"Dòng tiền mới chảy vào các thị trường đang nổi"

Trong báo cáo vừa công bố, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, trong năm nay, các nhà đầu tư tư nhân có kế hoạch đổ nhiều tiền hơn vào các nền kinh tế đang nổi khi nhịp độ tăng trưởng tại những nước này khá mạnh, trong khi tỷ lệ lãi suất tại các thị trường phát triển vẫn ở các mức thấp kỷ lục.

Các nền kinh tế khu vực Đông Âu dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi nếu cuộc khủng hoảng ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dịu bớt. Năm ngoái dòng vốn chảy vào khu vực này đã sụt giảm mạnh.
Trong báo cáo vừa công bố, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, trong năm nay, các nhà đầu tư tư nhân có kế hoạch đổ nhiều tiền hơn vào các nền kinh tế đang nổi khi nhịp độ tăng trưởng tại những nước này khá mạnh, trong khi tỷ lệ lãi suất tại các thị trường phát triển vẫn ở các mức thấp kỷ lục.

Các nền kinh tế khu vực Đông Âu dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi nếu cuộc khủng hoảng ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dịu bớt. Năm ngoái dòng vốn chảy vào khu vực này đã sụt giảm mạnh.

Các nước phát triển hàng đầu hiện vẫn kìm giữ lãi suất ở các mức thấp nhất trong lịch sử và thậm chí sắp tới còn có thể hạ xuống thấp hơn nữa. Nhật Bản vừa công bố chương trình mua tài sản không giới hạn, điều có nghĩa là sẽ in thêm nhiều tiền hơn nữa. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) hiện cũng đang chịu sức ép phải hành động nhiều hơn nữa để hỗ trợ cho các nền kinh tế ốm yếu của họ.

Trong quá khứ, dòng tiền khổng lồ đổ vào các thị trường đang nổi đã gây ra một số vấn đề, làm đồng nội tệ của các nước đang phát triển - vốn dựa chủ yếu vào xuất khẩu - mạnh lên, gây nên những quan ngại về các cuộc chiến tiền tệ. Đã có nhiều nhà hoạch định chính sách lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này, trong đó có cả thống đốc các ngân hàng trung ương Anh và Đức.

Tuy nhiên, IIF cảnh báo rằng, mặc dù lãi suất ở các nền kinh tế lớn vẫn đang được duy trì ở các mức thấp kỷ lục, song xu hướng này có thể sẽ nhanh chóng đổi chiều.

Trong báo cáo trên, IIF đã dự báo dòng vốn tư nhân đổ vào các thị trường đang nổi sẽ tăng lên 1,118 nghìn tỷ USD trong năm 2013, tăng 3,5% so với con số ước tính khoảng 1,108 nghìn tỷ USD của năm 2012. Theo IIF, các điều kiện tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển vẫn khá dễ dàng. Kết hợp với các điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng ở các nền kinh tế đang nổi sẽ tạo nên một xu hướng tăng trưởng đáng kể cho dòng chảy của nguồn vốn trong năm 2012 và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong suốt năm 2013, cũng như trong năm 2014, với lượng vốn đầu tư có thể lên tới 1,150 nghìn tỷ USD vào năm 2014.

IIF cũng đề cao việc dòng vốn có khả năng sẽ đổ nhiều hơn vào các thị trường đang nổi ở châu Âu do nhà đầu tư đã bớt lo ngại về tương lai của đồng euro. Tuy nguồn vốn đổ vào các thị trường này trong năm 2012 đã giảm xuống còn 193 tỷ USD so với 210 tỷ USD của năm 2011, song IIF cho rằng sẽ tăng lên 220 tỷ USD trong năm nay và 237 tỷ USD trong năm 2014. Mặc dù vậy, nguồn vốn này vẫn nhỏ hơn so với "dòng tiền nóng" đổ vào các thị trường đó trong giai đoạn 2005-2007, thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu 2008/2009. Nhưng IIF cho biết, dòng vốn đổ vào châu Á và Mỹ Latinh sẽ cao hơn 30% so với các mức của năm 2007.

Theo Charles Dallara, Giám đốc điều hành IIF, điều này có thể dẫn tới những rủi ro cho các thị trường đang nổi nếu lãi suất tại Mỹ tăng lên và các nhà đầu tư cần xem xét cẩn trọng để tránh bị thất bại. IIF cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp sụt giảm và nền kinh tế có nhiều cải thiện tại Mỹ có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị rút lại một số chính sách nới lỏng tiền tệ vào năm 2014. Tương tự, đã có những dấu hiệu cho thấy một số ngân hàng trung ương các nước có thể cũng sẽ sớm có những thay đổi về chính sách tiền tệ.

IIF cũng khuyến cáo các nhà đầu tư không nên rót quá nhiều tiền vào các thị trường đang nổi nếu Ngân hàng trung ương các nước phát triển chấm dứt các chính sách nới lỏng tiền tệ mà họ đã áp dụng trong những năm qua.

IIF (có trụ sở tại Washington, Mỹ) là tổ chức vận động hành lang lớn nhất thế giới cho các công ty tài chính với hơn 450 thành viên, trong đó có cả các ngân hàng thương mại và đầu tư toàn cầu lớn, các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm rủi ro và các thể chế liên quan tới tài chính khác./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục