC, Patrick Sandusky, bảo vệ quyết định của ủy ban. “Không giống hầu hết các đội Olympic trên thế giới, đội Olympic Mỹ được tài trợ bởi nguồn quỹ tư nhân và chúng tôi rất biết ơn các nhà tài trợ”, Sandusky nói. “Chúng tôi tự hào vì mối quan hệ đối tác với Ralph Lauren, một công ty biểu tượng của Mỹ, và háo hức được chứng kiến các vận động viên giỏi nhất nước Mỹ tranh tài ở Thế vận hội sắp tới tại London”. Sandusky cũng bảo vệ quyết định này trên Twitter, giải thích rằng Ralph Lauren là một công ty Mỹ. Ông bỏ qua vấn đề xuất sứ quần áo. “Tất cả những tranh cãi về đồng phục Olympic sản xuất ở Trung Quốc là ngớ ngẩn. Polo Ralph Lauren là một công ty Mỹ ủng hộ các vận động viên Mỹ”, Sandusky viết trên Twitter.
Đồng phục Olympic của Mỹ sản xuất tại Trung Quốc ảnh 1
Vận động viên bơi lội Ryan Lochte mặc đồng phục do Ralph Lauren thiết kế, nhưng may ở Trung Quốc (Nguồn: AP)
Nhưng các cổ động viên Olympic Mỹ đã bày tỏ một tinh thần dân tộc khác hẳn trên Twitter. “Tại sao Ralph Lauren không đặt những bộ đồ này ở Mỹ? Ai cũng biết chúng ta có rất nhiều nhà máy và những sản phẩm chất lượng,” Mary Marcanotio viết. Nick Symmonds, một vận động viên tham gia nội dung chạy 800 mét, viết trên Twitter: “Đồng phục Ralph Lauren cho lễ khai mạc Olympic của chúng tôi sản xuất tại Trung Quốc. Thế thì, cảm ơn Trung Quốc.” Nhưng một người khác trên Twitter, giảng viên đại học Bob Gillan, nhắc lại rằng đồng phục của Mỹ ở Olympic mùa đông 2006 ở Turin là do Roots, một hãng Canada, thiết kế. Các nghị sỹ đã viết một bức thư ngày 12/7 cho Chủ tịch USOC, Lawrence Probst, nói họ “bị sốc và hết sức thất vọng” khi biết các bột đồng phục sản xuất ở Trung Quốc và yêu cầu ủy ban có những biện pháp để đảm bảo “nỗi hổ thẹn” này sẽ không lặp lại. “Chúng ta hết sức tự hào về các vận động viên Olympic của mình và muốn đảm bảo họ cũng có niềm tự hào tương tự với những người lao động Mỹ khi cạnh tranh trên trường quốc tế,” các nghị sỹ Steve Israel và Kirsten Gillibrand viết./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục